'Dứt khoát từ chối người mặc hở hang vào chùa'

“Những cô gái xinh đẹp nhưng áo thả lưng trần, yếm ngực, xì xụp dâng lễ khấn vái, chả biết xin gì nhưng liệu thần thánh có bình tĩnh để thụ lộc và tỉnh táo yểm trợ trước những con nhang lồ lộ như thế?”.

Xoay quanh hiện trạng không ít các bạn trẻ ăn mặc hở hang, phản cảm khi đi vào những nơi tôn nghiêm như đền, chùa; nhà văn Nguyễn Quang Vinh đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với phóng viên báo Dân trí.

Dù truyền thông, dư luận phản ánh nhiều nhưng hiện trạng người ăn mặc hở hang (nhiều ở bộ phận giới trẻ) vẫn tiếp diễn nơi đền chùa. Cá nhân nhà văn Nguyễn Quang Vinh có thể lý giải thế nào về hiện trạng "nhức mắt" này?

Tôi thì cho rằng, vấn đề không phải chỉ là sự phản ánh phê phán trên truyền thông mà đủ, cũng khó để biết tới khi nào thì mới giáo dục cho hết những ứng xử lời ăn tiếng nói và ăn mặc nơi công cộng, đặc biệt là những nơi cần sự tôn nghiêm như chùa chiền….

Bởi vì hầu như những người ăn mặc hở hang như bạn kể chưa hẳn là đối tượng tiếp cận với truyền thông báo chí và cũng chưa hẳn là họ không biết, cái chính là một bộ phận này hoặc là cố ý chơi trội, luôn tìm kiếm sự “nổi bật” trong đám đông dù bất cứ đâu, hoặc là họ đã mắc một thứ thói quen cẩu thả, tự do vô phép tắc, hoặc là (hy vọng thế) họ không hiểu biết nơi nào cần ăn mặc, ứng xử thế nào thì phù hợp.

Và trong những trường hợp “nhức mắt” như bạn nêu, tôi đồ rằng, số đông người nhìn thấy cũng chả ai buồn nhắc nhở, hoặc ngại nhắc nhở. Họ buông bỏ cho an thân, ngại va chạm… vì thế cái bộ phận “nhức mắt” ấy lại càng không mảy may áy náy, ân hận hoặc ngượng ngùng gì về sắc phục của mình.

Cuối cùng, tại các khu đền chùa, gần như cũng chả thấy biển báo nhắc nhở, cũng chả thấy ai có trách nhiệm nhắc nhở, hướng dẫn, cứ thả nổi như thế, cái xấu, cái đẹp cứ lẫn vào nhau như thế, lâu thành thói quen, thành “sống chung”, thành một “nét văn hóa” có vẻ như Việt Nam mới có…

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh (Ảnh: NVCC)

Thực tế, đã khi nào ông chứng kiến cảnh người ăn mặc hở hang, không phù hợp nơi tôn nghiêm, linh thiêng? Và cảm giác của ông cũng như những người xung quanh như thế nào?

Tôi chứng kiến thường xuyên, chứng kiến quá nhiều, chứng kiến trong cay đắng và khó hiểu. Những cô gái xinh đẹp nhưng áo thả lưng trần, yếm ngực, xì xụp dâng lễ khấn vái, chả biết xin gì nhưng liệu thần thánh có bình tĩnh để thụ lộc và tỉnh táo yểm trợ trước những con nhang lồ lộ như thế?

Tôi cũng chỉ dám nhìn và lãng xa ra, mọi người có vẻ cũng thế, lãng xa ra, chí ít thì không làm mình phân tâm, chí ít thì không làm mình mất đi sự thanh tịnh cần phải có khi bước vào đền chùa.

Rồi có khi tôi chợt nghĩ, hay các bạn trẻ ăn mặc hở hang này lại nghĩ đền chùa chỉ là nơi dạo chơi công cộng, và có dâng lễ, khấn vái thì cũng là cách “dạo chơi” cho nó có vẻ hợp thời, cho nó có vẻ “tâm linh” mà hiểu thật căn cơ sự tâm linh thông qua hương khói chính là phải làm sạch bản thân mình, cả ý nghĩ, cả ăn mặc, cả ứng xử.

Hình ảnh ăn mặc "nhức mắt" nơi đền chùa.

Nhiều người nói về ý thức kém, sự giáo dục chưa thấu đáo là nguyên nhân căn bản và sâu xa của hiện trạng này, ông nghĩ sao?

Một con người sinh ra, lớn lên, trưởng thành, tham gia vào xã hội tốt hay xấu có nhiều nguyên nhân tác động vào, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho một nguyên nhân nào. Có những người sinh ra, lớn lên ở một gia đình bất hạnh, nhưng khi bước vào xã hội, họ lại trở nên rất tử tế, rất trí thức, rất lịch lãm. Có những người sinh ra từ nhung lụa, được học hành, được tu nghiệp, được tiếp cận những nền văn minh lớn, nhưng rồi họ trở thành những kẻ đồi bại về nhân cách, vô học, vô văn hóa.

Nói thế để biết, cái con người trưởng thành trong một xã hội cần quá nhiều yếu tố vun đắp vào. Nhưng không có một sự giáo dục nào chính vào bản thân rèn luyện của mình. Mà muốn thế, từ những bước chân chập chững đầu tiên, những bài học đầu tiên, con người ta cần một không gian văn hóa sống tốt trước khi trang bị kiến thức.

Nhà trường chúng ta dồn sức trang bị kiến thức (xây nhà cao) mà bỏ qua việc căn cốt số 1 là tạo nền móng văn hóa, nền móng ứng xử… Cuối cùng là trách nhiệm của toàn xã hội. Ở đây là sự nhắc nhở, là sự chia sẻ, là sự cưu mang bao dung, tránh xa cuộc sống ích kỷ, thấy cái xấu phải biết lên án, thấy cái xấu phải xúm vào cùng giúp đỡ sửa chữa, ai cũng vo viên lại ngại va chạm, né tranh luận, né xây dựng thì khó để có một đời sống xã hội tốt đẹp.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: "Đình chùa dứt khoát từ chối những ai không có được tác phong, lễ nghi, ăn mặc đứng đắn vào chốn tôn nghiêm".

Dưới góc độ một nhà văn, ông có thể chia sẻ biện pháp nào để chấm dứt tình trạng ăn mặc hở hang nơi đền chùa?

Tôi thì cho rằng, ngoài giáo dục từ nhà trường, gia đình, cơ quan đơn vị về văn hóa ứng xử nơi cộng đồng (ăn mặc, hành vi) thì chỉ có một việc đơn giản nhất là các đình chùa ấy phải có nội qui, sau nội qui là hành động, chẳng hạn như bảo vệ không cho phép những người không có hành vi văn hóa vào đền chùa, vào lễ hội… Đình chùa dứt khoát từ chối những ai không có được tác phong, lễ nghi, ăn mặc đứng đắn vào chốn tôn nghiêm.

Ở một số nước như Thái Lan, Indonesia…, nhiều đền chùa người ta có hỗ trợ khăn choàng cho khách tham quan nếu thấy họ ăn mặc chưa phù hợp. Theo ông, ở Việt Nam có nên học hỏi theo phương pháp này không?

Tôi thì cho rằng không phù hợp với chúng ta. Chỉ đơn giản là ý thức, đã ý thức kém thì có đưa khăn choàng họ cũng chả choàng, vì những người ý thức kém chả bao giờ chịu nhận là ý thức kém. Cho nên như nói ở trên, cần từ chối họ.

Xin cám ơn ông!

Nguyễn Hằng (theo Dân trí)

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/dut-khoat-tu-choi-nguoi-mac-ho-hang-vao-chua-129957/