Em dâu khiếm nhã khiến anh em trai 'nồi da xáo thịt'

Chỉ vì một hành động khiếm nhã của cô em dâu, khiến anh trai nổi giận, acầm dao đâm em một nhát chí mạng.

Bị cáo Nguyễn Văn Tiến tại phiên tòa xét xử.

Giận em dâu, đâm chết em ruột

Ngày 28/9 vừa qua, TAND tỉnh Bình Định đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Tiến (SN 1970, ở phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) 14 năm tù giam về tội giết người. Điều đau lòng của vụ án là nạn nhân và bị cáo là anh em ruột. Trước đó, họ luôn yêu thương đùm bọc nhau, chưa từng có mâu thuẫn gì.

Theo cáo trạng, sáng 9/7/2016, Tiến và em trai là Nguyễn Văn Dân đang ngồi uống rượu tại nhà anh Dân thì chị Bùi Thị Thúy Liên (vợ Dân) càm ràm vì cho rằng mới sáng sớm, chồng không lo đi làm mà nhậu nhẹt, trong khi công việc thì đầy rẫy.

Dù vợ nói vậy nhưng anh Dân và anh trai vẫn ngồi nhậu. Nghĩ anh chồng rủ rê chồng mình nhậu nhẹt, say xỉn nên chị Liên bực tức la chửi, đuổi Tiến về. Chưa dừng lại ở đó, chị Liên còn cầm con dao đến hăm dọa Tiến, rằng nếu tiếp tục rủ chồng mình đi nhậu thì không xong với chị.

Bị em dâu cầm dao dọa, Tiến bỏ về nhà mẹ ruột ở gần đó. Khoảng 15 phút sau, anh Dân gọi điện rủ anh trai đến một quán ở địa phương nhậu tiếp. Cả hai nhậu đến khoảng 13h30 cùng ngày thì thấm mệt nên anh Dân về nhà, còn Tiến thì lại nhà mẹ ruột để nghỉ.

Nằm ở nhà mẹ, cảm thấy ấm ức việc lúc sáng bị em dâu chửi mắng, Tiến liền xuống bếp lấy 1 con dao đi qua nhà anh Dân để nói chuyện phải trái với em dâu. Thấy anh chồng cầm dao lớn tiếng trước sân nhà, chị Liên từ trong nhà đi ra lấy khúc cây ở mép tường đánh vào tay Tiến làm con dao Tiến đang cầm rơi xuống đất.

Bực tức trước hành động hỗn xược của em dâu, Tiến tiếp tục về nhà mẹ lấy 2 con dao nữa đi qua nhà em trai tìm đánh em dâu. Lúc này, chị Liên đang ở trong nhà, Tiến cố tình nói lớn tiếng nhưng chị Liên không ra.

Tức giận, Tiến lấy đồ đạc trên hè nhà anh Dân ném xuống đất cho bõ tức và để Liên ra mặt. Thấy anh mình lấy đồ đạc vứt lung tung, anh Dân đi ra và nói: “Để vợ em dọn, anh khỏi phải dọn. Mấy anh em với nhau hết, chẳng nên lớn tiếng làm gì”.

Nói xong, anh Dân quay lưng chuẩn bị đi vào nhà thì Tiến cầm dao đâm mạnh một nhát từ trên xuống trúng vào cổ và vai phải của em trai làm nạn nhân tử vong tại chỗ.

Tại phiên tòa xét xử, bị cáo Tiến thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình trong cơn xúc động, giọng nói run rẩy và ngắt quãng. Bị cáo không lý giải được tại sao lúc đó lại đâm em trai bởi không hề có ý định này, mà chỉ nghĩ rằng câu nói của em là bênh vực vợ, chứ không nghĩ em trai đang khuyên nhủ mình. Bị cáo cũng cho rằng, có lẽ bởi bản thân có rượu nên không làm chủ được hành vi.

Cái giá quá đắt

Trong phần tranh tụng, đại diện viện kiểm sát phân tích hành vi của bị cáo là hết sức nghiêm trọng, giết người có tính chất côn đồ nên bị truy tố theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự, với mức án từ 13 đến 15 năm tù giam.

Tuy nhiên, luật sư của bị cáo cho rằng, Tiến phạm tội trong trạng thái thần kinh bị kích động mạnh, không mang tính chất côn đồ mà chỉ là không làm chủ hành vi tức thời. Luật sư đề nghị truy tố Tiến ở khoản 2 Điều 95 (thực hiện hành vi giết người trong lúc tinh thần bị kích động mạnh) là phù hợp.

Bên cạnh đó, luật sư của bị cáo Tiến còn yêu cầu tòa truy cứu hành vi dùng gậy đánh rơi dao của chị Liên, vì lúc này bị cáo chỉ đang cầm dao chứ chưa làm gì, và gậy cũng là hung khí.

Tuy nhiên, đại diện viện kiểm sát lập luận rằng việc bị cáo Tiến cầm dao đến nhà người khác uy hiếp là mang tính chất côn đồ, là hành vi coi thường tính mạng người khác. Ở đây, bị cáo không chỉ cầm dao đến một lần mà là nhiều lần, từ một nguyên nhân vô cớ mà đánh chết người, nên bác yêu cầu chuyển tội danh của luật sư.

Còn việc vợ nạn nhân dùng gậy để đánh bị cáo rớt dao là tự vệ chính đáng và hành vi này bị xem xét ở góc độ đạo đức chứ không phải pháp luật, nên không truy cứu hành vi của chị Liên.

Nỗi đau của mẹ bị cáo cũng là mẹ bị hại.

Trước tòa, chị Liên không yêu cầu bồi thường về mặt dân sự nhưng đề nghị tòa xét xử Tiến ở mức thích đáng vì đã cướp đi chồng và cha của các con chị. “Con tôi đang tuổi ăn tuổi học, anh Dân là lao động chính của gia đình, giờ anh ấy chết, không biết mẹ con tôi sẽ như thế nào. Tôi mong HĐXX có mức án thích đáng cho người gây ra cái chết cho chồng tôi”, chị Liên nói.

Nhất trí với việc Tiến sẽ bị pháp luật trừng phạt nghiêm minh, song HĐXX cũng phân tích rằng, giá như chị Liên có cách hành xử khiêm tốn, nhẹ nhàng hơn thì hẳn đã không có kết cục hôm nay. Giá như chị Liên biết kìm chế ngay từ đầu, không cầm dao hăm dọa anh chồng thì sẽ không có cảnh tượng anh em ruột, người chết, kẻ vào tù.

Nỗi đau người ở lại

Vụ án xảy ra đã giáng một gánh nặng quá lớn xuống gia đình mà bị cáo và bị hại là anh em ruột. Đau đớn nhất là 3 người phụ nữ. Đó là mẹ của nạn nhân cũng là của bị cáo vừa với nỗi đau mất con vừa phải nhìn cảnh đứa con lại vào chốn lao tù.

Là vợ nạn nhân và con nạn nhân, bởi họ vĩnh viễn không còn có cơ hội bên chồng, bên cha. Và là vợ bị cáo, bởi việc bị cáo bị cách ly một thời gian dài khỏi xã hội cũng không hề đơn giản với người vợ.

Phiên tòa hôm ấy diễn ra trong không khí lặng lẽ đến nao lòng, bởi bị cáo, nhân chứng và thân nhân bị hại đều cùng một nhà. Xen lẫn trong những câu hỏi của Hội đồng xét xử và câu trả lời của bị cáo, nhân chứng là những tiếng thút thít dưới phòng dự khán. Ở đó, người mẹ già nước mắt lăn dài, xót xa:

“Tôi đau lắm, anh em nó trước giờ hòa thuận, giờ đứa chết, đứa phải vào tù, tôi biết phải làm gì đây. Chỉ mong tòa xét giảm tội cho thắng Tiến vì thằng Dân nó cũng đã mất rồi. Người trong một nhà mà…”.

Trong suốt phiên xử, trong mỗi câu hỏi, lập luận, HĐXX đều có ý nhắn nhủ với gia đình, rằng phiên xử hôm nay là để xét xử hành vi trái pháp luật của bị cáo, còn lại về sau, đừng vì câu chuyện của hai người đàn ông mà khơi sâu thêm vết thương, làm mất hòa khí trong gia đình.

Hai anh em không hề có mâu thuẫn, có chăng chỉ là cách hành xử không khéo léo, và tác động của rượu bia khiến bị cáo không làm chủ được hành vi của mình.

Nhìn những giọt nước mắt của chị Liên, một vị thẩm phán phiên tòa nói: “Chúng tôi rất chia sẻ với nỗi đau của chính chị cùng các con chị. Tuy chị và bị cáo không máu mủ gì, nhưng các con chị và bị cáo là cùng huyết thống, chị nên rộng lòng bỏ qua để quan hệ gia đình được hòa thuận, để câu chuyện buồn hôm nay không làm rạn nứt tình cảm ruột thịt về sau giữa các con cháu và người trong cùng gia đình”.

“Bia rượu là bạn đồng hành với nhiều loại tội phạm, trong đó có tội phạm giết người mà phiên tòa hôm nay là một ví dụ, do vậy nên biết dừng lại đúng lúc trong các cuộc rượu chè”, vị thẩm phán cho biết thêm.

Nhuận Oanh - Đại Chơn

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/con-duong-hoan-luong/em-dau-khiem-nha-khien-anh-em-trai-noi-da-xao-thit-298096.html