Duy trì mô hình gia đình nhiều thế hệ, nên hay không?

Mô hình gia đình tam, tứ đại đồng đường đã trở thành nếp sống lâu đời của Việt Nam. Hiện nay, truyền thống ấy vẫn được duy trì ở nhiều gia đình người Việt. Họ xem đó là niềm hạnh phúc. Tuy nhiên, không ít người cho rằng: Mô hình này không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại khi cái tôi được đề cao khiến nảy sinh nhiều vấn đề bất cấp. Đâu là nguyên nhân dẫn đến hai luồng ý kiến trái chiều trên?

Hiện nay, mô hình gia đình ít thế hệ đang ngày càng phổ biến và được giới trẻ ưa chuộng. Song, do bận rộn với công việc, nên nhiều cặp vợ chồng trẻ sống ở đô thị không có đủ thời gian chăm sóc con cái. Vì thế, họ quyết định thuê người giúp việc để giảm bớt gánh nặng trong công việc gia đình. Điều này đồng nghĩa với việc thời gian trẻ tiếp xúc với người lạ sẽ nhiều hơn người thân, khiến sợi dây liên kết giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo, thậm chí dẫn đến phá vỡ sự liên kết giữa các thành viên trong gia đình.

Không chỉ có vậy, thu nhỏ mô hình gia đình cũng gây nhiều bất lợi cho người lớn tuổi. Ông bà ít có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện, tâm sự với con cháu, không được quan tâm chăm sóc một cách đầy đủ cả về thể chất lẫn tinh thần. Điều đó đang làm cho những truyền thống tốt đẹp trong cuộc sống gia đình của người Việt dần bị mai một. Đó là chưa kể đến việc trẻ có thể bị tiêm nhiễm những thói hư, tật xấu từ môi trường xung quanh do thiếu sự chăm sóc, dạy bảo của ông bà, bố mẹ.

Chị Lê Hà Giang sống tại phường Điện Biên (Thanh Hóa) cho biết: “Khi sinh cháu đầu lòng, vì sức khỏe yếu cộng thêm công việc buôn bán bận rộn, tôi đã thuê người giúp việc. Thế nhưng, khi cháu lên 3 tuổi, bắt đầu biết nói rành rọt, tôi mới nhận ra quá phụ thuộc vào người giúp việc và chưa làm tròn trách nhiệm của một người mẹ. Không chỉ xưng hô trống không, cháu còn nói ra những ngôn từ tục tĩu mà tôi và chồng chưa bao giờ sử dụng. Vì vậy, tôi quyết định cho người giúp việc nghỉ, tự chăm sóc con cái. Mẹ chồng tôi cũng từ quê lên giúp đỡ hai vợ chồng trong việc nuôi dạy con cái và các công việc trong nhà.

Những người từ bỏ mô hình gia đình ít người để quay về với mô hình gia đình truyền thống như gia đình chị Lê Hà Giang không hiếm. Vậy, mô hình gia đình “tam, tứ đại đồng đường” có ưu điểm gì mà nhiều người lại lựa chọn?

Đầu tiên phải kể đến là sống trong mô hình gia đình nhiều thế hệ sẽ tạo cho trẻ môi trường an toàn hơn để phát triển nhân cách. Trẻ sẽ được dạy bảo các kỹ năng giao tiếp cơ bản, biết cách trò chuyện với mọi người thông lời nói và ngôn ngữ cơ thể. Đồng thời, trẻ còn được uốn nắn về lối sống, cởi mở hơn trong các mối quan hệ và trung thực với mọi người.

Ưu điểm lớn nhất của mô hình gia đình nhiều thế hệ là được giáo dục bởi người thân, trẻ sẽ có điều kiện thuận lợi để xây dựng các đức tính xã hội. Đó là sự đồng cảm, đức hy sinh, tình yêu thương đồng loại và có quan điểm về tự do, cái tôi cá nhân một cách đúng mực. Từ đấy, trẻ sẽ hình thành cá tính riêng, biết cách trân trọng các mối quan hệ hiện có cũng như biết tiết chế cái tôi cá nhân trong cuộc sống cần nhiều hơn những sự sẻ chia. Trẻ sẽ thấu hiển hơn về thế giới bên ngoài, ý thức được trách nhiệm của bản thân với gia đình và xã hội.

Bác Hoàng Ngọc Vân sống tại Cầu Giầy (Hà Nội) tâm sự: “Nuôi dạy trẻ là công việc khó khăn. Không chỉ lo đầy đủ cơm ăn, áo mặc mà quan trọng hơn là phải dạy chúng cách làm người. Như cháu trai tôi, nếu thằng bé phát sinh những thói quen không tốt, gia đình sẽ kịp thời uốn nắn. Dạy bảo cháu cách đối nhân xử thế sao cho đúng, không phải làm đẹp mặt người lớn mà vì tương lai của cháu sau này”.

Bác Hoàng Ngọc Vân cùng cháu trai

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm mà mô hình gia đình “tam tứ đại đồng đường” mang lại, việc nhiều thế hệ cùng sinh sống trong một gia đình cũng nảy sinh nhiều mẫu thuẫn, xung đột.

Mỗi cá thể đều mang cá tính, sở thích và lối sống riêng. Vì vậy, sống trong gia đình nhiều thế hệ có nghĩa chúng ta đang tồn tại giữa xã hội thu nhỏ. Nhiều thế hệ sống dưới một mái nhà sẽ mang những suy nghĩ khác nhau, từ đó nảy sinh mâu thuẫn về quan niệm và cách sống, về phương pháp nuôi dạy trẻ và tư duy xã hội.

Chị Nguyễn Thị Hương sống tại Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi sống cùng gia đình nhà chồng sau khi kết hôn. Khi tôi sinh cháu đầu lòng cũng là lúc nhiều mẫu thuẫn bắt đầu nảy sinh. Phương pháp nuôi dạy con cái của vợ chồng tôi khác xa bố mẹ. Nếu tôi quát mắng con tôi khi thằng bé phạm lỗi, ông bà sẽ không vừa lòng. Vì các cụ quan niệm: Con của anh chị, nhưng là cháu của chúng tôi. Anh chị quát mắng nó tức là đang vả vào mặt chúng tôi đấy!”.

Xung đột trong gia đình nhiều thế hệ là điều không thể tránh khỏi. Nếu không có giải pháp phù hợp, mâu thuẫn sẽ ngày càng phức tạp. Nhiều người vì “dĩ hòa vi quý” nên chọn cách im lặng mà lòng không thuận. Tuy nhiên, những khúc mắc không được giải quyết ổn thỏa, sẽ làm không khí gia đình càng thêm ngột ngạt, dẫn đến tình trạng “bằng mặt nhưng không bằng lòng” giữa các thành viên, đẩy mâu thuẫn lên cao.

Bên cạnh đó, khi phát sinh mâu thuẫn, nhiều cặp vợ chồng thay vì chọn giải pháp ôn hòa, lại lớn tiếng với bố mẹ. Ngưới lớn tuổi dễ tự ái, nhất là khi quan điểm của họ bị con cái bác bỏ bằng thái độ và từ ngữ nặng nề. Trong khi đó, người lớn tuổi cần được tôn trọng, không chỉ kinh nghiệm sống dầy dặn hơn các thành viên còn lại mà còn là nề nếp gia phong trong truyền thống văn hóa của người Việt. Nếu quan điểm của ông bà chưa đúng, cần lắng nghe, sau đó khéo léo giải thích để tìm ra cách giải quyết tốt nhất mà không làm mất hòa khí trong gia đình.

Chị Phạm Thanh Tâm sống tại Mễ Trì (Hà Nội) bày tỏ: “Gia đình tôi có ba thế hệ sống chung với nhau, nhưng rất hòa thuận. Những ngày đầu về làm dâu, tôi và mẹ chồng không phải không nảy sinh mâu thuẫn. Nhưng thay vì lời qua tiếng lại, tôi làm dịu lòng bà trước. Sau đó chọn thời điểm thích hợp, tôi lựa lời giải thích với bà. Như vậy, mẹ chồng tôi không bị tự ái, cũng không làm gia đình trở nên căng thẳng. Tôi nghĩ, cư xử khéo léo và có văn hóa là tiền đề cho một gia đình hạnh phúc và êm ấm”.

Sống trong gia đình tam tứ đại đồng đường xảy ra xung đột là điều không thể tránh khỏi. Thế nhưng, giữa người với người không chỉ được gắn kết bằng sự hòa hợp, mà còn là những mâu thuẫn (bởi mẫu thuẫn cũng là động lực thúc đẩy xã hội phát triển). Không có sự khoan dung nào mà không tồn tại va chạm. Không có sự chấp nhận nào mà không nảy sinh mất mát. Tuy nhiên, nếu có với nhau một chữ nhẫn thì các thành viên sẽ thấu hiểu nhau hơn và nhanh chóng đạt đến sự hòa thuận cùng chung sức xây dựng gia đình, góp phần lưu giữ những nét đẹp truyền thống. Chẳng thế mà người xưa đã dạy rằng: Cha con mà nhẫn được thì giữ được ĐẠO, vợ chồng mà nhẫn được thì con cái vui vẻ, anh em mà nhẫn được thì trong nhà êm ấm đó sao!?

Xuân Quỳnh

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-gia-dinh/duy-tri-mo-hinh-gia-dinh-nhieu-the-he-nen-hay-khong