Đường về quê ăn Tết

Tôi bay từ Kawasaki lên Tokyo đón người thân. Áo choàng kín người, mặc thêm mấy cái áo len dày, chúng tôi như những rô bốt khổng lồ gặp nhau dưới trời tuyết rơi xiên xiên. Cha con, vợ chồng rơi nước mắt, ôm nhau, buông tay ra, cha tôi xót xa: 'Ở nước Việt cũng làm ăn, cũng sinh sống được, có đến nỗi nào mà phải tha phương viễn xứ kiếm miếng cơm nhọc nhằn quá vậy, con ơi?'.

Định nói một câu, thì vợ tôi đã giơ ngón tay lên miệng, ra hiệu tôi im lặng. Chẳng biết cha nghĩ gì, tôi chỉ thấy suốt chặng đường từ sân bay về căn nhà tôi thuê để ở, ông ôm đứa cháu nội nhỏ nhoi vào lòng như chỉ sợ không còn dịp nào ôm ấp nữa, và cứ âm thầm, im lặng. Đôi mắt chán chường, mệt mỏi. Gương mặt cha tôi lạnh như tảng băng đông cứng trên sông Tama chờ mùa tuyết tan.

Ảnh minh họa.

Bạn đồng ngũ cha tôi có người đã lên cấp đại tá, thiếu tướng rồi nghỉ hưu. Bạn học phổ thông cũng vài người là tiến sĩ, phó giáo sư. Có một lần, cánh bạn học phổ thông trường huyện ngày xưa gặp nhau nhân kỷ niệm 40 năm ngày hội khóa, rồi kéo nhau lốc nhốc đến nhà tôi. Ngồi kín chõng tre, giường gỗ, phải trải chiếu đậu xuống cả nền nhà lát gạch hoa. Chuyện xưa cũ tràn về.

Cha tôi rưng rưng khi ông phó giáo sư, tiến sĩ toán học nhắc lại chuyện cũ cha tôi làm lớp phó học tập bày ra thách đố cả nhóm ôn luyện thi học sinh giỏi tỉnh giải bài toán Galoa. Trầy trật không ai giải được, và sau mấy chục năm gặp lại mái tóc ai cũng điểm bạc mà giải bài toán Galoa vẫn chỉ là khát vọng. Lúc bạn bè ra về, cha tôi ra bậc lát đá cầu ao mở toang khuy áo cho thoáng vồng ngực trần nhấp nhánh mồ hôi, ngồi nhìn cá đớp bèo tấm, buồn hoang hoải. Mẹ tôi nghĩ chồng xót phận mình thua bạn kém bầy? Bà len lén ngồi bên, nhìn trộm cái hông sẹo u cục tấy đỏ và mái tóc bạc phơ của chồng, xót xa. Cha tôi se sẽ nói:

“Có lẽ chỉ mình tôi quanh quẩn với đồng ruộng, vườn cây ao cá. Bạn tôi toàn tướng tá, giáo sư, tiến sĩ, bà ạ.”

Mẹ tôi bảo:

“Sao ông cứ buồn vơ vẩn. Ông còn đẻ ra thằng tiến sĩ kia mà”.

Thím tôi đang lúi húi rửa ấm chén ở thềm giếng thơi, cũng đế vào:

“Đúng đấy. Người ta tướng tá, tiến sĩ, giáo sư là ở đâu đâu ấy, chứ ở cái làng này chỉ nhõn mình thằng cháu San nhà bác. Chúng em chân lấm tay bùn còn lâu mới bằng hai bác nhá. Em thì em cứ gọi hai bác là: Ông đẻ ra thằng tiến sĩ. Bà đẻ ra thằng tiến sĩ”.

Cha tôi có vẻ vui. Mẹ tôi có vẻ mừng.

Tôi vẫn nhớ như in ngày tôi về quê nhà nghỉ sau kỳ bảo vệ thành công học vị tiến sĩ. Sau phút hàn huyên, việc đầu tiên cha đưa tôi xuống nhà thờ họ thắp hương. Ông đặt cái bằng tiến sĩ kinh tế vừa tiếng Nhật vừa tiếng Anh lên cái mâm đồng thau, bảo tôi đội lên đầu. Hai tay đỡ mâm, tôi đi trước, đi sau một bước ở hai bên là cha tôi và bác trưởng họ. Tôi kính cẩn đặt mâm lên ban thờ họ. Bác cháu, cha con tôi làm một cái lễ báo cáo và tạ ơn tổ tiên đã phù hộ tôi trở thành tiến sĩ đầu tiên của dòng họ và của làng.

Xong lễ, bác tôi vui vẻ, bảo:

“Thằng cu San còm nhom nhẻo nhớt ngày nào thế mà giờ đã thành tiến sĩ. Cả họ nhà mình mấy trăm năm bõ công khao khát”.

Tôi cười bẽn lẽn. Cha tôi mừng rỡ:

“Cũng nhờ phúc đức tổ tiên. Ông trưởng ạ!”

Bác tôi bảo:

“Thực ra, vinh dự đầu tiên phải thuộc về ông đẻ ra thằng tiến sĩ”.

Cha tôi lặng im, gương mặt đầy mãn nguyện. Cái cụm từ: “Ông đẻ ra thằng tiến sĩ” có từ lúc ấy và trở thành biệt danh quen thuộc của cha tôi lúc nào chẳng biết.

“Ông đẻ ra thằng tiến sĩ ơi! Có bưu phẩm gửi từ Nhật về này.”

“Bà đẻ ra thằng tiến sĩ ơi! Con dâu đang về đến đầu làng rồi đâ…ấy”.

“Ông bà đẻ ra thằng tiến sĩ này! Là tôi, tôi cứ phải một chuyến sang Nhật chơi với con cho bõ công xúc tép nuôi cò…”

“…”

Bây giờ thì “Ông đẻ ra thằng tiến sĩ” đã sang Nhật ở với con thật. Sung sướng hạnh phúc đâu chẳng biết, chỉ thấy cha tôi khắc khoải một miền nhớ mênh mông. Nhưng, rõ nhất là ông không quen sống, không hòa nhập được ở nơi xứ lạ, dù ở bên con cháu.

Một tuần đầu, tình cảm vợ chồng con cái tôi gặp nhau, tình cảm cha con tôi sum họp, da diết, mừng vui. Nhưng, bước sang tuần thứ hai thì có chuyện. Nhờ vốn tiếng Nhật thành thạo nói như giọng người Tokyo, tôi xin được cho con gái đi lớp mẫu giáo. Nhà vắng đi một thành viên. Đương nhiên, tôi cũng hết kỳ một tuần nghỉ phép phải đi làm. Nhà vắng tiếp thành viên thứ hai. Vợ tôi cũng kịp xin việc đi làm, ở nhà tròi trọi mình cha. Buổi tối, cả nhà sum họp được một lúc, tôi nói dăm ba câu chuyện với cha tôi, rồi vợ con cái lại chui vào phòng riêng đóng cửa lại trò chuyện, hú hí với nhau. Cha tôi bị thừa ra.

Ở quê hương, nhà to vườn rộng, cha tôi sẵn việc làm luôn tay. Đôi khi mấy ông thợ cày hàng xóm sang chơi làm chén rượu quốc lủi rồi, ngả bàn cờ tướng bên bờ ao chí chát lên xe gểnh tượng... Lại có bà vợ già ở bên săn sóc lúc đêm hôm trái gió trở trời. Ở Kawasaki cha tôi tròng trọc hoang lạnh trong căn nhà tôi thuê. Cha tôi giải quyết nỗi cô đơn, không có việc làm bằng cách đi bộ thăm thú đường phố.

Lúc đầu đi gần, vừa đi vừa ngoái lại phía sau để nhớ đường, như kiểu hành quân sợ bị lạc rừng cứ phải đánh dấu. Rồi nghiêng ngó, rụt rè bước vào các cửa hiệu, đi cầu thang cuốn vào siêu thị, dù chẳng có nhu cầu mua một thứ gì. Vậy mà vẫn có lần lạc đường. Chữ Nhật hình dáng giống chữ Hán, cứ vuông chành chạnh. Giá như chữ Anh, chữ Đức, dù không biết cũng mang máng đọc được cái ngõ, cái đường mình vừa đi qua, nhưng ở Kawasaki thì cha tôi chịu. Cũng may, ông luôn mang cái điện thoại cầm tay cũ, lạc đường thì gọi để con trai tìm đến đưa về.

Hết một tháng, cha tôi thuộc hầu như ngõ ngách, quảng trường, siêu thị, bến cảng, công viên ở Kawasaki. Ban ngày, cha tôi trở thành tù nhân của bốn bức tường, bởi phố phường Kawasaki cha tôi thuộc nhẵn, có gì đáng để đi xem nữa đâu. Ban đêm, cha tôi thao thức không ngủ, lòng cô đơn nhớ về đất Việt vời vợi dù bên kia bức tường là cháu, là con trai, con dâu. Cha tôi nhớ cái làng quê hẻo lánh có hai cây đa ở bên tam quan chùa Cháy. Cha tôi nhớ cánh đồng ngoài xa mùa nước lạnh rong rêu nổi lên và những con vạc đứng im lìm như đụn rạ. Cha tôi nhớ tiếng ho húng hắng của mẹ tôi lúc nửa đêm về sáng…

* * *

Thế rồi cái Tết xa xứ ập đến. Người Nhật ăn Tết vào ngày đầu năm dương lịch chứ không chờ hết năm âm lịch mới ăn tết như người Việt. Người trẻ thì xốn xang mong xuân về, người già lại thoáng buồn, thậm chí âu lo khi Tết đến. Tết đến đồng nghĩa với thêm một tuổi và rút ngắn vòng đời. Có gì để mà vui. Cha tôi bảo:

“Anh lại làm khổ bố rồi”.

Tôi bảo:

“Chả mấy khi bố có dịp ăn một cái tết xa xứ của người xứ lạ”.

Cha tôi bảo:

“Ừ. Thì thử xem. Nhưng bố biết trước bố nẫu ruột lắm đấy”.

Tôi gọi vợ vào phòng, hai vợ chồng thủ thỉ thù thì lo Tết. Nhập gia tùy tục, tôi đánh xe ô tô đưa vợ ra siêu thị rước về hai cây tùng (người Nhật gọi là kadomatsu) đựng trong giỏ hình trụ đan bằng nan tre mỏng và quấn xung quanh giỏ là những sợi thừng bện cỏ… đặt trước cửa nhà. Cô bạn người Nhật mới quen giúp vợ tôi trang trí lên cây kadomatsu thêm các vật phẩm: Quả quýt, cái lá và dải giấy trắng… Cô bạn người Nhật giải thích: Cây kadomatsu tượng trưng cho sự trẻ trung mãi mãi không già; quả quýt màu da cam mang ý nghĩa muôn đời thịnh vượng; dây thừng bện bằng cỏ là mong muốn cầu tài phát lộc; lá cây màu trắng mang ý nghĩa trinh bạch trong sáng; còn dải giấy trắng mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, tẩy sạch vết nhơ bụi trần...

Cha tôi bồn chồn, đi vào đi ra. Ông bảo:

“Giá như ở quê nhà, bố đã dựng cây nêu từ ngày ông Táo về chầu trời 23 tháng Chạp. Cái dịp này cuối năm, vắng ông Táo, ma quỷ nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu”.

Tôi bảo:

“ Vâng! Còn nhớ bố buộc bó lá dứa lên ngọn nêu để cho ma quỷ sợ. Bố còn sai con treo cái khánh đất lên ngọn nêu. Gió đưa đẩy ngọn nêu, khánh đất cung cuông kêu để xua đuổi ma quỷ”.

Cha tôi bảo:

“ Anh nói làm bố nhớ Tết quê nhà xót cả lòng. Anh xa Tổ quốc lâu ngày rồi không biết, chứ phải đến mùng bảy tháng Giêng người làng ta mới hạ nêu”.

Vợ tôi cười tươi, chỉ tay sang các nhà hàng phố, bảo:

“Chỉ tại chồng con lười thôi, chứ người Nhật nhà nào cũng dựng cây nêu. Bố nhìn kìa!”

Cha tôi thoắt vui, lại thoắt buồn, bảo:

“Anh chị ở nhà thuê, ăn Tết tùng tiệm cũng chả ai chê trách. Nhưng, chính chủ thì phải đàng hoàng. Giờ này, ở quê nhà, năm nay mẹ anh chẳng biết có nhớ mà dựng cây nêu không?”

Tôi cười to, muốn cho cha tôi vui lên:

“Bố ơi! Bây giờ là hai mươi tám tháng mười hai dương lịch. Người Nhật ăn Tết Dương lịch như người phương Tây. Người Việt mình còn phải tháng rưỡi nữa mới ăn Tết Nguyên đán. Giờ này, ở quê nhà, chắc mẹ con đang đi nhổ rau cần cho chị gái con”.

Cha tôi như vỡ òa trong lòng. Gương mặt thẹn thùng, hơi bối rối của người già trông thật tội mà đáng thương.

Đêm ba mươi Tết người Nhật, cha con, ông cháu, vợ chồng tôi đón giao thừa. Tiếng chuông chùa vang lên trên kênh truyền hình quốc gia truyền đi khắp cả nước báo hiệu thời khắc năm mới bắt đầu. Người xứ Phù Tang luôn có niềm tin 108 tiếng chuông chùa huyền bí có sức mạnh xua đuổi 108 con quỷ sứ lợi dụng đêm giao thừa tối trời lẻn vào phá phách. Chúng tôi chúc nhau sức khỏe trong tiếng chuông ngân nga, ăn “món Tết” thực ra là món ăn ngọt làm bằng rễ cây ngưu bàng, cá sardin khô, tảo, hạt dẻ, khoai lang và uống rượu sake ủ từ gạo trắng và nấm koji. Giá như ở nhà, tôi đã cầm đèn pin soi đường cho cha tôi ra điếm ở đầu thôn cúng giao thừa, khi trở về mẹ tôi đã bày bàn mâm ở sân cho cha tôi cúng trời đất. Ngoài trời mưa xuân bay nhè nhẹ.

Những bụi mưa trắng lẫn trong ánh đèn, đậu trên lá non lộc biếc loang loáng nước. Tôi cảm nhận được như cả đất trời âm thầm chuyển động, rõ ràng nhất tiếng khẽ khàng của chồi non cựa mình đang đội đất ngoi lên. Cha tôi đứng trước bàn thờ tổ tiên, lầm rầm khấn. Ông cầu sức khỏe, cầu sự bình an cho gia đình, cầu cho tôi học hành tấn tới. Khi ấy, tôi dù sức tưởng tượng có bay bổng bao nhiêu cũng không nghĩ được có ngày này cùng vợ con và người cha thân yêu đón Tết nơi xứ Phù Tang xa lạ. Tôi lại nhớ đến mẹ ở quê nhà. Khổ một đời quẩn quanh ở làng xóm, tần tảo chăm chồng nuôi con, chưa một lần ra khỏi lũy tre làng…

Đêm giao thừa nơi đất khách quê người, ở bên cha và vợ con, mà sao tôi cứ thấy thiêu thiếu một cái gì đó không cắt nghĩa được. Cha tôi trầm ngâm:

“Ở quê nhà, chẳng biết mẹ anh vớt bánh chưng ra, có nhớ đem ép cho bánh rền không? Gạo nếp Kim Sơn, hành củ đậu xanh ở vườn nhà, thịt lợn mua ở chợ Bút gói lá dong Tam Điệp, buộc bằng lạt chẻ từ lóng giang rừng dẻo xoắn, khéo gói thì vuông chằn chặn, luộc tiếp nước luôn đầy, chứ lơ đễnh để cạn nước thì khê nồi, cháy lá. Xúi quẩy cả năm lắm đấy”.

Vợ tôi định cất lời: Bố ơi! Đây là Tết người Nhật thì tôi đã ra hiệu cho vợ im lặng. Thôi cứ để cho ông trôi vào ký ức Tết quê nhà, dù lẫn lộn thì quá khứ với thì hiện tại, không gian quê nhà và không gian xứ Phù Tang…

“Tết năm nay, chẳng biết con bé nhà Khánh ở Ba Lan có về đón giao thừa không nhỉ? Bố vẫn còn nợ nó cái bánh chưng. Cái dạo nó đi du học, bố cho tiền nó không lấy, bảo: Cháu sang Ba Lan không tiêu được tiền Việt, ông còn cái bánh chưng nào cho cháu, cháu mang đi khoe với mấy con bạn tóc vàng mắt xanh. Nói thế, nhưng qua Tết rồi, phải đến mười hai tháng Giêng mới nấu lại nồi bánh chưng mới. Vậy là, ông nợ cái bánh…”

Tôi nghe cha nói mà cảm tưởng như ông tâm sự với chính mình. Ôi! Cha tôi già rồi, hay ở tuổi ông chỉ khi nào xa quê viễn xứ mới mang tâm trạng như thế.

Người Nhật cũng có tục lì xì gọi là toshidama cho trẻ con. Cha tôi cũng mở ví lấy tiền mừng tuổi cho cháu nội. Lấy đồng tiền Việt Nam hay đồng Yên cũng làm ông khó xử, cứ do dự, băn khoăn. Cuối cùng, ông lấy tờ một trăm ngàn đồng tiền Việt, nhưng con gái tôi đã ngủ lay lắt trong lòng mẹ. Ông thở dài hắt ra, rồi cười, cái cười méo mó và lấy tiếp hai tờ một trăm ngàn đồng tiền Việt nữa mừng tuổi cho vợ chồng tôi, bảo: Anh chị giữ lấy khi nào về Việt Nam thăm bố mẹ thì đi tắc xi. Lúc ấy, tôi thấy hai khóe mắt vợ tôi lăn dài hai giọt nước mắt. Nước mắt ấm nóng của đêm giao thừa nơi xứ lạ lạnh lẽo.

* * *

Hết mấy ngày nghỉ Tết, vợ chồng tôi lục tục đi làm. Cha tôi gọi cả hai đứa lại bảo:

“Tết nhất ở quê sắp đến nơi rồi. Bố phải về nước con ạ”.

Vợ tôi sẽ sàng thưa:

“Còn hơn tháng nữa ở quê nhà mới đến Tết Nguyên đán. Bố ở thêm với chúng con ít ngày”.

Tôi ngạc nhiên:

“Con xin lỗi. Con cứ tưởng bố đã quen Kawasaki”.

“Không con ạ. Hoàn toàn xa lạ. Các con thương bố thì con cho bố về”.

“Con cứ nghĩ: Con cái ở đâu, cha mẹ ở đấy. Bây giờ thì…”

“Còn mẹ anh ở nhà đang ngóng. Bố ở đây cũng không yên lòng. Lúc nào anh chị đưa được mẹ anh sang ở với con cháu một thời gian như bố, thì hãy tính trước đi”.

Con dâu hiểu tâm trạng cha tôi:

“Bố nói đúng đấy anh ạ. Thôi, cứ để tùy bố lựa chọn. Chứ ở đây, bố cũng khổ tâm lắm”.

Thế là cha tôi được sổ lồng, được về đất Việt.

Sắp đến ngày về nước, tôi bảo:

“Con sẽ xin nghỉ để đưa bố lên Tokyo, chờ cho đến tận khi bố lên máy bay”.

Cha tôi gàn:

“Con còn bao nhiêu việc, để bố tự đi được. Chuyện nhỏ ấy mà. Ngày xưa vào Nam đánh giặc bố còn đi được nữa là”.

Nói vững thế, nhưng trong bụng cha tôi vẫn lo. Là một người cẩn thận, tôi viết ra một mảnh giấy đoạn trên là chữ Nhật, đoạn dưới là chữ Anh rồi đưa cho cha giữ. Đại khái nội dung là: Tôi là người Việt Nam lần đầu sang Nhật. Tôi đang về Hà Nội theo chuyến bay lúc 18 giờ, ngày… tháng ... Tôi xin được giúp đỡ. Xin chân thành cảm ơn.

Từ sân bay quốc tế Narita, cha tôi đã gặp rắc rối. Người nườm nượp, cha tôi hoa mắt không tìm thấy nơi làm thủ tục bay lên Tokyo. Bên ngoài tuyết rơi nhẹ, trời lạnh mà lưng cha tôi đẫm mồ hôi. Không kịp giờ bay thì quay lại với con, lo gì. Nhưng, ở lại Kawasaki thì có khác gì lại bị cầm tù, dù sống với con cháu. Chợt nhớ đến mảnh giấy con trai viết, cha tôi rụt rè nói một câu tiếng Việt xin lỗi với một người Nhật đang đi cùng chiều bên cạnh và nhờ giúp đỡ. Lướt nhanh mảnh giấy, trên nét mặt anh ấy thoáng một chút lo lắng. Anh ấy dẫm bạch bạch hai chân, ra hiệu cho cha tôi chạy nhanh. Cha tôi hiểu ý chậm giờ bay rồi, và chạy lạch bạch theo người lạ…

Anh thanh niên người Nhật đưa cha tôi đến phòng làm thủ tục lên máy bay, đến cửa kiểm tra an ninh, đến cửa hải quan… Và đến tận cửa phòng chờ, anh nói những câu gì đó với nhân viên hãng hàng không mà cha tôi không hiểu nổi. Ôi trời! Cho đến tận khi ngồi vào máy bay cha tôi vẫn thầm cảm ơn người Nhật xa lạ ấy đã giúp mình, song nỗi lo vẫn thường trực.

Tuyết vẫn rơi bời bời. Cha tôi vẫn toát mồ hôi, dù trời rất lạnh. Sân bay quốc tế ở Tokyo còn rộng hơn Narita, cha tôi biết cửa làm thủ tục bay ở đâu mà lần. Hôm mới sang Tokyo, xuống máy bay, ô tô buýt đón chạy mãi mới vào ga. Có con trai chờ sẵn nên phấn chấn, tự tin lắm. Giờ thì thân già nơi đất khách. Cha tôi thấp thỏm nghĩ đủ cách để không bị kẹt lại, không bị quay về Kawasaki quê người.

Xuống máy bay, cha tôi khôn ra phết, ông cứ theo những người bên cạnh lên ô tô để ra ga hàng không, trong bụng vẫn một niềm lo canh cánh. Tokyo rộng mênh mông, người xa đất lạ. Ô tô buýt cập đến cửa nhà ga hàng không, bước xuống, cha tôi đã bắt gặp một cô gái người Nhật mặc trang phục hàng không, mặt tươi, rạng rỡ cầm cái biển đề tên cha tôi: Ông Đức Thế. Bất ngờ quá! Thế này là thế nào? Sao lại có cuộc đón rước lạ lùng này. Cha tôi lò dò đến gần. Mắt cô gái ánh lên và hàm răng lấp lóa nụ cười nhẹ thân thiện. Cô ta nói những câu tiếng Nhật, cha tôi không hề biết nội dung nhưng nghe được loáng thoáng mấy tiếng: Hà Nội, Việt Nam. Ông chìa vé máy bay, thẻ hành lý. Cô gái ra hiệu đi theo cô. Lại một người xa lạ nữa giúp cha tôi. Cô đưa cha tôi đến băng chuyền và lấy giúp hành lý, đưa ông đến phòng làm thủ tục transit về Hà Nội, đưa ông ra cửa an ninh, ra cửa vào phòng chờ… Chỉ đến khi lên máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines, nghe cô gái mặc áo dài màu phấn hồng nói tiếng Việt, cha tôi mới yên tâm rằng: Coi như mình đã về đến Việt Nam.

Tôi bật máy điện thoại cho cả vợ cùng nghe cha tôi kể lại chuyến trở về nước Việt ăn Tết nhọc nhằn mà thông đồng bén giọt của cha. Vợ tôi bùi ngùi, nhìn đứa con đăm đắm. Chả biết nghĩ gì? Người Việt ra nước ngoài có trăm ngàn nẻo đường xa xứ. Cha tôi cũng chỉ là một nẻo đường. Nẻo đường xa xăm, cô đơn nơi đất lạ, dù ở cùng nhà với con cháu. Nẻo đường trập trùng vời vợi đầy bất trắc trong suốt chuyến đi. Viết đến đây, tôi chợt nghĩ: Rất có thể lại một ông thợ cày, thợ thùng đào thùng đấu nào đó, quanh năm không ra khỏi lũy tre làng mà cũng bị rơi vào hoàn cảnh như cha tôi, cũng ra nước ngoài với cháu con đi máy bay phải transit như cha tôi…

Ôi con đường về quê ăn Tết nhọc nhằn đến thế mà sao ai cũng hân hoan, háo hức, tìm mọi cách để được trở về...

Truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/tac-gia-tac-pham/418388/duong-ve-que-an-tet.html