Đường sắt đô thị mất mỹ quan, thiếu an toàn?

- Xung quanh việc Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng (HĐNTNN) nhận định tuyến ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông mất mỹ quan và thiếu an toàn, ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt – Chủ đầu tư dự án (Bộ GTVT) cho biết: “Nhận định như vậy một phần vì chưa được thông tin đầy đủ về dự án cũng như những giải thích đầy đủ về các điều kiện triển khai”.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) chính thức được khởi công ngày 10/10 vừa qua.

Nhưng chỉ ít ngày trước đó, kiểm tra hiện trường công trình đường sắt trên cao, HĐNTNN các công trình xây dựng đã nhận định: Công trình có nguy cơ mất mỹ quan đô thị, không thực sự an toàn nếu xảy ra sự cố trật bánh. Ngoài ra, dự án cũng chưa có được chỉ dẫn kỹ thuật.

HĐNTNN nhận định tuyến ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông mất mỹ quan và thiếu an toàn. Ảnh: VNN

Xung quanh về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Doanh đã có cuộc trao đổi với báo giới:

- Vừa qua HĐNTNN nhận định tuyến ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông mất mỹ quan và thiếu an toàn. Ông nghĩ sao về nhận định này?

Nhận định như vậy một phần vì chưa được thông tin đầy đủ về dự án cũng như những giải thích đầy đủ về các điều kiện triển khai.

Với những vấn đề HĐNTNN nêu ra chính xác, chúng tôi sẽ có biện pháp khắc phục, với những vấn đề chưa hợp lý chúng tôi sẽ có văn bản giải trình.

- HĐNTNN cho rằng, tuy đã triển khai nhưng dự án vẫn chưa có chỉ dẫn kỹ thuật theo quy định?

Khi kiểm tra công trình HĐNTNN đã lấy quyết định 25 của Bộ GTVT ra đối chiếu. Theo quy định này, Bộ GTVT yêu cầu, từng gói thầu, dự án đều phải viết một chỉ dẫn kỹ thuật riêng.

Nhưng với dự án ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc thi công nên dự án được thực hiện theo bộ quy chuẩn cho hệ thống tàu điện ngầm của nước bạn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã yêu cầu nhà thầu, đối với loại công việc gì mà chưa có trong bộ quy chuẩn này thì nhất thiết phải viết chỉ dẫn kỹ thuật.

- Xin ông cho biết, những khó khăn kỹ thuật gặp phải trong quá trình thi công dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông?

Vấn đề đầu tiên mà dự án ĐSĐT đang gặp phải là vướng mắc trong công nghệ mới. Nguồn nhân lực, lao động của Việt Nam chưa có sự chuẩn bị trước về công nghệ nên khi bắt tay vào làm thì còn nhiều lúng túng.

Đây cũng là đặc thù chung cho các dự án ĐSĐT trên cả nước. Vì cũng giống như khi làm nhà, nếu mình chưa hình dung được là có gì và sẽ làm gì thì sẽ rất khó triển khai.

Thứ hai, đây là một dự án với công nghệ mới ở nước ta. Do đó khâu thiết kế kĩ thuật cần phải rất chi tiết, dữ liệu đầu vào phải đủ, như thủy văn, kiến trúc, địa chất, môi trường.

Tất cả những yếu tố sẽ ràng buộc các quy định về kết cấu và an toàn, môi trường… Trong khi đó, các quy định này của nước ta và các nhà tài trợ lại không giống nhau.

Nhà đầu tư muốn mang được quy định này vào Việt Nam thì đều phải thông qua các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, phải dịch, trình các cơ quan góp ý để đi đến chấp thuận các tiêu chuẩn an ninh, cháy nổ, xử lý đất yếu…

Những quy định không hợp giữa 2 quy phạm thì phải giải quyết cho hợp thức hóa để đủ cơ sở pháp lý phê duyệt. Đây là thể hiện chủ quyền quốc gia.

Ngoài ra, để có số liệu đầu vào thì phải có mặt bằng khảo sát. Bởi, nếu không có số liệu đầu vào thì không thể có thiết kế chuẩn.

Chúng ta không thể khẳng định được tải trọng như thế nào, cột ma sát, chiều dài chiều sâu cọc móng ra sao thì không thể phê duyệt được thiết kế kĩ thuật. Đó là lý do vì sao thiết kế kĩ thuật lâu như thế.

Ví như tuyến Nguyễn Trãi mặc dù là mặt bằng công cộng nhưng vẫn phải làm rất nhiều thủ tục hành chính để thực hiện từng mũi khoan khảo sát. Trong khi đó, khó khăn nhất là đoạn tuyến đi qua nhà dân, đất của tư nhân thì khó thực hiện, kể cả các ruộng lúa dưới Hà Đông cũng rất khó khăn.

- Ngoài những khó khăn về yếu tố kỹ thuật, dự án có vấp phải sự phản đối của người dân trong khâu mặt bằng?

Thực ra trong hợp đồng chúng tôi chỉ có 36 tháng thi công, cộng cả thời gian thiết kế và chạy thử thì chúng tôi có 48 tháng. Đấy là trường hợp có mặt bằng sạch. Còn nếu không thì không thể làm trong 48 tháng được. Giải phóng mặt bằng là bài toán muôn thủa vì nó đụng đến nhà dân, công trình.

Trước đây khối lượng giải phóng mặt bằng rất lớn do các chân vịt của các ga ảnh hưởng đến nhà dân. Nhưng sau khi thảo luận với Thành phố, các quận huyện và trình Bộ GTVT thu chân vịt đó lại, để xòe ra ép vào các vỉa hè để giảm tối thiểu tác động đến nhà dân.

Để tạo được sự đồng thuận trong nhà dân là rất khó. Tuy nhiên, tại môt số vỉa hè quá bé thì vẫn phải giải tỏa, như đường Láng thì không có vỉa hè nên phải làm thôi. Một số các đường góc cua cũng phải giải tỏa, trong đó lớn nhất giải phóng mặt bằng ở các đoạn Cát Linh, đường Láng-kênh Hào Nam, đầu Ngã Tư Sở.

Tuy nhiên, nhìn chung hiện nay tiến độ giải phóng mặt bằng là tương đối tốt, vì việc xây trụ chủ yếu làm ở các giải phân cách nên vẫn chưa đụng đến nhà dân. Các khu đề pô cũng lấy gần hết đất cần thiết, chỉ còn 26 hộ chưa được địa phương xử lý các chính sách cho họ, nhưng về cơ bản là xong. Chúng tôi sẽ xử lý nền đất yếu để tiến hành làm trung tâm điều hành.

Theo chương trình của TP Hà Nội thì khoảng giữa tháng 6/2012 thì sẽ kết thúc giải phóng mặt bằng. Trong lúc này thì trên các đường trục, giải phân cách, giải quyết xong công trình đến đâu chúng tôi chồng cột đến đấy để giảm thời gian thi công.

Cuối năm nay sẽ phấn đấu xong 35 trụ và bóc xong toàn bộ đất hữu cơ của khu đề pô và gia tải xử lý nền đất yếu. Sau khi chồng hết trụ thì cho sản xuất dầm trong đêpô, lắp ray rồi lắp khu điều khiển.

- Với tiến độ và thời gian lâu như vậy, dự án chắc chắn sẽ bị trượt giá?

Với tiến độ như vậy thì chúng tôi đặt mục tiêu 6/2015, và có thể rút ngắn thời gian khai thác vào 10/10/2014. Đây là một dự án có vốn lớn, được phê duyệt là 8.700 tỷ đồng. Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông do Trung Quốc tài trợ, thời giá lúc phê duyệt là đủ nhưng sẽ không tránh khỏi việc trượt giá vì thi công trong thời gian dài.

Tuy nhiên cũng không thể vì cố gắng rút ngắn tiến độ mà giảm chất lượng, an toàn công trình là không được. Chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán với nhà tài trợ về giá do những phát sinh từ trượt giá, từ khối lượng công việc và tất cả đều phải xử lý trong quá trình đàm phán, cũng như các thủ tục, cơ chế về tài chính trong nưóc, với các nhà tài trợ.

Xin cảm ơn ông!

Tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) có tổng trị giá hơn 8.700 tỷ đồng được HĐNTNN nhận định là gây ôn ào, thiếu an toàn và phá vỡ cảnh quan.

Cụ thể, HĐNTNN kết luận, dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) vẫn chưa lập Chỉ dẫn kỹ thuật: “Theo quy định, Chỉ dẫn kỹ thuật của từng gói thầu hoặc toàn dự án là một tài liệu bắt buộc phải được chủ đầu tư (Bộ GTVT) thẩm định và phê duyệt trước khi thi công. Như vậy việc tổng thầu EPC là công ty Hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc chưa lập tài liệu này trình chủ đầu tư là không đúng quy định”.

Chiều cao của tuyến ĐSĐT gấp khoảng hai lần nhà dân có thể sẽ gây ra bức xúc cho không gian đô thị trong giai đoạn khai thác, phá vỡ cảnh quan, gây ồn ào và không an toàn”, HĐNTNN nhận định.

Không chỉ chủ đầu tư mà cả tư vấn giám sát và các nhà thầu thực hiện chưa tốt.

Gia Văn – Q.Dũng

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/46477/duong-sat-do-thi-mat-my-quan--thieu-an-toan-.html