EU 'đốt' hàng tỷ USD cho LNG, bước đi giúp từ bỏ khí đốt Nga hay đẩy thị trường vào ngõ cụt?

Liên minh châu Âu (EU) đang đầu tư hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng trong nỗ lực thay thế nhiên liệu của Nga bằng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).

LNG đang thay thế khí đốt của Nga tại châu Âu. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 5/3, chỉ hơn một tuần sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen bày tỏ lo ngại rằng, Điện Kremlin có thể "tắt vòi" khí đốt của khối. Vì vậy, khối gấp rút chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga càng nhanh càng tốt bằng cách tìm các nguồn cung thay thế. Trong đó, LNG là một lựa chọn.

Lượng tiền lớn đang "chảy" vào LNG

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), nước tiêu thụ khí đốt lớn nhất ở EU là Đức, tiếp theo là Italy, Hà Lan, Slovakia và Pháp. Các quốc gia này hiện đang cố gắng thay thế khí đốt nhập khẩu từ Nga bằng các nguồn cung cấp khác.

Theo dữ liệu do nhóm phân tích Dịch vụ Tình báo hàng hóa độc lập (ICIS) cung cấp, từ tháng 1 đến tháng 9, nhu cầu về LNG của các quốc gia châu Âu đã tăng đáng kể. Nhu cầu ở Pháp tăng 88% so với cùng kỳ năm 2021, Hà Lan tăng 109% và Bỉ tăng 157%.

Ông Paula Di Mattia Peraire, nhà phân tích khí đốt của ICIS cho biết, kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự, nhập khẩu LNG vào châu Âu đã tăng 58%. Hiện Đức, Hy Lạp, Italy, Ireland, Pháp, Hà Lan và Ba Lan đang mở rộng cơ sở hạ tầng của họ để tiếp nhận LNG.

Nhà phân tích Peraire nói: "Có rất nhiều khoản đầu tư ở châu Âu liên quan đến LNG. Nếu tất cả các dự án này thành hiện thực - khoảng 15 dự án mới cho đến cuối năm 2024 - thì công suất sẽ tăng thêm 70 tỷ m³/năm".

Ông Alex Munton, một nhà phân tích LNG của nhóm nghiên cứu năng lượng Rapidan cho hay, cách mà châu Âu đang làm để mua khối lượng lớn LNG là trả nhiều tiền hơn những thị trường khác.

Số liệu của ICIS xác nhận, mức độ giảm nhu cầu LNG ở các quốc gia bên ngoài châu Âu, đặc biệt là ở châu Á. Tại Bangladesh, nhu cầu giảm 10% so với năm 2021; ở Pakistan giảm 19%, trong khi ở Trung Quốc giảm 22%.

Bên cạnh đó, tại khu vực này, một lượng tiền đặc biệt lớn của các chính phủ đang chảy vào các cảng ven biển, nơi "dừng chân" của LNG. Hiện tại, ở Biển Bắc và Biển Baltic có rất ít cảng có thể tiếp nhận LNG.

Hơn nữa, thay vì chảy từ Đông sang Tây, LNG sẽ phải chảy từ Tây Ban Nha, Pháp và Hà Lan đến Trung và Đông Âu. Tuy nhiên, do các đường ống dẫn khí đốt chủ yếu là đường một chiều nên "dòng chảy ngược" này chỉ có thể diễn ra ở mức hạn chế.

Trong khi đó, để thay thế 167 tỷ m3 khí đốt hàng năm của Nga, EU sẽ cần khoảng 1.800 chuyến tàu, với dung tích 175.000 m3/tàu, hoặc 5 chuyến mỗi ngày.

Theo Viện Kinh tế vận tải và hậu cần, EU cần thêm 160 tàu chở dầu mới, với tổng số tiền là 35,2 tỷ USD.

Khoản đầu tư "không có ý nghĩa"?

Trước đó, EU đã đạt được một thỏa thuận với mục tiêu trung hòa về khí hậu vào năm 2050. Tuy nhiên, nếu EU sử dụng nhiều LNG hơn, lượng khí thải sẽ tăng lên.

Ông Ganna Gladkykh tại Liên minh Nghiên cứu Năng lượng châu Âu (EERA) nhận định: "Châu Âu đang đối mặt với một trường hợp khẩn cấp. Ngay cả Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cũng đã cảnh báo, không nên đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, không đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch.

Việc EU bơm hàng tỷ Euro vào cơ sở hạ tầng khí đốt là trái ngược với điều đó. Không có ý nghĩa gì khi đầu tư vào LNG và đặc biệt là ở châu Âu".

Ngoài ra, dù luôn thể hiện quyết tâm “cai nghiện” khí đốt Nga, nhưng Đức và một số nước châu Âu vẫn tăng cường nhập khẩu LNG.

Số liệu của Viện Kinh tế thế giới (IfW) có trụ sở tại Đức cho thấy, tổng nguồn cung LNG của Nga sang châu Âu đã đạt mức kỷ lục kể từ đầu năm tới nay.

Hãng tin ZDF của Đức cũng tiết lộ, LNG của Nga được giao cho Bỉ, nhưng trên thực tế, những lô hàng này được chuyển tới Đức dù số lượng tương đối khiêm tốn, chỉ khoảng gần 5 tỷ m3/năm, chiếm từ 5-6% tổng lượng khí đốt tiêu thụ hằng năm ở Đức. Do Đức chưa có kho cảng LNG riêng nên vẫn đang mua thông qua các nước láng giềng như Pháp, Bỉ và Hà Lan.

Còn theo tờ Handelsblatt, nhập khẩu LNG của châu Âu từ Nga đã đạt mức cao kỷ lục trong năm qua. So với năm 2021, Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã mua thêm 20% lượng LNG từ Moscow.

Khi nào EU "thoát ly" khí đốt Nga?

Không giống như khí đốt từ đường ống của Nga hay Qatar, LNG phải được hóa lỏng trước khi vận chuyển. Để làm được điều này, khí được nén bằng áp suất và sau đó "giảm áp suất" một lần nữa. Trong quá trình này, có tới 8% đến 25% sản lượng năng lượng bị thất thoát do hoạt động của máy nén.

Sau đó, LNG phải được vận chuyển qua đường biển. Khoảng cách càng dài, lượng khí thải carbon càng lớn. Khí đốt từ Australia vận chuyển đến châu Âu sẽ có "chi phí vận chuyển" gấp 5 lần so với khí đốt từ Algeria.

Nga cũng dự định hóa lỏng và bán khí đốt. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp kết thúc nhanh chóng chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, thị phần của Nga trên thị trường khí đốt ở châu Âu có thể sẽ tiếp tục giảm vì những lý do chính trị.

Điện Kremlin rất có thể sẽ phải "gạch tên" khách hàng mua khí đốt trị giá hàng tỷ USD là châu Âu và chuyển sự chú ý sang "những ngôi nhà mới" như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt quốc tế sau chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine sẽ hạn chế khả năng lắp ráp cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần thiết của Nga. Đến nay, hầu hết các đối tác phương Tây đã bỏ hợp tác với Nga.

Các nhà khoa học tại viện nghiên cứu Agora Energiewende và E3G tính toán, EU có thể giảm nhu cầu khí đốt và thoát khỏi phụ thuộc Nga trong vòng "1 đến 4 năm".

Cụ thể, khoảng 20% nhu cầu có thể được thay thế thông qua thực hiện kế hoạch "Fit for 55" của EC. Và 45% nhu cầu có thể đạt được thông qua bơm nhiệt, cách nhiệt và mở rộng năng lượng xanh.

Ngoài ra, EU cần nhập khẩu 35% lượng khí đốt từ các quốc gia khác, tương đương khoảng 50 tỉ m³ khí đốt.

(theo Dw, Reuters)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/eu-dot-hang-ty-usd-cho-lng-buoc-di-giup-tu-bo-khi-dot-nga-hay-day-thi-truong-vao-ngo-cut-210275.html