Ép con ăn gây hại thế nào?

Ép con ăn nhiều hơn rất phổ biến trong quá trình chăm trẻ, nguyên nhân có thể do bố mẹ, ông bà, người giúp việc quá lo lắng về việc liệu con có ăn quá ít không hoặc ăn không bằng 'con nhà người ta'.

Thực tế để đạt được mục đích cho bé ăn nhiều hơn các cha mẹ áp dụng rất nhiều cách như bế dong, vừa ăn vừa chơi, xem TV, thậm chí là đe dọa, điều này thực ra chỉ thỏa mãn được mong muốn của cha mẹ nhưng không hề có lợi cho bé. Ép ăn có thể gây ra nhiều hệ quả không tốt cho bé.

Các nguy hại khi ép trẻ ăn

Gây tổn thương tâm lý : trẻ luôn trong tâm trạng sợ hãi, đau khổ, ức chế vì bị ép ăn, nhiều bé phản kháng và có hành vi chống đối. Khi bị ốm, trẻ sẽ ăn ít hơn, lúc này càng phải tránh ép ăn, tâm lý bị ảnh hưởng khi khỏi bệnh sẽ biếng ăn thực sự luôn.

Tạo thói quen xấu trong ăn uống: ép ăn khiến trẻ chỉ ăn vì sợ, ăn vì thưởng chứ không còn ăn vì ham, vì ngon nữa. Về lâu dài, trẻ không còn cảm giác ăn uống tốt và biếng ăn thực sự.

Gây nguy cơ béo phì và lồng ruột cao: trẻ bị ép ăn sẽ có 31,4% nguy cơ béo phì so với những trẻ khác, dẫn đến nguy cơ cao mắc các bệnh tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp huyết áp. Trẻ bị ép ăn nhiều khiến nhu động ruột phải hoạt động mạnh cũng có nguy cơ cao bị lồng ruột hơn.

Dậy thì sớm: Trẻ bị ép ăn nhiều sẽ dẫn đến tình trạng thừa dinh dưỡng, làm tăng lượng hormon trong cơ thể khiến trẻ bị dậy thì sớm. Thậm chí làm hạn chế sự phát triển chiều cao của trẻ. Nhiều bé gái đã hốt hoảng, sợ hãi, xấu hổ, lo lắng, dẫn đến buồn rầu và bỏ học khi cơ thể có sự thay đổi.

Có 1 sai lầm là các mẹ nghe nói sữa cao năng lượng nhiều chất, ăn vào lên cân tốt, nhưng cần cảnh giác lên cân tốt chưa chắc đã lên chiều cao tốt, với các bé thiếu cân, suy dinh dưỡng sữa cao năng lượng rất tốt, nhưng nếu không kiểm soát tốc độ tăng cân dễ đến thừa cân, trẻ bình thường uống sữa cao năng lượng dễ béo phì, mà béo phì thì thường sẽ không có chiều cao tốt.

Hãy để con được đói

Trẻ đến bữa chính cha mẹ kỳ công tạo rất nhiều kỳ thú cho bữa ăn, bao công nấu nướng đến bữa con lại gẩy gẩy ăn không được bao nhiêu, ép con ăn thì hại mà để lại tiếc công tiếc của. Nếu đã chế biến ngon rồi, đẹp mắt rồi, ăn đúng giờ đúng cữ rồi mà bé vẫn chưa chịu ăn thì một lý do rất lớn là bé chưa có đói.

Lúc này, cha mẹ hãy để con được đói, một đứa trẻ khỏe mạnh, hoạt bát chơi đùa nếu để cha mẹ chơi cùng có khi chúng ta mệt trước, đầu hàng trước khả năng hoạt động của bé vậy nên không bao giờ chúng ta phải lo sợ để con đói quá mà lả đi cả.

Chắc chắn trong quá trình hoạt động, bé sẽ tự biết khi nào cần bổ sung năng lượng, tuy nhiên nhiều gia đình thoải mái để bé tùy ý lấy sữa, bánh kẹo ăn vô tội vạ, thích thì ăn không có giờ cữ nên lúc nào bé cũng ngang ngang không có muốn ăn gì hết.

Đặc biệt sữa bánh thì ngọt ngào, lại ít phải nhai gì nên mấy bé lười nhai lại càng thích uống mà không thích ăn thô. Do vậy trong giai đoạn ăn dặm và trẻ lớn cần có các cữ ăn hợp lý, có giờ ăn thành 1 nếp sinh hoạt hàng ngày, không ăn vặt trước mỗi bữa chính sẽ tạo cơ hội cho bé được đói và thèm ăn hơn!

Tập cho bé thói quen không ăn vặt, không ăn quá khuya, không ăn quá nhiều đồ ăn chiên rán hay đồ ngọt. Ngay từ khi còn nhỏ, người lớn cần dạy bé cách cung cấp năng lượng cho bản thân khi đói và uống nước ngay cả khi không khát.

Cho bé đi khám định kỳ, người lớn cần thường xuyên ghi lại các chỉ số về chiều cao, cân nặng của bé để dễ dàng phát hiện những biểu hiện lạ như cân nặng của bé tăng đột biến hay những mầm mống bệnh tật mới hình thành.

phòng ngừa đột quỵ

Bs. Trần Đồng - BV Sản - Nhi – Vĩnh Phúc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ep-con-an-gay-hai-the-nao-169230828163829398.htm