Đường sắt tăng chuyến dịp Tết Nguyên đán 2024, cảnh báo người dân không mua vé tàu qua cò mồi, chợ đen

Theo thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ngành đường sắt tiếp tục lập thêm 8 chuyến tàu tuyến Bắc - Nam, nối thêm toa vào các đoàn tàu đã mở bán vé, tổng cộng cung cấp thêm hơn 4.000 chỗ dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch, về quê của người dân, ngành đường sắt bổ sung thêm nhiều vé tàu dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ảnh: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch, về quê của người dân, ngành đường sắt bổ sung thêm nhiều vé tàu dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ảnh: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Đường sắt tăng cường thêm 8 chuyến tàu Tết trên tuyến Bắc - Nam

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, sẽ chạy thêm tàu SE32 từ Sài Gòn đến Hà Nội ngày 24, 25/1/2024 (tức ngày 14, 15 tháng Chạp); tàu SE11 từ Hà Nội đến Sài Gòn ngày 26, 27/1/2024 (tức ngày 16, 17 tháng Chạp); tàu SE25 từ Quảng Ngãi và tàu SE29 từ Quy Nhơn về Sài Gòn ngày 20, 21/2 (tức ngày 11, 12 tháng Giêng).

Vé sẽ được mở bán tại tất cả các kênh bán vé như trên website: www.dsvn.vn, www.vetau.com.vn; qua các ứng dụng ví điện tử, ứng dụng bán vé tàu trên thiết bị di động hoặc hành khách liên hệ tại các nhà ga, các điểm bán vé và các đại lý bán vé thuộc đường sắt Việt Nam, qua các tổng đài bán vé.

Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cũng cho biết, sau hơn 2 tháng mở bán vé tàu Tết tuyến Bắc - Nam, đã bán trên 152.000 vé.

Hiện vẫn còn vé tàu Tết, nhưng tùy theo mác tàu, ngày đi tàu. Trước Tết còn vé ở tất cả các tuyến. Trong đó, từ ngày 1/2/2024 trở về trước và ngày 8, 9/2/2024 (tức ngày 22 tháng Chạp trở về trước và ngày 29, 30 tháng Chạp) còn vé đi tất cả các ga; các ngày từ 2/2 đến 7/2/2024 (tức ngày 23 đến 28 tháng Chạp) còn ít vé.

Sau Tết, từ ngày 15/2 đến 17/2 (tức ngày 6 đến ngày 8 tháng Giêng) còn ít vé; các ngày khác còn nhiều vé đi tất cả các ga.

Hiện đường sắt đang áp dụng nhiều chính sách ưu đãi giá vé để hỗ trợ hành khách đi tàu: giảm giá cho các đối tượng chính sách xã hội, công đoàn, hành khách có thẻ khách hàng; giảm 3% giá vé cho các đoàn tàu xuất phát tại ga Sài Gòn ngày 8/2/2024 (tức ngày 29 tháng Chạp) và đi từ 1.000km trở lên; Giảm 5% giá vé lượt về cho hành khách mua vé khứ hồi. Đặc biệt sinh viên sẽ được giảm từ 10-20% giá vé tùy theo ngày đi tàu.

Trước đó, Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cũng cho biết đã bổ sung lần thứ nhất thêm 3.000 chỗ đi từ ga Sài Gòn, Dĩ An, Biên Hòa đến các ga từ Quảng Ngãi đến Hà Nội và ngược lại trong các ngày cao điểm Tết Giáp Thìn 2024 từ 31/1 đến 19/2/2024 (từ ngày 21 tháng Chạp đến ngày 10 tháng Giêng). Vé đã được mở bán từ 14 giờ ngày 26/12/2023.

Cảnh giác khi mua vé tàu qua trung gian

Theo Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, những năm gần đây, vào những dịp lễ, Tết, trên các trang mạng xã hội xuất hiện hiện tượng bán lại vé tàu, hoặc giả làm nhân viên đại lý, nhân viên đường sắt nhận tiền mua vé của khách rồi sau đó cắt liên lạc. Do vậy, ngành đường sắt khuyến cáo, hành khách không nên mua vé tàu được rao bán trên mạng xã hội.

Ngoài ra, trên mạng xã hội xuất hiện một số website bán vé tàu giống tên miền website của ngành đường sắt. Do vậy, nhiều hành khách, đặc biệt là khách nước ngoài đã hiểu nhầm website đó là của ngành đường sắt và mua vé với giá cao hơn so với quy định.

Hành khách chỉ được vào ga và đi tàu trong trường hợp thông tin trên giấy tờ tùy thân trùng khớp với thông tin trên Thẻ lên tàu. Ảnh: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Hành khách chỉ được vào ga và đi tàu trong trường hợp thông tin trên giấy tờ tùy thân trùng khớp với thông tin trên Thẻ lên tàu. Ảnh: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Để bảo đảm quyền lợi, hành khách không nên mua vé qua các đối tượng trung gian "cò mồi, chợ đen", mạo danh nhân viên đường sắt, tránh tình trạng mua phải vé giả, vé không đúng thông tin, vé bị cạo sửa giá vé, ngày đi tàu.

Người dân có thể kiểm tra lại vé điện tử của mình trên website bán vé của đường sắt và mua vé tàu cá nhân qua các kênh: website https://dsvn.vn/, https://vetau.com.vn/, http://giare.vetau.vn/; tại các nhà ga, các điểm bán vé và đại lý bán vé thuộc đường sắt Việt Nam; ứng dụng ví điện tử Momo, VNPay, ZaloPay, ViettelPay, ứng dụng bán vé tàu trên thiết bị di động; Tổng đài bán vé thành phố Hồ Chí Minh 19001520, Hà Nội 19000109…

Ngành đường sắt sẽ tổ chức kiểm soát Thẻ lên tàu và giấy tờ tùy thân của hành khách tại cửa vào ga và cửa toa tàu. Hành khách chỉ được vào ga và đi tàu trong trường hợp thông tin trên giấy tờ tùy thân của hành khách trùng khớp với thông tin trên Thẻ lên tàu, bao gồm họ và tên, số căn cước công dân/chứng minh nhân dân/giấy khai sinh/hộ chiếu.

Từ 1/1/2024, người mua vé, hành khách đi tàu có trách nhiệm cung cấp giấy tờ tùy thân

Quy định mới về vận tải đường sắt được thực hiện theo Quyết định số 697/QĐ-VTHN về việc ban hành Quy định vận tải hành khách trên đường sắt quốc gia của Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội.

Từ 1/1/2024, đường sắt áp dụng các quy định mới về vận chuyển hành khách. Cụ thể, khi mua vé và đi tàu, người mua vé, hành khách có trách nhiệm cung cấp giấy tờ tùy thân hoặc các giấy tờ khác có đầy đủ các thông tin cá nhân được pháp luật công nhận.

Theo đó, đối với hành khách mang quốc tịch nước ngoài gồm: Hộ chiếu hoặc công hàm của cơ quan ngoại giao, lãnh sự xác nhận nhân thân của hành khách, có dán ảnh, đóng dấu giáp lai và đơn giải trình mất hộ chiếu của hành khách có xác nhận của công an địa phương.

Đối với hành khách mang quốc tịch Việt Nam, hành khách trên 14 tuổi (gọi tắt là người lớn) bao gồm: Hộ chiếu; Giấy chứng minh nhân dân; Căn cước công dân; Giấy chứng minh, chứng nhận của các lực lượng vũ trang; Thẻ đại biểu Quốc hội; Thẻ nhà báo; Thẻ đảng viên; Thẻ đoàn viên; Giấy phép lái xe ô tô, mô tô. Trường hợp hành khách chưa có hoặc làm mất chứng minh nhân dân/căn cước công dân, hành khách phải có giấy xác nhận nhân thân có dán ảnh và đóng dấu giáp lai của công an địa phương nơi cư trú.

Hành khách từ đủ 14 tuổi trở xuống (gọi tắt là trẻ em) bao gồm: Hộ chiếu; Bản sao giấy khai sinh; Giấy xác nhận của tổ chức xã hội đối với trẻ em do tổ chức xã hội đang nuôi dưỡng, chỉ có giá trị sử dụng trong thời gian 6 tháng kể từ ngày xác nhận.

Khi hành khách mua vé tàu trực tuyến trên trang web hoặc qua ứng dụng di động, phải khai báo chính xác thông tin cá nhân phù hợp với giấy tờ tùy thân và thông tin lấy hóa đơn điện tử (nếu có nhu cầu lấy hóa đơn) để làm cơ sở xác định tính sở hữu vé hành khách đã mua.

Khi hành khách mua vé trực tiếp tại cửa bán vé tại các ga đường sắt, tại các đại lý bán vé tàu hỏa (không áp dụng cho vé đi ngay không ghi thông tin cá nhân trên thẻ lên tàu), cần cung cấp họ tên và số hiệu giấy tờ tùy thân có ảnh được pháp luật công nhận khi được mua vé giảm giá.

Đối với trẻ em, cung cấp họ tên và ngày tháng năm sinh của trẻ em, đồng thời bắt buộc cung cấp thêm thông tin của người lớn đi cùng hành trình.

Đối với người mua vé hộ, cần cung cấp thông tin của người mua vé và kê khai thông tin người đi tàu như quy định.

Khi đi tàu, hành khách phải mang theo giấy tờ tùy thân và các giấy tờ có liên quan có thông tin trùng khớp với thông tin in trên Thẻ lên tàu hỏa để xuất trình cho nhân viên đường sắt khi có yêu cầu.

Trường hợp khách không có vé (khi phát hiện trên tàu hoặc tại ga đến) hoặc vé không hợp lệ sẽ phải mua mới để được đi tàu.

Người đi tàu sử dụng vé không hợp lệ được coi là đi tàu không có vé và phải mua vé mới. Vé không hợp lệ là vé mà người đi tàu sử dụng trong các trường hợp sau:

- Thông tin trên Thẻ lên tàu hỏa không trùng khớp với thông tin trên giấy tờ tùy thân của người đi tàu;

- Thông tin trên Thẻ lên tàu hỏa trùng khớp với thông tin trên giấy tờ tùy thân của người đi tàu nhưng không trùng khớp hoặc không tồn tại trên hệ thống bán vé điện tử;

- Thẻ lên tàu hỏa đã bị tẩy xóa, sửa chữa và các thông tin trên hệ thống bán vé điện tử không trùng khớp với thông tin trên giấy tờ tùy thân của người đi tàu;

- Số hiệu đoàn tàu hoặc ngày, tháng ghi trên Thẻ lên tàu hỏa không đúng với đoàn tàu hành khách cần đi.

Tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn đường sắt dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân năm 2024

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải về đảm bảo trật tự, An toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân Giáp Thìn 2024, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc và người đại diện phần vốn góp của Tổng công ty tại các doanh nghiệp cổ phần tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp lễ.

Theo đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Công điện của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam còn hiệu lực liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường sắt; tăng cường thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn.

Trong đó, các chi nhánh khai thác đường sắt tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất để kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật, quy chuẩn, quy trình tác nghiệp và nồng độ cồn khi lên ban của các chức danh trực tiếp làm công tác chạy tàu để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đảm bảo an ninh an toàn, tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy; phối hợp tốt với các cơ quan chức năng địa phương nơi có đường sắt đi qua làm tốt công tác an ninh, trật tự, phòng, chống nạn cò mồi, phe vé, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trên tàu, dưới ga.

Các công ty Cổ phần Vận tải chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm quy trình, quy định trong sửa chữa, chỉnh bị toa xe đảm bảo chất lượng, số lượng xe đưa ra vận dụng theo kế hoạch. Duy trì bộ phận ứng trực, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực để sẵn sàng ứng cứu, khôi phục giao thông vận tải đường sắt nhanh nhất khi có tai nạn, sự cố thiên tai xảy ra...

Hồng Ngọc

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/duong-sat-tang-chuyen-dip-tet-nguyen-dan-2024-canh-bao-nguoi-dan-khong-mua-ve-tau-qua-co-moi-cho-den-17924010416342646.htm