Em mãi là em

Đã gần sáu giờ chiều rồi mà trời còn oi bức quá. Không khí ngột ngạt thật khó chịu! Cơ này chắc sắp giông gió gì đây. Dễ đến gần tháng nay, ông trời chẳng cho giọt mưa nào rồi.

Mà sao giờ này Hoa vẫn chưa về nhỉ?! Cô ấy đi đâu, làm gì? Gần đây, cứ vài ngày, Hoa lại về muộn như thế! Nhiều lần định hỏi nhưng tôn trọng vợ, anh lại thôi. Anh tin vợ không dễ thay lòng đổi dạ nhưng những lời bóng gió của nhiều người trong xóm, khiến anh cứ suy nghĩ mông lung, đặt ra nhiều tình huống, nghĩ ngợi lung tung đến điên cả đầu. Thời tiết khắc nghiệt, bệnh xương khớp hành hạ càng khiến anh cảm thấy, từ khi lấy nhau, chưa khi nào cuộc sống lại mệt mỏi, bức bối như lúc này…

 Minh họa: HIỀN NHÂN.

Minh họa: HIỀN NHÂN.

***

Anh quen Hoa trong một lần về phép, trên chuyến xe khách liên tỉnh cuối ngày. Tình yêu sớm nảy nở rồi đơm hoa kết trái. Chồng là sĩ quan chuyên nghiệp, vợ là cô giáo trường làng. Thật lý tưởng! Thật là niềm ngưỡng vọng của bạn bè, làng xóm. Những năm đầu của cuộc sống vợ chồng, anh vắng nhà suốt. Năm chỉ đôi lần về phép hay tranh thủ, tuần hoặc mươi ngày lại phải đi. Lúc ấy, Hoa là giáo viên trẻ nên hay phải đi biệt phái ở những trường xa. Bố mẹ chồng già yếu, con còn nhỏ dại nhưng vợ anh vẫn quán xuyến, đảm đương trọn vẹn mọi bề việc nhà, việc trường. Anh luôn thầm cảm ơn Hoa đã giúp anh được yên tâm công tác. Dù vợ chồng thỉnh thoảng mới được gần gũi nhau nhưng cả anh và Hoa đều luôn cảm thấy hạnh phúc với những gì mình có được.

Thế rồi quân đội tinh giảm biên chế, những sĩ quan chuyên nghiệp như anh được giải quyết nghỉ “một cục”. “Thôi, anh cống hiến bao nhiêu năm như vậy cũng đủ rồi! Về quê cũng không thiếu gì việc. Điều quan trọng là vợ chồng mình được gần nhau, cùng chăm sóc gia đình, anh ạ!”. Mặc dù được vợ động viên, an ủi nhưng anh vẫn thấy hụt hẫng một thời gian khá dài. Đang là sĩ quan, đi đứng oai vệ, giờ về làm anh nông dân chăm nuôi lợn gà cám bã, ngày ngày quẩn quanh nấu ba bữa cơm đỡ đần cho vợ, cũng ngại ngần lắm chứ! Dù Hoa vẫn luôn mặn nồng, không bao giờ “mặt nặng mày nhẹ” với chồng nhưng anh vẫn cảm thấy ít nhiều mặc cảm.

Ngồi sau xe, Hoa ríu rít kể chuyện này chuyện nọ như chưa hề có sự việc chiều nay. Còn anh, anh không nhớ vợ đã nói những gì trên đường về. Anh im lặng mà thấy xấu hổ và ân hận vô cùng. Ngay lúc này, nếu không nhiều người qua lại, anh sẽ dừng xe, ôm chặt vợ vào lòng mà nói: Hoa ơi! Anh xin lỗi em! Anh cảm ơn em! Cảm ơn em nhiều lắm! Bởi anh hiểu rằng, em vẫn mãi là người vợ son sắt, keo sơn! Em vẫn mãi là cô giáo chăm chút, yêu thương học sinh. Trong lòng anh, em mãi là em, như cái thuở ban đầu...

Ở nhà mãi cũng bí bách. Anh đành theo toán thợ xây trong xóm, làm chân phụ hồ, khi nào thiếu thợ thì anh nhảy lên giàn giáo làm thợ chính như ai. Về việc này, Hoa hoàn toàn ủng hộ anh. Không phải vì cần thêm thu nhập mà cái chính là cô muốn anh được thoải mái tư tưởng, không tự ti rằng là ăn bám vợ. Nhưng vốn không quen việc nặng nhọc chân tay nên chỉ qua một tháng, anh đã gầy và đen hơn nhiều, già đi trông thấy. Rồi một lần, trong lúc cố nhoài người với xô vữa trên giàn giáo, anh bị mất thăng bằng, trượt chân ngã từ tầng hai xuống, gẫy xương đùi. Từ đó, sức khỏe của anh giảm đi rõ rệt, dù mới ngoài năm mươi tuổi.

Vợ anh, có lẽ những năm tháng còn trẻ, chị vất vả nhiều nên bây giờ đến tuổi hồi xuân, chị được bù đắp lại, nhan sắc vẫn đẹp mặn mà. Bốn mươi tám tuổi mà Hoa vẫn giữ được eo thon, bờ vai tròn lẳn và làn da mịn màng. Lúc này, bố mẹ chồng đã khuất núi, hai con đã lớn, đứa đi làm, đứa thì học đại học và công việc trường lớp cũng ổn định nên Hoa mới có thời gian chăm sóc bản thân mình. Phụ nữ mà, ai chẳng muốn đẹp! Chị muốn đẹp, không chỉ cho bản thân mình, mà còn đẹp cho bao ánh mặt học sinh, đẹp cho sĩ diện của chồng. Thế nên, chị dần làm quen với thẩm mỹ, xóa đi những khiếm khuyết nho nhỏ của mình, như xăm đậm thêm nét mày, cắt và ép mái tóc cho trẻ trung… Đợt vừa rồi, Hoa còn tham gia lớp yoga của chi hội phụ nữ xóm. Ai cũng bảo, Hoa trẻ hơn nhiều so với tuổi của chị.

Thỉnh thoảng, anh vẫn ra tạt vào cái quán tạp hóa đầu xóm, nơi tụ tập của đám đàn ông nhàn rỗi, loanh quanh nước chè, thuốc lào và tán gẫu. Mà chuyện của cánh đàn ông, đông tây kim cổ rồi thì muốn rôm rả, vẫn quay về cái món… đàn bà. Sáng nay vui miệng, dần dà rồi họ cũng nói tới vợ anh. Bực nỗi, mấy tay ấy cứ vừa cười vừa nói, nửa như đùa nửa như thật:

- Sướng nhất chú mày nhé! Vợ làm cô giáo, ăn nói nhẹ nhàng tình cảm, người lại cứ phây phây ra. Chú thì ngày càng tóp lại, sao mà đủ sức…

- Cô Hoa nhà chú đang độ hồi xuân. Chú chăm sóc cho cẩn thận nhé!...

- Mà bữa nay, tôi thấy cô Hoa hay về tối lắm! Ai dạy dỗ gì cái giờ ấy! Có người nói, cô ấy hay về từ cái xóm bãi văng vắng ở cuối xã ấy!

- Phụ nữ họ khéo lắm nhé! Phụ nữ có học họ lại càng khéo, nên chú cũng đừng có mà chủ quan…

Anh nghe mà nóng mặt, nhưng cố điềm tĩnh:

- Các bác cứ nghĩ xa quá đi thôi! Vợ chồng bao năm, chẳng lẽ em không biết tính vợ em hay sao?

Nói thì nói vậy thôi chứ anh cũng bức xúc lắm. Mà anh thấy, người ta nói cũng có cái đúng. Mấy bữa nay, vợ anh hay về muộn, có hôm phải chín giờ tối. Cũng có lần, Hoa nói là đi dạy kèm học sinh kém, nhưng anh không để tâm lắm, cũng vì đau yếu luôn. Hơn nữa bấy nay, chuyện gối chăn của vợ chồng anh cũng “năm thì mười họa”. Có thể cô ấy thiếu thốn tình cảm chăng?! Dù sao thì cũng cần phải nói cho “ra môn ra khoai” chuyện này!

***

Có tiếng xe máy vè vè vào ngõ. Vợ anh về rồi kìa! Trông dáng vẻ Hoa vội vàng lắm. Chưa kịp gạt chân chống xe xuống, cô đã gọi với vào nhà:

- Anh ơi! Anh ăn cơm đi! Em đi có chút việc. Em ăn cái bánh quy và quả chuối là được rồi!

- Khoan đã! Em ngồi xuống đây! Anh có chuyện muốn nói với em!

- Có chuyện gì để tối đi anh! Em đang vội…

- Thế những tối em về muộn, em đi đâu? Em có nghe thiên hạ họ nói gì không? - Anh nói như quát vào mặt cô.

Hoa giật sững người, chùm chìa khóa xe máy tuột khỏi tay cô.

- Họ nói gì cơ? Thế ra anh nghi ngờ em à? Ôi trời! Ngày trước còn trẻ trung, anh lại xa nhà mà vợ chồng chẳng có điều tiếng gì. Bây giờ gần nhau, anh lại nghĩ vớ vẩn, lung tung...

Hoa trấn tĩnh lại, tiến đến cầm lấy tay chồng:

- Anh này! Dù ai nói thế nào, xin anh hãy tin em! Có gì, lát nữa về vợ chồng mình nói chuyện thẳng thắn với nhau. Còn bây giờ, em muốn nhờ anh một việc. Việc này chỉ anh giúp được em thôi! Vì anh là chồng em mà!...

Nhìn vào đôi mắt ngân ngấn nước và nghe giọng nói khẩn khoản của vợ, anh dịu lòng lại. Nhưng vẫn hỏi nghi hoặc:

- Nhưng đi đâu?

- Gần đây thôi! Việc này em cần đến sự chia sẻ của anh!

“Đi thì đi chứ ngại gì! Mà mình phải đi để xem sự thể như thế nào! Biết đâu, sẽ tìm ra ngọn ngành của những ngờ vực bấy lâu nay!...”. Nghĩ rồi, anh dắt xe, đèo vợ đi với thái độ khá lạnh nhạt.

Theo sự chỉ dẫn của Hoa, anh dừng xe trước một ngôi nhà sâu trong xóm nhỏ. Ngôi nhà ba gian, tường gạch cũ, mái lợp fibro xi măng. Ánh điện sáng trưng tỏa chiếu soi rõ cả ra ngoài đường. Một cặp vợ chồng trẻ cùng hai đứa nhỏ, một trai, một gái đang ngồi trên giường, dáng vẻ đợi chờ.

- Chào anh chị! Gia đình đã ăn cơm tối chưa? Tôi đến để động viên cháu học tập, anh chị ạ!

- Vâng! Chào cô giáo ạ! Chúng em lát nữa mới ăn.

Thấy Hoa vào, đứa bé gái chủ động lấy sách vở ra ngồi bên bàn. Hoa đến bên, khẽ vỗ nhẹ vào vai cô trò nhỏ:

- Bây giờ, con làm lại ba bài tập toán đã làm ở lớp chiều nay. Mười lăm phút nữa thì cho cô xem nhé!

Nói rồi, cô cầm hai chiếc ghế nhựa, bước ra ngoài hiên. Cô tươi cười nhìn chồng rồi đưa cho anh một chiếc ghế: “Anh ngồi tạm xuống đây, chờ em chút!”. Đoạn, cô quay vào nói với bé trai: “Con ra đây để cắt tóc nào!”. Thằng bé ngoan ngoãn bước ra, ngồi lên ghế, vẻ mặt thoáng chút ngượng ngùng.

- Anh ạ! Nhà cậu bé này ở cuối con ngõ kia! Bố mẹ mải đi buôn hàng chuyến, mấy ngày mới về nhà một lần nên chẳng có thời gian chăm sóc con cái. Chiều nay, em tập văn nghệ cho học sinh chuẩn bị biểu diễn trong lễ đại hội chi đội sáng mai, thấy tóc tai nó bờm xờm quá. Mà hiệu cắt tóc thì xa, mãi trên xóm chợ. Anh giúp em nhé!

Dứt lời, cô đưa chiếc kéo cho anh. Mắt nhìn đằm thắm. “Tưởng gì! Ngày trước trong quân đội, mình toàn cắt tóc cho lính. Giờ vẫn còn dẻo tay lắm!”.

- Còn cô bé kia là con nhà này, năm trước bị Covid -19, sức lại yếu nên phải nghỉ học hơn tháng liền. Lúc trở lại lớp, hơi đuối so với các bạn. Em phải phụ đạo thêm mỗi tuần ba buổi tối, mỗi tối hai tiếng. Giờ con bé khá hơn nhiều rồi! Chắc chỉ dăm buổi nữa là lực học sẽ đuổi kịp các bạn!

Anh đưa kéo nhịp nhàng trên mái tóc cháy nắng, bết mồ hôi của cậu bé. Những món tóc rối bời rơi xuống, ánh lên trong ánh điện.

- “Ca sĩ” đã sắp điển trai rồi đấy! Có mái đầu đẹp thế này, mai con phải biểu diễn tự nhiên lên đấy nhé!.

Nói rồi Hoa bước vào nhà, đến bên cô bé.

- Giỏi lắm! Con làm đúng hết rồi đấy, nhưng cần trình bày đẹp hơn nữa nhé! Giờ cô cho thêm hai bài, lát nữa con làm nhé! Hôm nay, cô cho con nghỉ sớm để ăn cơm kẻo bố mẹ đợi!

Xong việc, vợ chồng anh chào gia đình trẻ rồi ra về khi vầng trăng thượng tuần đã lên cao. Ngồi sau xe, Hoa ríu rít kể chuyện này chuyện nọ như chưa hề có sự việc chiều nay. Còn anh, anh không nhớ vợ đã nói những gì trên đường về. Anh im lặng mà thấy xấu hổ và ân hận vô cùng. Ngay lúc này, nếu không nhiều người qua lại, anh sẽ dừng xe, ôm chặt vợ vào lòng mà nói: Hoa ơi! Anh xin lỗi em! Anh cảm ơn em! Cảm ơn em nhiều lắm! Bởi anh hiểu rằng, em vẫn mãi là người vợ son sắt, keo sơn! Em vẫn mãi là cô giáo chăm chút, yêu thương học sinh. Trong lòng anh, em mãi là em, như cái thuở ban đầu...

Truyện ngắn của Đỗ Thị Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/tac-gia-tac-pham/405379/em-mai-la-em.html