Ebola- góc khuất trong câu chuyện phát triển châu Phi

(Toquoc)-Ebola lan rộng cảnh báo hệ thống y tế yếu kém, đe dọa nền kinh tế châu Phi, thử thách tính bền vững phát triển.

Khủng hoảng dù dưới dạng thức nào đều thử thách năng lực chính phủ và tính bền vững của sự phát triển của mộtquốc gia. “Các ổ dịch Ebola ở Tây Phi thật sự là thảm họa nhân loại và các cơ quan y tế chưa kiểm soát được sự lan rộng của nó”, Chủ tịch nhóm cứu trợ “Bác sĩ không biên giới” (MSF), tiến sĩ Joanne Liu nhận định.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến ngày 22/8, số người chết vì dịch bệnh Ebola đang hoành hành ở các nước Tây Phi tăng lên 1.427 người. Ngày 24/8, dịch Ebola đã bùng phát ở vùng Djera, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), sau khi khoảng 13 bệnh nhân tử vong vì virus này. Liên minh châu Phi (AU) cũng tuyên bố, dịch bệnh có thể còn nghiêm trọng hơn so với số liệu báo cáo, do người bệnh né tránh sự kiểm soát của các cơ sở y tế.

Người dân Tây Phi đang phải chống chọi với sự lan rộng của đại dịch Ebola

Khủng hoảng y tế và quản lí quốc gia

Từ năm 1960, khi 17 quốc gia trên Lục địa đen giành được độc lập, phần lớn vẫn duy trì hệ thống chính trị không hoàn thiện với bộ máy quản lí đất nước yếu kém. Trên con đường đi lên để củng cố nền độc lập dân tộc và xây dựng đất nước, nhiều nước châu Phi đã rơi vào bế tắc. Không ít quốc gia chìm trong khủng hoảng và lạc hậu khi đối mặt với sự xâm nhập của chủ nghĩa thực dân mới, sự vơ vét, bóc lột về kinh tế của các cường quốc kinh tế phương Tây và phương Đông. Nợ nước ngoài, đói rét, bệnh tật và mù chữ cũng như sự bùng nổ về dân số và các cuộc xung đột trong thời gian dài cũng góp phần đe dọa sự phát triển của các nước này. Và khi đại dịch Ebola nổ ra, các nước nghèo không thể đối phó với nó.

Dan Nelson, chuyên gia của tổ chứcKhoa học Quản lý Sức Khỏe (MSH)nói: "Họ (Tây Phi) không có đủ nhân viên chuyên môn.Hệ thống dữ liệu y tế thiếu sót và không đáng tin cậy. Cơ sở vật chất nghèo nàn, trang thiết bị thiếu thốn, lạc hậu và nhiều loại thuốc thiết yếu không được cung cấp. Cơ sở hạ tầng cho giáo dục, đào tạo y tế cũng không được quan tâm. Đã từ lâu, nguồn tài chính của nhiều nước châu Phi được sử dụng cho mục đích quân sự trước sự bùng nổ bạo lực, tranh chấp và xung đột”.

Trung tâm của các ổ dịch Ebola gồm bốn quốc gia Guinea, Sierra Leone, Liberia and Nigeria. Tại thủ đô Monrovia của Liberia, hệ thống y tế bị sụp đổ khi các bệnh viện đóng cửa, nhân viên, người lao động và bệnh nhân bỏ chạy để trốn dịch. Nhiều trẻ em mất mạng vì các căn bệnh như sốt rét, viêm phổi và tiêu chảy do không được cứu chữa kịp thời và phụ nữ đã bị sảy thai vì thiếu sự trợ giúp khi sinh nở.

Các bác sĩ và nhân viên y tế luôn phải làm việc quá tải. Họ đang phải làm việc liên tục trong nhiều tuần,14 tiếng đồng hồ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần chỉ với phụ cấp ít ỏi. Và thông thường, 5 nhân viên y tế phải chăm sóc cho 100 bệnh nhân. Việc tuyển tình nguyện viên đến Tây Phi hiện đang gặp rất nhiều khó khăn khi buộc họ phải sống chung với Ebola trong nỗi sợ hãi. Điều trị căn bệnh Ebola cũng hết sức vất vả vì một lượng lớn bệnh nhân cần được chăm sóc liên tục.

Nhiều trung tâm cách li ở Liberia, Sierra Leone và Guinea và các nhân viên y tế trên nhiều địa phương bị tấn công liên tiếp khi cố gắng để đối phó với các ổ dịch. Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) kêu gọi ủng hộ 18 triệu USD để củng cố hệ thống y tế của Sierra Leone trong khi Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết, tổng chi phí các hoạt động khẩn cấp ở Sierra Leone, Guinea và Liberia là 70 triệu USD.

Vấn đề không chỉ nằm ở số bệnh nhân đã được cứu chữa, các ổ dịch sẽ không bị tiêu diệt hoàn toàn cho đến khi các cơ quan chức năng có thể ngăn chặn sự lây lan của các ca nhiễm trùng mới.

Đe dọa phát triển kinh tế

Theo Business Week, đại dịch Ebola có thể làm 3 nền kinh tế Sierra Leone, Liberia và Guinea mất đi tổng cộng 13 tỷ USD giá trị GDP. Du lịch là lĩnh vực đầu tiên bị ảnh hưởng với số khách đặt phòng và chuyến du lịch tới Tây Phi giảm mạnh. Hoạt động mậu biên trong khu vực cũng bị ngưng trệ do nhiều cửa khẩu đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Giới quan sát cảnh báo dịch Ebola sẽ có tác động mạnh đến ngành công nghiệp khai thác quặng đang rất phát triển tại châu Phi. Nhiều công ty khai thác mỏ lớn đã sơ tán nhân viên người nước ngoài ra khỏi vùng dịch, đồng thời đóng cửa nhiều cơ sở không cần thiết, giảm bớt các hoạt động khai thác. Tổ chức Moody cảnh báo dịch bệnh sẽ gây trở ngại cho ngành năng lượng của khu vực, và sự suy giảm vật liệu trong sản xuất sẽ nhanh chóng chuyển thành suy thoái kinh tế và tài chính. Ngoài ra, lĩnh vực nông nghiệp vốn chiếm hơn 1/2 sản lượng nền kinh tế của Sierra Leone và Liberia cũng sớm trở thành nạn nhân của dịch bệnh. Tại nhiều khu vực, hoa màu không có người canh tác do nông dân sơ tán khỏi các khu vực bị dịch.

Nhiều quan ngại về sự an toàn của du lịch, cư trú và đầu tư đã gia tăngkhông chỉở các nước Tây Phi mà lan rộng tới những nơi xa xôi như Kenya và Nam Phi.Nhiều doanh nghiệp đã đình chỉ kế hoạch đầu tư sau khi một số hãng bay quốc tế như Emirates Airlines, Korean Air và Kenya Airways ngưng các chuyến bay đến Tây Phi.

Hội đồng du lịch chính phủ và hiệp hội thương mại các nước đã ra tuyên bố cố gắng làm dịu bớt nỗi sợ hãi, nhưng vẫn có nhiều cuộc điện thoại gọi tớibày tỏ sự lo lắng và số chuyến du lịch giảm mạnh và nhiều khách hủy bỏ đột ngột. Một công ty bảo hiểm Thái Lan đã đặt chuyến du lịch đến Cape Town cho 1.500 nhân viên thu nhập cao đã hủy bỏ chuyến đi gồm hoạt động săn bắn và trải nghiệm tâm linh vì lo ngại Ebola. Phần lớn hợp đồng bị hủy bỏ là của các khách hàng châu Á, chiếm 60% lợi nhuận của công ty.

Tại Tanzania, chính phủ tuần trước cho biết nhiều công ty lữ hành đã nhận được lệnh hủy chuyến vì dịch Ebola mặc dù nước này tuyên bố chưa có trường hợp bệnh nhân nhiễm Ebola trong nước và rằng họ luôn kiểm tra cẩn thận trước khi cho người nước ngoài nhập cảnh vào Tanzania. Zambia và Zimbabwe cùng triển khai hoạt động du lịch tại thác Victoria, cũng cho biết sẽ cấm nhập cảnh từ Tây Phi. Một số quốc gia châu Phi đang hạn chế du lịch hàng không đến Tây Phi.

Những lo ngại về loại virus chết người này có thể gây nguy hại cho sự phục hồi kinh tế châu Phi trong những năm tới đây. Ebola là góc khuất trong câu chuyện dài kỳ của Châu Phi. Và hình ảnh một châu Phi nghèo đói, lạc hậu và bệnh tật lại xuất hiện một lần nữa trên bức tranh của đời sống thế giới thế kỷ 21./.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.gov.vn/sites/vi-vn/details/9/bien-dong-quanh-ta/126731/ebola-goc-khuat-trong-cau-chuyen-phat-trien-chau-phi.aspx