Đường sắt tìm hướng kinh doanh, thoát tình trạng thua lỗ

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đề xuất hợp nhất 2 Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội và TP.HCM. Ngoài ra, mở rộng ngành nghề kinh doanh sửa chữa, bảo trì đường sắt, kinh doanh cho thuê bất động sản thương mại.

Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa trình Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án cơ cấu tại VNR, giai đoạn đến năm 2025. Điểm chính của đề án là chưa cổ phần hóa công ty mẹ - VNR; sáp nhập hai Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn, do VNR nắm cổ phần hơn 80%; sáp nhập Ban quản lý dự án đường sắt khu vực từ 3 ban thành 2.

Về việc ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của VNR, cơ quan chủ sở hữu phần vốn đề nghị Chính phủ cho phép Tổng công ty được bổ sung một số ngành, nghề kinh doanh, cụ thể: Cho thuê, điều hành, quản lý nhà và đất không để ở; dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch; kinh doanh, cung cấp dịch vụ hạ tầng viễn thông. Tùy nhu cầu sản xuất, kinh doanh Tổng công ty có thể bổ sung ngành, nghề kinh doanh khác sau khi được đại diện chủ sở hữu chấp thuận.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất hợp nhất 2 Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội và TP.HCM.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất hợp nhất 2 Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội và TP.HCM.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, không tiến hành cổ phần hóa Công ty mẹ - VNR và các công ty thành viên. Tuy nhiên, VNR sẽ thực hiện hợp nhất Công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn. Riêng công ty TNHH hai thành viên khách sạn thương mại Sài Gòn và Công ty cổ phần Mặt trời – Đường sắt Việt Nam không thực hiện thoái vốn. Bên cạnh đó, giữ nguyên tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ trên vốn điều lệ của Công ty cổ phần Xe lửa Dĩ An là 86,85% và Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm là 77,37%.

Bên cạnh đó, VNR tiếp tục nắm cổ phần chi phối tại nhà máy xe lửa Gia Lâm (Hà Nội) và Dĩ An (Bình Dương); tương tự với 15 công ty cổ phần đường sắt và 5 công ty cổ phần thông tin tín hiệu đường sắt; giữ nguyên mô hình tổ chức của 12 chi nhánh khai thác đường sắt như hiện nay.

Tại Tờ trình số 1648, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước kiến nghị cho phép VNR thoái hết vốn nhà nước nắm giữ tại 13 công ty cổ phần theo Quyết định số 198/QĐ- TTg ngày 21/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2012 – 2015.

Đại diện VNR cho biết: “Tổng công ty đang yêu cầu 2 Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn nghiên cứu phương án sáp nhập để xin ý kiến cấp thẩm quyền phê duyệt, như xác định vốn điều lệ sau sáp nhập, định giá doanh nghiệp, tỷ lệ hoán đổi cổ phần, phương án hạch toán khi cả 2 công ty đang lỗ lũy kế. Dự kiến, phần vốn nhà nước nắm giữ tại công ty sau sáp nhập vẫn trên 80%. Dự kiến, với điều kiện thuận lợi, việc sáp nhập sẽ hoàn thành vào năm 2025”.

Về lộ trình hình thành Công ty con chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa đường sắt, VNR xác định: “Sau khi hợp nhất, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt, doanh nghiệp đã được hợp nhất thực hiện việc phân chia, bóc tách về tổ chức, lao động, vốn, tài sản để thành lập công ty con chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa đường sắt”.

Đối với các đơn vị trực thuộc VNR, sáp nhập nguyên trạng Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 2 và Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 3 vào Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 1. Ngoài ra, cũng sáp nhập nguyên trạng chi nhánh Xí nghiệp đầu máy Yên Viên vào chi nhánh Xí nghiệp đầu máy Hà Nội. Sáp nhập nguyên trạng chi nhánh Xí nghiệp đầu máy Đà Nẵng vào chi nhánh Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn. Duy trì nguyên trạng chi nhánh Xí nghiệp đầu máy Vinh.

Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, khai thác có hiệu quả các nguồn lực của doanh nghiệp và nâng cao năng suất lao động, đảm bảo phát triển VNR bền vững và từng bước hiện đại. Đặc biệt, đảm bảo đủ việc làm, nâng cao đời sống người lao động, đưa VNR thoát khỏi tình trạng thua lỗ và từng bước bù đắp khoản lỗ lũy kế.

Thu Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//quan-tri/duong-sat-tim-huong-kinh-doanh-thoat-tinh-trang-thua-lo-1094724.html