EU cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine chống Nga, loại tiêm kích được điểm mặt

Đại diện cấp cao về đối ngoại của EU Josep Borrell đã tiết lộ rằng, gói 'viện trợ sát thương' 501 triệu USD sắp tới Ukraine qua ngả Ba Lan sẽ bao gồm máy bay chiến đấu.

Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ gửi tiêm kích cho Ukraine theo yêu cầu của nước này để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell cho biết.

"Chúng tôi sẽ cung cấp cả tiêm kích. Chúng tôi không chỉ đề cập đến đạn dược mà đang cung cấp những vũ khí quan trọng hơn", ông Borrell nói.

Ông Borrell nhấn mạnh việc Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã yêu cầu viện trợ các loại máy bay chiến đấu mà các phi công Ukraine có thể vận hành và những máy bay đó có thể được mua từ một số quốc gia EU.

Không quân Ukraine hiện đang vận hành các tiêm kích MiG-29, Su-27 cùng cường kích Sukhoi Su-24 và Su-25 được Liên Xô thiết kế. "Một số quốc gia thành viên EU có loại máy bay này", ông Borrell nói.

Rất có thể các máy bay phản lực chiến đấu mà ông Borrell nói đến có thể là MiG-29 của Không quân Ba Lan, Bulgaria và Slovakia.

Ba Lan đang là quốc gia vận hành nhiều MiG-29 với 28 chiếc, gồm 23 chiến đấu cơ một chỗ ngồi và biến thể huấn luyện MiG-29UB hai chỗ ngồi.

Ba Lan cũng là một trong số những quốc gia đang hỗ trợ tích cực cho Ukraine khi Nga tấn công. Việc Warsaw cung cấp chúng cho Kiev là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Các máy bay MiG-29 Ba Lan đã trải qua nhiều đợt nâng cấp để bảo đảm khả năng hoạt động đến năm 2025, trong khi vai trò tác chiến chủ lực hiện được giao cho phi đội 48 tiêm kích F-16 Block 52+ và tương lai là 32 chiếc F-35A.

MiG-29 là tiêm kích hạng nhẹ thế hệ 4 được Liên Xô phát triển vào thập niên 1970 và biên chế năm 1982.

Ra cùng thời với Su-27 trong vai trò là tiêm kích hạng nhẹ cạnh tranh trực tiếp với F-16 Mỹ, tuy nhiên hiện tại tương lai của MiG-29 lại không tươi sáng bằng Su-27.

Trong khi Su-27 và các biến thể nâng cấp như Su-30/35 liên tục cháy hàng thì MiG-29 và biến thể nâng cấp MiG-35 lại khá ế ẩm trên thị trường xuất khẩu.

MiG-29 được trang bị 2 động cơ Klimov RD-33, sức đẩy 81.4 kN mỗi chiếc, tuy nhiên động cơ này được cho là hoạt động không hiệu quả với độ bền thấp và chi phí khai thác cao.

Tiêm kích MiG-29 có tốc độ tối đa 2.400 km/h, trần bay 18 km, tuy vậy chúng lại có tầm bay khá ngắn dưới 1.000 km, trong khi ở F-16 là 1.300 km.

Về trang bị vũ khí, MiG-29 được trang bị 1 pháo GSh-30 cỡ nòng 30 mm với cơ số đạn 150 viên. Nó có thể mang được trọng lượng vũ khí 3.500 kg bao gồm 6 tên lửa không đối không loại AA-8 Aphid, AA-10 Alamo, AA-11 Archer, AA-12 Adder, bom FAB 500-M62, FAB-1000, TN-100, ECM Pods, S-24, AS-12, AS-14…

Tuy là một chiến đấu cơ hạng nhẹ đáng gờm, nhưng MiG-29 cũng có những điểm yếu nhất định, trong đó phải kể đến là hệ thống radar. Radar của MiG-29 có màn hình hiển thị kém, do đó nhận định tình huống không tốt.

Đã có trên 1.600 chiếc MiG-29 được Liên Xô sản xuất trong 29 năm, riêng xuất khẩu đạt gần 1.000 chiếc sang khoảng 30 nước.

Dù vậy ngay cả khi nhận MiG-29 từ EU, những chiếc máy bay này vẫn khó lòng đối đầu với những chiếc Su-30SM, Su-35 và MiG-29SMT, phiên bản nâng cấp sâu rộng của MiG-29 của Nga.

Tuy nhiên trong một cuộc chiến tranh quy mô toàn diện như hiện tại, những chiến đấu cơ MiG-29 nếu được cấp cho Ukraine kịp thời, chúng vẫn có thể gây ra những tổn thất nhất định cho Nga, đặc biệt là lực lượng mặt đất.

Ngoài ra không quân Bulgaria cũng đang có phi đội Su-25, chúng cũng có thể được EU mua cho không quân Ukraine để đối đầu Nga trong cuộc chiến đang diễn ra.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/eu-cung-cap-chien-dau-co-cho-ukraine-chong-nga-loai-tiem-kich-duoc-diem-mat-post496919.antd