Em phải làm sao đây?

Anh hay nói dối em những chuyện vớ vẩn, để được em thương hại. Em biết nói dối cũng giả vờ tin, vì em nghĩ cũng là do anh yêu mình nên bịa đặt ra để lấy tình cảm thôi.

Vì thương mẹ già, anh học xong về quê để công tác, sau đó do không xin được việc anh lại xuống thành phố, rồi lại trục trặc công việc anh lại về quê và giờ đã đi làm. Em may mắn hơn, ra trường là có việc làm ngay, do yêu thương anh mà cũng chấp nhận bỏ việc ở thành phố về quê lấy anh.

Gia đình anh rất nghèo, một mình anh lo làm không đủ, suốt ngày tất bật. Em về quê thì đợi việc mãi mà không có, vì tụi em đã xin việc trước hai tháng cưới. Mẹ chồng thì khó tính và hay để ý vặt, anh giúp gì em là bà mắng chửi anh. Ngoài ra, gia đình anh còn bắt em làm nông (nhà anh chồng cà phê và tiêu). Em từ nhỏ ở thành phố không biết làm nhưng cũng cố gắng ra làm cho có người. Việc nhà cơm nước em lo toan hết. Cưới về thì em bị dính bầu luôn, anh rất vui và hạnh phúc. Cuộc sống khó khăn, khắc nghiệt vì đó vùng sâu, mang bầu thì nghén khó chịu, mẹ chồng không quan tâm và chán vì con dâu không biết làm nông, ăn uống thiếu thốn, không ai bạn bè và trò chuyện, mỗi chồng đi làm tối mới về, ăn xong thì ngủ (trên đó 19h là đi ngủ). Tết dương lịch, em gái em lên chơi và đã khóc vì em từ một cô gái xinh đẹp nhất nhà, thì gầy đen và xấu xí, ăn mặc như bà già. Em cũng cảm nhận như thế. Tối đó, do anh đi nhậu say về, vợ chồng có to tiếng và anh đuổi em và em gái ra khỏi nhà. Em gái em có tức và chửi anh.

Ảnh minh họa.

Hai chị em ra ngoài đường đứng nửa đêm, rồi anh gọi điện và bố mẹ gọi về thì hai chị em về. Về nhà thì đã thấy cả một dòng họ nhà anh đứng đấy và mắng em ngu và cho việc em bỏ đi như vây là ghê gớm, làng này không ai như thế cả. Em gái em có tức và nói lại anh, còn em thì im lặng. Ngày hôm sau, mọi người tiếp tục đến mắng em và anh đuổi em gái em về thành phố. Em cũng chỉ biết im lặng và nhìn em gái lủi thủi xách ba lô đi, mà không ai nói gì, giúp gì, em rất buồn. Sau đó, em có xin lỗi gia đình anh, mọi chuyện coi như được giải quyết. Sau đó, do Tết âm lịch anh trai em cưới vợ, nên lúc đầu hai vợ chồng định về nhưng không có tiền nên anh cho em về một mình. Không biết ai đã nói gì, mà ngày nào anh cũng gọi điện than vãn là vợ năm đầu không nên cho về, rồi ngày nào anh cũng giục em về, quát mắng em. Bố mẹ thấy em gầy yếu lại đang bầu bì, nên cũng khuyên em ở chơi thêm, đợi cho xe bớt khách rồi vào.

Ai ngờ, ngày 16 âm lịch em không vào, anh đã đi báo cho dòng họ anh và cơ quan của anh là ly dị em, và trách em có ý định bỏ đi luôn, trách em làm anh xấu hổ vì đợt bỏ đi đó, trách em gái em mất dạy. Em tưởng anh đùa, nhưng khi gọi hỏi mẹ anh, bà mắng em một trận xối xả, các anh chị cũng vậy và nói em vào không nhận nữa. Em đau khổ đến tột cùng, em gọi điện xin lỗi anh và hứa mai sẽ vào, nhưng anh không cho vào. Em dọa anh làm vậy em sẽ bỏ thai, nhưng anh dửng dưng nói là em nên làm như thế để làm lại cuộc đời, còn để lại thì anh sẽ nuôi.

Em không ngờ anh lại nói như thế với em. Em muốn gặp mặt giải quyết nhưng anh không chịu về quê em và cũng không cho em vào. Bố mẹ em do thương con gái, lại mang bụng bầu, một thân một mình mà gọi điện thấy anh và gia đình quyết tâm và cư xử như vậy cũng không muốn em vào nữa. Em có nhờ bạn bè, và bạn thân anh gọi điện khuyên anh giùm mà không được. Anh quyết tâm và hận thù em là đã làm anh phải điêu đứng. Em gọi điện van xin cũng không được, sau đó em nói anh trả 40 triệu tiền xin việc cho em, anh kêu do em bỏ xin việc ngang nên mất, rồi kể lể là lo cho em ăn uống tháng trời, lo chạy xin việc còn tốn cả hơn thế, em còn phải bù thêm tiền cho anh. Em cũng nghe bạn bè em nói là anh kể mọi người là tại em cãi nhau bỏ về quê không vào, rồi hối hận vì lấy em, anh yêu thương em hết mức mà em không thương anh một.

Bây giờ, em không biết phải làm sao, thì cũng khổ vì chồng không thương nữa. Chấp nhận ly hôn thì khổ đứa bé lại không cha như bố nó và nuôi con một mình vất vả. Thực sự là đã có nhiều người khuyên em làm lại cuộc đời, nhưng em không thể, em phải làm sao đây?

B.Linh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/em-phai-lam-sao-day-48883.html