Ðể học sinh phát huy tính sáng tạo

Phong trào đổi mới phương pháp dạy học trong thời gian qua đã được ngành giáo dục và đào tạo TP Ðà Nẵng chú trọng. Nhiều sáng kiến được các thầy giáo, cô giáo tìm tòi, nghiên cứu và đưa vào bài giảng, tạo nên hiệu ứng tích cực, giúp học sinh phát huy năng lực sáng tạo, tự học, tự nghiên cứu.

Dạy học tích hợp, liên môn được xem là phương pháp giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực, trong đó có năng lực vận dụng các kiến thức đã học để giải quyết các tình huống trong thực tế cuộc sống. Tại Trường THPT Tôn Thất Tùng (quận Sơn Trà), các bài học về dòng điện trong các môi trường như kim loại, chất điện phân, chất khí, bán dẫn, được các giáo viên tổ Vật lý của trường thống nhất cách tiếp cận chung để phân bố giảng dạy. Việc tích hợp đã tạo kiến thức nền tảng và lô-gích, mang lại cho học sinh cách tiếp cận bài giảng vừa ngắn gọn, dễ hiểu và liên kết vấn đề. Nhiều học sinh tỏ ra hào hứng khi được chọn để thay mặt nhóm trình bày về nội dung bài thuyết trình. Không chỉ tự tin đứng trước lớp, thuyết trình nội dung, các em còn tự phát huy năng lực, sở trường của mình để giải thích, làm rõ vấn đề mà các bạn trong lớp đặt câu hỏi. Ngoài ra, các em được bổ sung nhiều kiến thức, kinh nghiệm từ thầy, cô giáo và các bạn trong lớp. Cô Trần Thị Kim Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Thất Tùng cho biết: Khi học sinh chủ động, các em trưởng thành rất nhanh về kiến thức, kỹ năng, sự tự tin, khả năng làm việc nhóm, sự linh hoạt, phản ứng kịp thời các tình huống… Từ đó, các em đã mạnh dạn vận dụng kiến thức để giải thích, giải quyết các hiện tượng trong cuộc sống một cách phù hợp nhất.

Tại Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu), khi thực hiện bài học Giâm cành của môn Công nghệ lớp 6, học sinh tự tạo được cây mới từ cành các loại cây trong khay nhựa, hộp xốp để thực hành trong giờ học. Học sinh có thêm bài tập ở nhà, sau đó chụp một số hình ảnh hoặc quay clip về quá trình phát triển của cành giâm. Những hình ảnh, clip này sẽ được các nhóm báo cáo tại lớp về quá trình trải nghiệm, kết quả đạt được cũng như những kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện. Cách dạy tích hợp trải nghiệm như vậy mang lại cảm hứng học tập cho học sinh. Trong khi đó, ở Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu), giờ học Vật lý trở thành một thách thức cho học sinh để tích hợp các vật liệu thành sản phẩm. Với các vật liệu đơn giản như chai nhựa, van bơ, van xả, ống dẫn nước, bơm tay, bánh xe, súng bắn keo, keo nến, thước đo,… các nhóm học sinh lớp 11 đã được cô giáo hướng dẫn thực hiện "Mô hình và hoạt động của xe chuyển động bằng phản lực". Mô hình này sẽ giúp học sinh hiểu được ứng dụng định luật bảo toàn động lượng vào trải nghiệm cuộc sống thực tế bằng cách thiết kế các "động cơ" phản lực đơn giản.

Thầy Phan Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú cho biết thêm: Ngoài việc hỗ trợ giáo viên trong sử dụng khai thác hiệu quả các phương tiện, thiết bị phục vụ dạy học tích hợp, liên môn, nhà trường đã tuyên truyền sâu rộng đến phụ huynh về chủ trương này để có những hỗ trợ cần thiết trong quá trình học tập của học sinh. Trong dự giờ, thăm lớp, nhà trường góp ý nếu giáo viên tích hợp, liên hệ chưa hợp lý. Những góp ý của ban giám hiệu và tổ chuyên môn không chỉ đánh giá giờ dạy, mà nhằm đóng góp, tăng cường đổi mới phương pháp dạy học tích cực theo định hướng phát triển năng lực học sinh, lấy học sinh làm trung tâm, bảo đảm chuẩn kiến thức và chuẩn kỹ năng.

Đánh giá về phong trào đổi mới sáng tạo trong dạy học, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Ðà Nẵng Lê Thị Bích Thuận cho biết: Năm học vừa qua, phong trào thi đua dạy tốt - học tốt đã phát huy tính sáng tạo của giáo viên và học sinh trong dạy và học, được các trường duy trì và ngày càng lan tỏa. Toàn thành phố có 337 sáng kiến của công chức, viên chức các đơn vị, trường học được hội đồng ngành đánh giá và công nhận, có hàng nghìn sáng kiến của thầy, cô giáo được đề nghị cấp trường, phòng giáo dục và đào tạo chấm chọn. Ðáng chú ý, nhờ có sự đầu tư toàn diện, những giải pháp hợp lý và mang tính khả thi cao. Nhiều sáng kiến được đánh giá có chất lượng, hiệu quả áp dụng cao, trong đó, hai sáng kiến được công nhận có tác dụng, ảnh hưởng đối với thành phố.

ANH ÐÀO và NGUYÊN ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/42608402-%C3%B0e-hoc-sinh-phat-huy-tinh-sang-tao.html