E-magazine Giá cà phê xác lập kỷ lục: Cơ hội để phát triển bền vững

Cách đây 26 năm, ông Nguyễn Đình Phú (làng Hố Lang, xã Chư Pơng) rời quê hương Hà Tĩnh đưa gia đình vào huyện Chư Sê lập nghiệp. Với số tiền dành dụm mang theo, ông đầu tư để trồng cà phê-cây trồng được xem là “hót” tại thời điểm đó. Trong thời gian cây cà phê còn nhỏ, ông trồng xen cây ngắn ngày để lấy ngắn nuôi dài và tích góp tiền mua đất, mở rộng diện tích. “Tuy nhiên, khi vườn cây cho thu hoạch thì giá cà phê bắt đầu giảm sâu, có thời điểm rớt giá xuống còn 4 ngàn đồng/kg nhân, thu không đủ bù chi phí. Nhiều người vội chặt bỏ cà phê chuyển sang trồng cây khác. Riêng tôi vẫn kiên định vì cho rằng cà phê vẫn có thị trường tiêu thụ bằng con đường xuất khẩu”-ông Phú kể.

Theo ông Phú, qua nhiều thăng trầm cùng cây cà phê, ông đã thay đổi phương thức canh tác từ truyền thống sang áp dụng khoa học kỹ thuật để giảm chi phí đầu tư. Theo đó, ông dành 2 sào đất để đào ao nuôi cá và lấy nước tưới cho cây trồng. Ngoài ra, ông đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi heo với diện tích 3 ha. Chất thải từ chăn nuôi được gia đình tận dụng làm phân bón cho vườn cà phê. Bằng cách làm này, với gần 13 ha cà phê, gia đình ông thu được 50 tấn nhân/năm.

Còn ông Lê Hùng Anh (thôn 5, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) thì chia sẻ: Gia đình ông đã gắn bó với cây cà phê từ năm 1995 đến nay. Với diện tích 4 ha, mỗi năm, gia đình thu hoạch 14 tấn nhân. Nhờ cây cà phê, gia đình ông có cơ ngơi khá giả, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn.

Cũng thủy chung với cây cà phê và kiên trì canh tác theo hướng hữu cơ, 1,6 ha cà phê của gia đình chị Nguyễn Thị Thảo (thôn 4, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) cho sản lượng hơn 4 tấn nhân. Nhờ canh tác theo hướng hữu cơ, gia đình tiết kiệm được chi phí nhân công, phân bón, lại bán được giá cao.

Những năm gần đây, để nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm cà phê nhân, nhiều hộ dân đã liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) sản xuất theo hướng bền vững, tạo ra vùng nguyên liệu chất lượng cao, ổn định. Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Đak Krong (huyện Đak Đoa) là một điển hình. Đến nay, HTX đã thu hút 185 thành viên tham gia với diện tích vùng nguyên liệu hơn 320 ha. Ngoài ra, HTX còn liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá thu mua cao hơn giá thị trường. Giám đốc HTX Trịnh Khắc Dương cho hay: Hợp tác xã đã đầu tư hơn 400 triệu đồng mua máy chế biến cà phê nhân, thu mua cà phê của người dân tại vườn và hỗ trợ vận chuyển. Đồng thời, HTX ký hợp đồng với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp tiêu thụ cà phê nhân với giá cao hơn thị trường 200-300 đồng/kg nhân. Ngoài ra, HTX còn phối hợp với Công ty hướng dẫn bà con nông dân áp dụng quy trình sản xuất cà phê hữu cơ theo tiêu chuẩn 4C nhằm hướng đến sản xuất bền vững.

Hợp tác xã Sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) hiện có 150 thành viên canh tác trên 500 ha cà phê, trong đó, trên 200 ha chăm sóc theo tiêu chuẩn 4C để phục vụ thị trường xuất khẩu. Nhờ chú trọng khâu chăm sóc, đầu tư cho vườn cây nên năng suất trung bình đạt khoảng 4-5 tấn cà phê nhân/ha. “Muốn sản phẩm cà phê Gia Lai đứng vững trên thị trường quốc tế thì cần minh bạch vùng nguyên liệu, tập trung bảo vệ và định hướng cho người dân canh tác theo hướng hữu cơ. Nói một cách nôm na, phát triển cà phê bền vững thì phải đảm bảo đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và bảo vệ môi trường”-Giám đốc HTX Lê Văn Thanh cho hay.

Theo ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh: Thời gian qua, trên địa bàn huyện đã hình thành một số chuỗi liên kết sản xuất cà phê bền vững. Người trồng cà phê được hưởng lợi rất nhiều từ các chuỗi liên kết sản xuất này. Trước đây, người dân không nắm bắt nhiều về kỹ thuật trồng cà phê dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm không đảm bảo. Từ khi tham gia chuỗi liên kết, với sự đồng hành của các doanh nghiệp đã hướng dẫn người dân quy trình sản xuất cà phê sạch, thu hoạch quả chín đạt trên 90%. Từ đó, năng suất, chất lượng cà phê tăng lên, giá trị sản phẩm cũng cao hơn. Mặt khác, các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết cũng xây dựng được vùng nguyên liệu đạt chuẩn, ổn định để phục vụ thị trường xuất khẩu.

Để nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm cà phê nhân xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng mạng lưới sản xuất, chế biến cà phê bền vững và một phần sản phẩm cà phê đặc sản, nhằm thâm nhập vào các thị trường có tiềm năng trong nước và xuất khẩu. Điển hình là các sản phẩm: cà phê Thu Hà, cà phê Tamba, Classic Coffee, L’amant Café... đã có mặt ở khắp các tỉnh thành trong nước và bước đầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản. Tỉnh vẫn xác định đây là cây trồng chủ lực và có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư phát triển. Cụ thể, tỉnh đã và đang phát triển cây trồng này theo hướng cà phê đặc sản, cà phê cảnh quan, bền vững, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách thực hành sản xuất theo các tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Những năm qua, tỉnh khuyến khích người dân tái canh, nâng cao chất lượng, giữ ổn định diện tích cà phê khoảng 97-100 ngàn ha. Cùng với đó, hình thành các HTX liên kết với doanh nghiệp, cùng chung tay xây dựng vùng nguyên liệu và phải xem đây là tài sản chung để phát triển bền vững. Đồng thời, chú trọng phát triển cà phê chất lượng cao kết hợp du lịch cộng đồng, cà phê cảnh quan để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm cà phê.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/gia-ca-phe-xac-lap-ky-luc-co-hoi-de-phat-trien-ben-vung-post270437.html