Đường về đích còn lắm gian nan

Diễn biến hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp trong quí 3 vừa qua cho thấy tình hình đã có sự cải thiện so với những tháng trước đó, tuy nhiên, để về đích năm 2023, vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức không nhỏ.

Hơn 3/4 chặng đường của năm 2023 đã đi qua với nhiều tác động từ tình trạng suy thoái toàn cầu lên nền kinh tế Việt Nam và các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản… Nhiều đơn vị đã phải giảm các mục tiêu sản xuất kinh doanh đề ra từ đầu năm, thậm chí điều chỉnh và thu hẹp quy mô hoạt động để vượt qua khó khăn.

Nông dân thu hoạch tôm. Ảnh minh họa: Trung Chánh

Doanh thu và lợi nhuận tiếp tục sụt giảm là tình trạng phổ biến được ghi nhận trong kết quả kinh doanh quí 3 của các doanh nghiệp xuất khẩu khi các thị trường trọng điểm chưa khởi sắc trở lại.

Thủy sản sụt giảm mạnh

Dù quí vừa qua được đánh giá có nhiều “vùng sáng” hơn sau khi nền kinh tế bị bao trùm bởi “màu xám” chủ đạo của thời gian trước đó, nhưng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề vẫn duy trì ở mức thấp và sụt giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Đơn cử ngành thủy hải sản, dù theo đánh giá của các doanh nghiệp tình hình trong quí vừa qua có nhiều cải thiện về hoạt động kinh doanh ở các thị trường xuất khẩu nhưng kết quả kinh doanh tại một số doanh nghiệp lớn báo cáo vẫn sụt giảm mạnh.

Cụ thể tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã MPC – UPCoM) trong quí vừa qua ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 2.993 tỉ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán cũng giảm 38%, còn đạt 2.671 tỉ đồng. Kéo theo lợi nhuận gộp của doanh nghiệp chỉ còn 321 tỉ đồng, tương ứng giảm 59%.

Doanh thu tài chính trong quí của doanh nghiệp cũng giảm 38%, còn 21 tỉ đồng. Chi phí tài chính giảm 13%, còn 76,7 tỉ đồng. Chi phí bán hàng giảm 35%, còn 204 tỉ đồng. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng lên mức 75,7 tỉ đồng, tương ứng tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Các yếu tố trên đã góp phần đưa lợi nhuận trước thuế của MPC âm 11,9 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước doanh nghiệp đạt 365,1 tỉ đồng. Khấu trừ các khoản chi phí thuế, lợi nhuận sau thuế âm 26 tỉ đồng.

Lý giải việc kinh doanh thua lỗ trong quí vừa qua, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết do doanh thu giảm. Ngoài ra, do kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty nuôi tôm thương phẩm như Công ty TNHH nuôi trồng thủy sản Minh Phú Lộc An, Công ty TNHH thủy sản Minh Phú Kiên Giang và Công ty TNHH Sản xuất giống thủy sản Minh Phú Ninh Thuận chưa có hiệu quả.

Lũy kế trong 9 tháng đầu năm nay, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú ghi nhận doanh thu đạt 7.465,77 tỉ đồng, giảm 46,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận lỗ 109,72 tỉ đồng so với cùng kỳ lãi 571,38 tỉ đồng, giảm 681,1 tỉ đồng.

Trong năm 2023, Thủy sản Minh Phú đặt kế hoạch doanh thu 12.789,5 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 639,3 tỷ đồng. Như vậy, với việc ghi nhận lỗ trong 9 tháng đầu năm 2023, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú còn cách rất xa kế hoạch lãi 639,3 tỉ đồng trong năm 2023.

Tương tự, Tổng Công ty cổ phần Thủy sản Việt Nam (Mã SEA – UPCoM) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quí 3 với doanh thu 17,2 tỉ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tài chính giảm tới 81% cùng kỳ, còn 11,3 tỉ đồng.

Các khoản thuế, phí kỳ này không biến động đáng kể nên sau cùng SEA báo lãi ròng gần 10,9 tỉ đồng, giảm 82,6% so với quí 3 năm trước.

Lũy kế 9 tháng, Thủy sản Việt Nam đạt 63,2 tỉ đồng doanh thu và 74,4 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt 29% và 24% so với cùng kỳ năm ngoái. So với kết hoạch 166,8 tỉ đồng doanh thu và 63,4 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, SEA đã thực hiện được 38% và 117%.

Trong khi đó Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC), công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 9 tháng đầu năm cho thấy doanh số tiêu thụ đạt 150,4 triệu đô la Mỹ (khoảng 3.670 tỉ đồng), giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số tháng 10 vừa qua của Sao Ta tiếp tục giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Do đó, mới đây, HĐQT Sao Ta đã thông qua việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh với doanh thu giảm 17,5% so với kế hoạch đầu năm, tương ứng giảm 1.030 tỉ đồng, về 4.870 tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế giảm 25% so với kế hoạch đầu năm, tương ứng giảm 100 tỉ đồng, về 300 tỉ đồng.

Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), so với năm 2022, doanh số bán thủy sản của Việt Nam liên tục giảm trong 9 tháng qua. Nguyên nhân xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ thấp. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mức giảm này có phần chậm lại, đặc biệt sắp bước vào giai đoạn cuối năm, lễ tết.

Dệt may lao đao

Tương tự, tình hình nền kinh tế thế giới khó khăn, lạm phát tăng cao ở nhiều thị trường khiến doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, kinh doanh sụt giảm mạnh. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của các doanh nghiệp dệt may trong ngành, nhất là các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.

Gây chú ý nhất trong ngành này là câu chuyện Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (GMC) – một doanh nghiệp xuất khẩu dệt may lớn tại TPHCM – rơi vào tình cảnh bi đát khi trong quí vừa qua không có đơn hàng dẫn tới doanh thu “bốc hơi” tới 99%, công ty chỉ ghi nhận vỏn vẹn 73 triệu đồng.

Garmex Sài Gòn (GMC) không có đơn hàng kéo dài nên hiện chỉ còn giữ 37 người. Ảnh minh họa: website doanh nghiệp

Lũy kế 9 tháng, doanh thu của GMC chỉ đạt 8 tỉ đồng, giảm mạnh so với mức 275 tỉ đồng của 9 tháng năm 2022; lợi nhuận sau thuế lỗ trên 44 tỉ đồng. Theo ban lãnh đạo GMC, do không có đơn hàng, công ty đã cân đối lại nhân sự, thu hẹp hoạt động cho phù hợp với tình hình mới, tiết giảm chi phí để giảm thiểu lỗ.

Từng là “ông lớn” trong ngành với lượng nhân sự lên tới hàng nghìn người thời đỉnh cao, quy mô nhân sự của GMC sụt giảm gần như hoàn toàn sau nửa đầu năm 2023, thời điểm cuối quí 3 tiếp tục giảm còn 37 người, tương ứng giảm 1.945 nhân sự sau 9 tháng.

Tương tự, Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội (mã: HSM) từ lãi 23 tỉ đồng của cùng kỳ năm trước thành lỗ 55 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm nay. Hay Gilimex (GIL) trong khi 9 tháng đầu năm ngoái lãi gần 352 tỉ đồng thì lỗ ròng hơn 63 tỉ đồng của 9 tháng đầu năm nay.

Tuy nhiên tình hình khó khăn không chỉ xảy ra với GMC, HSM và GIL, báo cáo tài chính quí 3/2023 của các doanh nghiệp lớn trong ngành này cũng sụt giảm mạnh. Trong 9 tháng đầu năm 2023, hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều báo lãi tăng trưởng âm so với cùng kỳ, thậm chí báo lỗ nặng.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam giảm lãi 60%, Everpia (EVE) lợi nhuận “bốc hơi” 90% so với cùng kỳ năm 2022.

Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) ghi nhận doanh thu xuất khẩu 9 tháng giảm gần 780 tỉ đồng, tương ứng mức giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 2.219 tỉ đồng.

Doanh nghiệp này cho biết, thông thường quí 4 là mùa chuẩn bị cho lễ hội và tết, nhưng năm nay nhu cầu mua sắm và đơn hàng vẫn chậm so với những năm trước do tình hình kinh tế vẫn khó khăn và phục hồi chậm. Hiện công ty vẫn chưa nhận đủ đơn hàng cho cuối năm và hoạt động chưa đạt tối đa công suất.

Cụ thể TCM báo lãi 9 tháng đầu năm sụt giảm đến 50% so với cùng kỳ năm ngoái, còn lại 111 tỉ đồng. Sau 9 tháng, TCM mới hoàn thành được 45% chỉ tiêu lợi nhuận của năm 2023.

Còn Tổng Công ty Việt Thắng (mã: TVT) ghi nhận khoản lợi nhuận giảm sâu chỉ còn 6 tỉ đồng, chỉ bằng 1/10 so với 9 tháng cùng kỳ năm trước. Tại Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (mã: STK) doanh thu thuần 9 tháng đạt 1.073 tỉ đồng và lãi sau thuế đạt gần 56 tỉ đồng, lần lượt giảm tới 36% và 72% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân khiến hầu hết các công ty trong ngành báo lãi tăng trưởng âm, phần lớn do đơn hàng khan hiếm bởi sức mua các thị trường yếu. Đáng chú ý, một số khách hàng lớn cắt giảm lượng đơn hàng vì ảnh hưởng của tình hình thế giới nhưng chi phí sản xuất kinh doanh không giảm khiến lãi giảm sâu so với cùng kỳ.

Giảm chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận

Hàng loạt doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác cũng trải qua 3/4 thời gian của năm kinh doanh ảm đạm, dẫn đến kết quả doanh thu và lợi nhuận sụt giảm nhiều. Đáng chú ý là các doanh nghiệp trong ngành đồ gỗ, da giày, vận tải, bất động sản,…

Liên quan đến đồ gỗ, Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã TTF – sàn HoSE) ghi nhận lỗ 6,3 tỉ đồng trong quí 3 so với cùng kỳ năm ngoái lãi 2,27 tỉ đồng, giảm 8,57 tỉ đồng.

Lũy kế trong 9 tháng đầu năm nay, Gỗ Trường Thành ghi nhận doanh thu đạt hơn 1.103 tỉ đồng, giảm 27,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 42,74 tỉ đồng so với cùng kỳ lãi 13,05 tỉ đồng (tức giảm 55,79 tỉ đồng).

Trong năm 2023, Gỗ Trường Thành đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 2.222 tỉ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 54 tỉ đồng, tăng 14,86 lần so với thực hiện trong năm 2022. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm với việc lỗ, Công ty cách rất xa kế hoạch lãi 54 tỉ đồng trong năm 2023.

Với việc tiếp tục lỗ thêm 42,74 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm, tính tới ngày 30-9-2023, tổng lỗ lũy kế của Gỗ Trường Thành lên tới 3.128,9 tỉ đồng và bằng 76,1% vốn điều lệ.

Tương tự, Công ty cổ phần Gỗ An Cường (mã: ACG) dù trong quí 3 ghi nhận doanh thu thuần gần 963 tỉ đồng và lãi ròng 130 tỉ đồng, nhưng vẫn giảm tương ứng 18% và 21,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Văn bản giải trình do bà Võ Thị Ngọc Ánh – Tổng giám đốc ACG, ký gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE), phía Gỗ An Cường cho biết nguyên nhân sụt giảm do tình hình kinh tế trong nước và thế giới diễn biến phức tạp; đồng thời người tiêu dùng thận trọng trong chi tiêu làm cho lợi nhuận kinh doanh của công ty giảm.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, ACG đạt doanh thu thuần gần 2.611 tỉ đồng, giảm 16% và lãi ròng 275 tỉ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ; thực hiện được 52% kế hoạch doanh thu và 41% mục tiêu lợi nhuận năm.

Hoạt động tại một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. Ảnh minh họa: TL

Việc thiếu đơn hàng, sụt giảm doanh thu khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn trong giữ chân người lao động để chờ đợi thị trường phục hồi. Không ít doanh nghiệp lựa chọn phương án thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm giờ làm, cho lao động nghỉ luân phiên hoặc cắt giảm lao động…

Những khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu cũng tác động tới những đơn vị trong lĩnh vực vận tải, logistics. Nghị quyết HĐQT Công ty cổ phần Vận tải và xếp dỡ Hải An mới đây đã thông qua điều chỉnh kế hoạch năm 2023 với chỉ tiêu doanh thu giảm 10% so với kế hoạch đề ra hồi đầu năm, xuống mức 2.669 tỉ đồng; chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế cũng điều chỉnh giảm gần 19%, xuống mức 400 tỉ đồng. Mục tiêu này thấp hơn rất nhiều so với kết quả lợi nhuận hơn 1.000 tỉ đồng doanh nghiệp này đã đạt được trong năm 2022.

Còn Công ty cổ phần Đầu tư Cảng Cái Lân (CPI) công bố báo cáo tài chính quí 3 với doanh thu 8 tỉ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận gộp lao dốc đến 91% về còn 252 triệu đồng; doanh thu tài chính cũng giảm mạnh 92%. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận trên 1,2 tỉ đồng (cùng kỳ là âm 515 triệu đồng).

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của công ty chỉ trên 23 tỉ đồng, giảm 49% so với cùng kỳ. Thu không đủ bù chi khiến Đầu tư Cảng Cái Lân lỗ ròng gần 2 tỉ đồng. Cũng vì kinh doanh èo uột khiến cổ phiếu CPI cũng đang bị hạn chế giao dịch và chỉ còn quanh mốc 2.500 đồng/cp.

Hàng loạt doanh nghiệp nhiều ngành nghề khác báo cáo hết quả kinh doanh trong 3/4 thời gian của năm 2023 không mấy sáng sủa, sụt giảm mạnh.

Kết quả kinh doanh kém khả quan trong quí 3 càng khiến cho chặng đường về đích lợi nhuận mà các doanh nghiệp đã đề ra từ đầu năm trở nên gian nan, thử thách hơn. Đặc biệt là khi các thị trường xuất khẩu chính dù đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng chỉ ở mức rất chậm. Ứng phó với thực tế này, một số doanh nghiệp đã bắt đầu rục rịch công bố điều chỉnh giảm chỉ tiêu kinh doanh cả năm.

Nhiều thách thức phía trước

Lý giải về nguyên nhân của sự suy giảm trong sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu trong 9 tháng qua, Bộ Công Thương cho biết, các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm.

Ảnh minh họa: TL

Trong khi đó, các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da – giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu.

Cùng với đó, giá hàng hóa xuất khẩu có xu hướng giảm trong 9 tháng năm 2023, trong đó giá một số hàng nông sản giảm mạnh ở mức hai con số so với cùng kỳ năm ngoái như hạt tiêu, cao su, dầu thô, phân bón, chất dẻo, sắt thép…

Cùng với đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp của ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đơn hàng nước ngoài giảm, thị trường trong nước sức mua không lớn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, không dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng…

Cùng với suy giảm đơn hàng, không có thị trường tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp lâm vào tình cảnh cạn kiệt nguồn vốn. Trái phiếu doanh nghiệp đến kỳ đáo hạn, vốn vay ngân hàng đến kỳ phải trả, việc hoàn thuế và dòng tiền về chậm khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, sản xuất cầm chừng.

Giới phân tích nhận định, tăng trưởng 2 tháng còn lại trong năm phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường lớn, chủ lực của Việt Nam, hoạt động du lịch, tiêu dùng trong nước cuối năm và cận Tết Nguyên đán là cơ sở để xuất khẩu, thị trường trong nước tăng trưởng nhanh hơn.

Theo báo cáo của Viện Đào tạo Nghiên cứu BIDV, có thể nhận thấy 5 thách thức chính từ bên ngoài vẫn hiện hữu như: xung đột tại Ukraina, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn vẫn còn phức tạp và gần đây nhất là xung đột tại Trung Đông.

Giá cả, lạm phát dù giảm nhưng còn ở mức cao, khiến lãi suất neo cao; tài khóa (nợ công, nợ tư, thâm hụt ngân sách) còn cao; kinh tế EU phục hồi chậm; an ninh năng lượng, lương thực và thiên tai, khí hậu cực đoan vẫn là những mối lo thường trực.

Những thách thức này tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế và thị trường tài chính – tiền tệ Việt Nam.

Tuy vậy, trong 2 tháng cuối năm, các đối tác thương mại của kinh tế Việt Nam sẽ tăng chi tiêu vào các dịp lễ cuối năm và đón chào năm mới nên các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu, đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng cả năm.

Hùng Lê

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/duong-ve-dich-con-lam-gian-nan/