ESG sẽ là yếu tố quyết định và tất yếu trong các thương vụ M&A

Chia sẻ về các yếu tố nền tảng để thị trường M&A tăng tốc, bà Bình Lê Vandekerckove, Nhà sáng lập, Tổng giám đốc, Trưởng bộ phận M&A Công ty Tư vấn thương vụ ASART cho rằng, phát triển bền vững (ESG) sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy quy mô cũng như số lượng các thương vụ M&A trong thời gian tới.

Bà Bình Lê Vandekerckove, Nhà sáng lập, kiêm Tổng giám đốc Công ty Tư vấn thương vụ ASART

Năm 2023, tổng giá trị các thương vụ M&A có sự sụt giảm, nhưng giá trị trung bình lại tăng lên so với 2 năm trước, bà nhận định thế nào về xu hướng này?

Trong báo cáo chuyên sâu 15 năm về M&A mà chúng tôi thực hiện ghi nhận giá trị giao dịch trung bình trước đây vào khoảng 25 triệu USD/thương vụ, gần đây con số đã tăng lên khoảng 35 triệu USD/thương vụ, thậm chí có lúc đạt trên 50 triệu USD. Điều này cho thấy, giá trị trung bình của các thương vụ bắt đầu tăng và đó là điều tất nhiên, thể hiện rõ xu hướng hiện tại là doanh nghiệp hướng đến M&A các thương vụ có giá trị cần thiết để thúc đẩy lẫn nhau.

Giá trị trung bình của các thương vụ tăng chủ yếu được thúc đẩy bởi những thương vụ có giá trị hơn 1 tỷ USD. Chẳng hạn, thương vụ lớn nhất của năm cho đến nay là việc SMBC (Nhật Bản) chi 1,45 tỷ USD mua lại cổ phần thiểu số đáng kể tại Ngân hàng TMCP Việt Nam thịnh vượng (VPBank). Khi có những thương vụ lớn như thế thì sẽ kéo theo giá trị trung bình lớn hơn, song điều này cũng chỉ mang tính chất đột biến tại thời điểm tính toán.

Với xu hướng M&A hiện nay, trong 3 năm tới, chúng tôi dự báo, thị trường M&A tại Việt Nam sẽ có các thương vụ quy mô lên đến 20 tỷ USD.

Trong quá trình tư vấn, bà nhận thấy khẩu vị cũng như sự dịch chuyển dòng vốn năm nay có gì khác biệt?

Năm nay, hoạt động M&A bị chậm lại do tình hình phát triển của thế giới khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất hiện tại lên khoảng 5,5%. Đó là điều khá mới mẻ, ít nhất là đối với thị trường trong 10 năm trở lại đây. Điều đó đã làm cho nhiều nhà đầu tư phải rút nguồn vốn về, hoặc giữ nguồn vốn lại và không làm gì để chờ đợi. Đây là xu hướng chung, sẽ tiếp tục diễn ra ít nhất trong 6 tháng tiếp theo và chỉ thực sự tích cực trở lại trong năm 2025.

Đối với xu hướng dịch chuyển dòng vốn, trước đây, chúng ta chứng kiến Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore là những nước luôn nằm trong top nhà đầu tư quan tâm và đầu tư vào Việt Nam. Nhưng gần đây, với những chính sách ngày càng cởi mở hơn với phương Tây, nhất là việc Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện thì trong tương lai, nhà đầu tư Mỹ sẽ dẫn đầu về đầu tư và quan tâm tại thị trường Việt Nam.

Động lực để tăng trưởng cho thị trường M&A đến từ đâu? Lĩnh vực nào sẽ hút vốn đầu tư qua M&A, thưa bà?

Có ít nhất 3 động lực tăng trưởng trong giai đoạn này.

Thứ nhất, sự hỗ trợ và quan tâm của Chính phủ cũng như các bộ, ngành trong việc cải thiện môi trường đầu tư.

Thứ hai, tăng cường nội lực của các doanh nghiệp Việt Nam để chuẩn bị sẵn sàng cho những giao dịch lớn, cũng như các giao dịch nhanh chóng hơn.

Thứ ba, phát triển bền vững (ESG) tiếp tục là yếu tố quan trọng, thúc đẩy quy mô cũng như số lượng thương vụ M&A trong thời gian tới.

Hiện tại, chúng tôi ghi nhận ngành tiêu dùng vẫn là một trong những ngành sôi động, tiếp đến là các lĩnh vực như dịch vụ tài chính ngân hàng, bất động sản, logistics. Song yếu tố mới mà chúng tôi nhận thấy là sự quay trở lại của mảng nông nghiệp và ngành công nghiệp sản xuất, cùng với đó là các dịch vụ sản xuất nông nghiệp sẽ quay trở lại và có chiều hướng tăng lên.

Rõ ràng, các doanh nghiệp Việt có nhiều cơ hội để M&A trong thời gian tới, song có ý kiến cho rằng, định giá doanh nghiệp của Việt Nam đang thấp hơn giá trị thực tế, gây thiệt thòi cho bên bán. Bà có bình luận gì về điều này?

Việc định giá thấp với các doanh nghiệp thì chắn chắn thời gian tới vẫn sẽ tiếp diễn, bởi hiện có những doanh nghiệp chưa ghi nhận doanh thu trở lại sau Covid-19, có doanh nghiệp giảm 20 - 30%, thậm chí có doanh nghiệp giảm 40%, điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận cũng như hồ sơ năng lực của họ. Chỉ khi nào doanh thu quay trở lại thì mới thuyết phục bên mua rằng giá mà bên bán mong muốn là phù hợp.

Tất nhiên, nếu chỉ dựa vào doanh thu và lợi nhuận thì cũng chưa có một định giá đúng, vì định giá đúng là phải định giá về nền tảng, định giá về giá trị thật của công ty, chứ không vì một chu kỳ về kinh tế mà lấy điều đó để làm áp lực lên công ty khi định giá. Phải nhìn ở một bức tranh rộng hơn là 5 năm về trước và 5 năm tiếp theo.

Tóm lại, việc định giá trị thấp sẽ gây cản trở nhiều hơn trong giai đoạn này, nhưng nếu nhà đầu tư hiểu được giá trị nền tảng của doanh nghiệp muốn M&A, thì chắc chắn, họ sẽ ngồi vào bàn đàm phán để xem mức nào là phù hợp. Còn bên bán cũng có cơ hội để nhìn lại là mình cần phải cải thiện nội lực thế nào để tối ưu hóa được giá trị mà mình có thể mang lại.

Thiện Minh (thực hiện)

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/esg-se-la-yeu-to-quyet-dinh-va-tat-yeu-trong-cac-thuong-vu-ma-d204207.html