Đường sắt đô thị, 'xương sống' của giao thông công cộng

Phát triển theo hệ thống giao thông công cộng (TOD) là mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm. Mô hình này nhằm mục đích giảm thiểu nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng và tạo ra các khu đô thị bền vững, thân thiện với môi trường. Hiện nay mô hình TOD với đường sắt đô thị là trung tâm đang được áp dụng ở nhiều thành phố lớn trên thế giới như: Bắc Kinh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật bản), vùng Ile De France của Pháp mang lại những kết quả tích cực.

Nhật Bản là quốc gia phát triển sớm và thành công mô hình TOD dựa trên đường sắt đô thị từ đầu thế kỷ 20. Nước này có mạng lưới đường sắt đô thị bao phủ toàn quốc, từ thành thị tới nông thôn trang thiết bị đồng đều và vẫn đang tiếp tục được mở rộng đem lại thuận lợi cho người dân. Vùng thủ đô Tokyo của Nhật Bản với khoảng 38 triệu dân có một mạng lưới gần 900 nhà ga và vận chuyển tới hơn 40 triệu lượt khách mỗi ngày trên 120 tuyến đường sắt trong vùng.

Việc chuyển tiếp giữa giữa các loại tàu chậm, tàu nhanh, tàu cao tốc và kết nối đa phương tiện là điểm nổi bật của hệ thống giao thông công cộng ở Tokyo. Song hành và tích hợp vào mạng lưới giao thông công cộng là các tiện ích đô thị như thương mại, văn phòng, giải trí, nhà ở, tiện ích cảnh quan và không gian công cộng. Để có được mạng lưới đường sắt và cơ sở hạ tầng liên quan như hiện nay, vùng Tokyo đã trải qua 8 lần thay đổi quy hoạch trong 90 năm, kể từ năm 1925.

Bài học của Nhật Bản trong hơn một thế kỷ qua cho thấy đường sắt đô thị giúp tối ưu hóa hiệu suất sử dụng đất, nâng cao tiện nghi và sự thuận tiện, giảm kẹt xe và phát thải, tiết kiệm thời gian, đẩy giá trị bất động sản lên cao. Ngoài ra các công ty thu lợi khổng lồ từ hoạt động thương mại quanh các nhà ga.

Nhật Bản là quốc gia phát triển sớm và thành công mô hình TOD dựa trên đường sắt đô thị từ đầu thế kỷ 20

Tại Trung Quốc, hệ thống đường sắt đô thị phục vụ khu vực thủ đô Bắc Kinh hiện có tổng cộng 27 tuyến hoạt động, trong đó tàu điện ngầm, tàu đệm từ tốc độ trung bình và thấp, xe điện hiện đại, tạo thành hệ thống đường sắt đô thị bao phủ 12 quận nội thành ở Bắc Kinh và thành phố Lang Phường, tỉnh Hà Bắc. Tổng chiều dài đường sắt tại Bắc Kinh là 836 km với 490 nhà ga. Việc quy hoạch đường sắt đô thị Bắc Kinh bắt đầu vào năm 1953, tận dụng toàn diện không gian dưới lòng đất, trên mặt đất và trên cao, giúp tạo ra các vòng giao thông hiệu quả và thúc đẩy sự gắn kết giữa các nhà ga và đô thị. Ước tính đến cuối năm 2025 tổng quãng đường hoạt động của tàu điện ngầm Bắc Kinh sẽ đạt 1.000 km.

Tổng chiều dài đường sắt tại Bắc Kinh là 836 km với 490 nhà ga.

Singapore có hệ thống giao thông cộng cộng lớn nhất và hiệu quả nhất thế giới, trong đó hệ thống đường sắt đô thị ra đời sớm thứ hai ở Đông Nam Á. Hệ thống đường sắt đô thị cao tốc MRT được xây từ những năm 1980 sau nhiều tranh cãi về giao thông đại chúng. Tuy nhiên kết quả cho thấy hệ thống này đã đảm đương vai trò xương sống của hệ thống giao thông công cộng của Singapore. Hiện tại, hệ thống MRT Singapore đang có 84 ga đang hoạt động, toàn hệ thống đường sắt đô thị dài 130km, mỗi ngày vận chuyển hai triệu lượt khách.

Singapore có hệ thống giao thông cộng cộng lớn nhất và hiệu quả nhất thế giới

Nhiều nước châu Âu cũng áp dụng mô hình phát triển TOD đường sắt. Vùng thủ đô Paris của nước Pháp có hệ thống giao thông với rất nhiều loại phương tiện công cộng, như tàu điện ngầm Metro, hệ thống tàu địa phương, tàu điện, xe buýt. Hệ thống đường sắt đô thị Paris Metro được xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ 20. Nó không chỉ đơn thuần là nhà ga, bến tàu mà còn là những mê cung dưới lòng đất với các công trình lịch sử, bảo tàng, triển lãm. Tàu điện ngầm Paris gồm 16 tuyến với tổng chiều dài hơn 200km, hàng năm có cả trăm triệu lượt người sử dụng. Các tuyến tàu điện mới sẽ giúp giảm tắc nghẽn đường bộ, lượng khí thải carbon và ô nhiễm đô thị liên quan đến việc di chuyển bằng ô tô tại vùng Thủ đô đông đúc.

Theo nghiên cứu từ các chuyên gia, việc xây dựng mô hình TOD được coi là chìa khóa hữu hiệu giải quyết các vấn đề về giao thông đô thị. Trong bối cảnh phát triển mới, việc xây dựng TOD đường sắt đô thị cần tập trung điều chỉnh chức năng đất đai, nâng cấp và tối ưu hóa các công trình dịch vụ hỗ trợ, xây dựng hệ thống giao thông chậm, không chỉ vươn tới với các khu đô thị mới mà còn kết nối với cả các khu đô thị cũ để tạo sự phát triển đồng đều giữa các khu vực.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/duong-sat-do-thi-xuong-song-cua-giao-thong-cong-cong-214179.htm