Đường nội 'gồng mình' cạnh tranh trên sân nhà

Trong những năm qua, các doanh nghiệp (DN) sản xuất đường trong nước gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất cao và phải chịu cạnh tranh khốc liệt với các loại đường ngoại nhập giá rẻ.

Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm đường nội tại một cửa hàng bách hóa ở xã Vĩnh Thanh (H.Nhơn Trạch). Ảnh: H.Hà

Theo ghi nhận của phóng viên, trên thị trường hiện nay, nhất là ở các chợ truyền thống và các điểm bán lẻ, đường trong nước phải cạnh tranh khốc liệt với các loại đường nhập khẩu, nhất là các loại đường có xuất xứ từ Thái Lan.

* Chịu sức ép lớn

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), đầu năm 2023, nguồn cung đường lại tăng vọt với sự xuất hiện đồng thời nhiều nguồn đường. Đường vụ cũ vẫn còn và đường của vụ mới 2022-2023 đã đưa ra thị trường nhưng không dễ cạnh tranh được với đường có nguồn gốc nhập khẩu.

VSSA dự tính tổng các nguồn cung đường trong nước năm 2022 gần 2,8 triệu tấn, lớn hơn nhiều so với tổng cầu vào khoảng 2,1-2,3 triệu tấn. Tình trạng thừa cung sẽ tiếp diễn sang các tháng đầu năm 2023, vì quý I-2023 là thời điểm chính vụ ép mía 2022-2023, trong khi các nguồn cung đường có nguồn gốc nhập khẩu vẫn đang tiếp tục đưa đường vào thị trường.

Điều này sẽ làm tăng sự mất cân đối cung - cầu, khiến cho việc tiêu thụ đường sản xuất từ mía càng thêm khó khăn, có thể dẫn đến phải tồn kho đường từ mía hoặc giảm giá bán đường dưới giá thành để có tiền thanh toán tiền mía hoặc giảm giá mua mía của nông dân. Ngoài ra, giá đường tại thị trường Việt Nam những tháng đầu năm 2023 sẽ tiếp tục chịu sức ép lớn từ đường nhập khẩu chính ngạch và đường nhập lậu.

Khảo sát tại các chợ truyền thống, sạp hàng bán lẻ, hiện các loại đường ngoại nhập giá rẻ phần lớn được bán dạng sỉ theo bao với số lượng lớn thường được các quán ăn, quán nước, cà phê... đặt mua nhiều bởi giá “mềm” hơn.

Bà Ninh Thị Huệ, chủ một sạp tạp hóa tại chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) cho hay, hiện giá các loại đường nội và các loại đường bao khá cạnh tranh; đường Biên Hòa giá khoảng 24-25 ngàn đồng/kg, đường bao khoảng 20 ngàn đồng/kg. Mỗi loại đường có những đối tượng người mua riêng, thường các loại đường bao sẽ được bán sỉ, trong khi người tiêu dùng vẫn thường chọn các loại đường nội.

Bà T.Đ. (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho biết, bà kinh doanh một quán nước tại nhà nên nhu cầu sử dụng các loại đường khá nhiều, từ đường tinh luyện, đường cát trắng nhuyễn, đường phèn cho đến các loại đường lỏng… Hiện tất cả các loại nguyên vật liệu, nhân công, vận chuyển đều tăng giá, do đó ở mỗi khâu, bà đều phải cân đo đong đếm sao cho việc kinh doanh ở mức có lời, trong đó có việc lựa chọn loại đường buôn bán hàng ngày. “Không chỉ riêng tôi mà hầu như các hàng quán ăn uống, chế biến đều chọn mua đường sỉ nhập vì giá thành rẻ mà vẫn rất đậm vị” - bà T.Đ. nói.

* Chủ động các phương án giữ thị phần

Để cạnh tranh với đường ngoại, việc đảm bảo chất lượng, năng suất, đa dạng chủng loại, mẫu mã các loại sản phẩm đường cũng vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, cần phát triển thêm các kênh phân phối, tiêu thụ để các sản phẩm đường trong nước chủ động tiếp cận người tiêu dùng, mở rộng thị phần ngay trên sân nhà.

Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa, kiêm Phó giám đốc Công ty CP Hàng tiêu dùng Biên Hòa (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, TP.Biên Hòa) Lê Văn Tiến cho biết, để nâng cao sức cạnh tranh, giữ thị phần trước sức ép từ các loại đường ngoại nhập, công ty chủ động đa dạng hóa sản phẩm, thêm nhiều dòng sản phẩm, từ các loại đường organic, đường hạt, đường tinh luyện với nhiều phân khúc, trọng lượng với bao bì phù hợp, đến các loại đường phèn, đường tán dành để kho thịt cá, các sản phẩm đường lỏng… Ngoài ra, khoảng 2 năm trở lại đây, công ty còn đẩy mạnh các kênh tiêu thụ trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử như: Lazada, Tiki, Sendo… bên cạnh hệ thống phân phối, đại lý truyền thống của công ty.

“Hiện công ty có 122 nhà phân phối, đại lý và 53 ngàn điểm bán hàng trên cả nước. Với kênh phân phối bán hàng vào siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sản phẩm đường của công ty chiếm khoảng 80% lượng đường trên các quầy kệ” - ông Tiến cho biết thêm.

Giám đốc điều hành Siêu thị Hoàng Đức (TP.Long Khánh) Lê Thanh Nhàn chia sẻ, các sản phẩm đường được bày bán tại siêu thị chủ yếu là các sản phẩm đường trong nước. Chất lượng đường nội ngày càng được nâng cao, mẫu mã, bao bì và các phân khúc trở nên đa dạng hơn với giá cả cạnh tranh, giúp cho nhiều sản phẩm đường nội có được lợi thế cạnh tranh trên các kệ hàng bán lẻ…

Theo VSSA, trong tháng 1-2023, đa số các nhà máy của ngành đường Việt Nam đã vào vụ ép 2022-2023. Sản lượng lũy kế từ đầu vụ đã ép được hơn 1,7 triệu tấn mía và sản xuất được khoảng 163 ngàn tấn đường các loại.

Lam Phương

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202302/duong-noi-gong-minh-canh-tranh-tren-san-nha-3156903/