Duy trì 4 tổ công tác xử lý vướng mắc các dự án trọng điểm

Tỉnh Thừa Thiên – Huế duy trì hoạt động 4 tổ công tác để hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Thả đá hộc tạo nền móng thi công tuyến đê ngầm ngoài bờ biển dài 550m tại Dự án xử lý sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận, Phú Hải thuộc huyện Phú Vang (Thừa Thiên – Huế). Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Thả đá hộc tạo nền móng thi công tuyến đê ngầm ngoài bờ biển dài 550m tại Dự án xử lý sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận, Phú Hải thuộc huyện Phú Vang (Thừa Thiên – Huế). Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Trên địa bàn thành phố Huế hiện có hơn 100 dự án đầu tư xây dựng đang triển khai; trong đó, có nhiều dự án trọng điểm của tỉnh Thừa Thiên – Huế nên giải phóng mặt bằng ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công cũng như giải ngân vốn đầu tư công. Mỗi dự án xây dựng triển khai có từ 50 – 200 hộ dân bị ảnh hưởng liên quan đến giải phóng mặt bằng.

Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế Bùi Ngọc Chánh cho biết, để rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ pháp lý liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng, phía chủ đầu tư dự án cần lập bản đồ địa chính chuẩn xác phạm vi ảnh hưởng, làm cơ sở để kiểm kê triển khai trên thực tế. Đồng thời, UBND cấp xã, Phòng Tài nguyên môi trường cần phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố trong việc xác nhận nguồn gốc sử dụng đất, thẩm định điều kiện đủ về bồi thường đất, phương án bồi thường, trước khi trình UBND thành phố ban hành quyết định phê duyệt.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên – Huế, hiện có khoảng 30 dự án sử dụng vốn đầu tư công do cấp tỉnh quản lý đang gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, nhất là ở thành phố Huế. Đặc biệt, nhiều dự án đã phải tạm dừng thi công trong thời gian dài do chưa có mặt bằng sạch như dự án nối dài từ đường Nguyễn Lộ Trạch đến đường ra sông Phát Lát; hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư TĐC2 - đô thị mới An Vân Dương; hạ tầng khu TĐ5 thuộc khu B - An Vân Dương; kênh thoát nước nối từ hói Vạn Vạn ra sông Lợi Nông…

Thả cấu kiện bê tông đúc sẵn thi công tuyến đê ngầm ngoài bờ biển dài 550m tại Dự án xử lý sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận, Phú Hải thuộc huyện Phú Vang (Thừa Thiên – Huế). Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Thả cấu kiện bê tông đúc sẵn thi công tuyến đê ngầm ngoài bờ biển dài 550m tại Dự án xử lý sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận, Phú Hải thuộc huyện Phú Vang (Thừa Thiên – Huế). Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên – Huế đang lấy ý kiến của các sở, ngành, địa phương về dự thảo sửa đổi Quyết định 36/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Trong dự thảo sửa đổi này có nhiều điểm mới, được kỳ vọng sẽ tháo được những “nút thắt” tồn tại nhiều năm qua, cụ thể khi người dân mất chỗ ở sẽ xem xét tái định cư, bố trí đất tái định cư cho đại diện thừa kế, đồng thừa kế làm nơi thờ tự, bố trí đất tín ngưỡng cho các trường hợp thu hồi đất tín ngưỡng…

Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Quốc Sơn cho biết, nhằm đảm bảo mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công trong năm 2023, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã chỉ đạo các chủ đầu tư ban hành kế hoạch triển khai đối với từng dự án, phối hợp và có phương án hỗ trợ địa phương trong giải phóng mặt bằng. Đồng thời, tỉnh cũng yêu cầu người đứng đầu các địa phương, Chủ tịch UBND cấp huyện phải phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế nếu các dự án đầu tư công triển khai trên địa bàn quản lý bị chậm tiến độ do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư công nhanh hơn, thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên – Huế tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp; trong đó, duy trì hoạt động 4 tổ công tác do Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, Giám đốc các Sở là thành viên để hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Các tổ công tác này tổ chức giao ban định kỳ hàng tuần và tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để rà soát, đôn đốc, phát hiện, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh của từng dự án.

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện đạt trên 60%, trong tổng số 5.758 tỷ đồng, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố và thuộc nhóm địa phương có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước; trong đó, có nhiều dự án đảm bảo tiến độ tốt. Để hoàn thành mục tiêu giải ngân hết nguồn vốn này trong những tháng còn lại, tỉnh Thừa Thiên – Huế đang yêu cầu nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong việc bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công; sửa đổi các quy định để tháo gỡ những vướng mắc về áp dụng chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng tồn tại nhiều năm qua.

Thi công phần mái kè bờ tại Dự án xử lý sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận, Phú Hải thuộc huyện Phú Vang (Thừa Thiên – Huế). Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Thi công phần mái kè bờ tại Dự án xử lý sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận, Phú Hải thuộc huyện Phú Vang (Thừa Thiên – Huế). Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Hiện, một số dự án đang tận dụng tối đa thời tiết thuận lợi để thi công, bảo đảm hoàn thành giải ngân hết vốn đầu tư công được giao.

Đơn cử với Dự án xử lý sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận, Phú Hải thuộc huyện Phú Vang có tổng mức đầu tư 160 tỷ đồng, bắt đầu khởi công từ tháng 5/2023, đến nay tỷ lệ giải ngân đạt khoảng 76%. Dự án gồm hai hạng mục chính là tuyến kè bờ dài 300m và cách đó khoảng 260m là tuyến đê ngầm dài 550m.

Những ngày này tại công trường luôn tấp nập các phương tiện máy móc được huy động để công nhân thay nhau làm 3 ca 4 kíp nhằm kịp hoàn thành những hạng mục chính phần chân mái thân đê để chạy đua với thời gian, khi Thừa Thiên – Huế đang bước vào mùa cao điểm mưa bão.

Anh Nguyễn Nam Tùng, chỉ huy trưởng công trình cho biết, qua 4 tháng triển khai hiện nay tiến độ thi công chung của phần kè bờ và tuyến đê ngầm đạt khối lượng khoảng 80%. Đối với tuyến kè bờ, nhà thầu đang tập trung nhân lực máy móc chia thành nhiều mũi thi công để xếp đá hộc tạo thành mái, trước khi lắp ráp các cấu kiện bê tông bề mặt, đảm bảo hoàn thành phần mái ở cao trình thiết kế vào khoảng giữa tháng 10 và hoàn thành toàn bộ dự án vào cuối năm 2023.

Đối với hạng mục thi công tuyến đê ngầm dưới nước, liên doanh nhà thầu huy động 6 chiếc sà lan cỡ lớn để tập kết đá hộc thả xuống biển tạo nền móng, đồng thời thực hiện thả các cấu kiện bê tông đúc sẵn nặng hàng tấn tạo thân đê. Việc triển khai tuyến đê ngầm phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, độ lớn của sóng biển nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện nên khi biển lặng, các mũi thi công được huy động tối đa. Với việc thiết kế tuyến đê ngầm dưới mực nước biển sẽ giúp làm giảm các đợt sóng lớn đánh vào phía bờ, đồng thời không làm ảnh hưởng đến không gian của bãi biển du lịch.

Với vật liệu thi công chủ yếu của dự án là đá hộc, liên doanh nhà thầu đã chủ động khai thác nguồn đá từ mỏ đá ở tỉnh Quảng Ngãi, sau đó vận chuyển liên tục bằng sà lan đi trên biển ra vị trí thi công. Trung bình mỗi ngày có từ 1.000 – 1.200m3 đá có mặt tại công trường để đảm bảo tiến độ.

Trưởng phòng Kỹ thuật, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên – Huế Lê Văn Mẫn cho biết, các dự án do đơn vị làm chủ đầu tư liên quan chủ yếu xây dựng các tuyến đê, kè, hệ thống thoát lũ nên việc đảm bảo hoàn thành các hạng mục cơ bản trước mùa mưa bão rất quan trọng. Do vậy, ngay từ đầu năm, đơn vị đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt trong việc thúc đẩy nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi, đẩy nhanh thi công trên công trường, lấy tháng nắng bù tháng mưa, đảm bảo tiến độ dự án cũng như giải ngân vốn đầu tư công.

Năm 2023, kế hoạch vốn đầu tư công do Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên – Huế làm chủ đầu tư là gần 452 tỷ đồng. Tính đến tháng 9/2023, giá trị giải ngân khoảng 273 tỷ đồng, đạt trên 60%./.

Đỗ Trưởng/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/duy-tri-4-to-cong-tac-xu-ly-vuong-mac-cac-du-an-trong-diem/308199.html