Đường đi bộ trên sông Hương: Cần giải pháp tổng thể để kích thích du lịch chứ không chỉ là chỗ...chụp ảnh

Tới đây, trên sông Hương phía bờ Nam TP.Huế, một con đường đi bộ dài 380m, phía trên mặt lát gỗ lim, kinh phí gần 64 tỉ đồng sẽ được xây dựng nhằm tạo điểm nhấn, chỗ chơi cho du khách và để thành phố bớt buồn tẻ về đêm.

Khu vực sông Hương được chọn để xây đường đi bộ. Ảnh: Đ.K

Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, trước khi tiến hành thi công vào tháng 7 tới và dự kiến hoàn thành trước tháng 4.2017, dự án thí điểm “ Xây dựng mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía bờ nam sông Hương” sẽ tổ chức trưng bày để người dân tham khảo, cho ý kiến, hoàn tất việc thiết kế. Đây là dự án trong quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) thực hiện với kinh phí tài trợ 6 triệu USD, tổng chiều dài dự án 16 km đoạn từ đồi Vọng Cảnh đến phố cổ Bao Vinh nhằm liên kết khu vực ven sông với cồn Hến và cồn Dã Viên ở bờ nam sông Hương (TP.Huế); kết nối giao thông xuyên suốt từ đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu đến công viên Lý Tự Trọng và tạo điểm nhấn tầm nhìn sang bờ bắc sông Hương.

Dự án do KOICA đề xuất, được tư vấn bởi Cty tư vấn kỹ thuật Dohwa và Viện Nghiên cứu đô thị Han – A (Hàn Quốc), kinh phí gần 64 tỉ đồng, trong đó chi phí đầu tư trên 53 tỉ đồng, 10,6 tỉ đồng dự phòng. Theo phương án đề xuất của KOICA, dự án sẽ đóng cọc bê tông xuống sông Hương đoạn ven bờ Nam, sau đó đổ dầm bê tông, phía trên được lát sàn bằng gỗ lim rộng 4m, gắn lan can bằng vật liệu đồng thau, đồng thiếc hoặc thép mạ đồng. Dự án sẽ tạo một con đường đi bộ trên sông Hương dài 380m, kết nối phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, bắt đầu từ cầu Trường Tiền lên đến khu vực công viên Lý Tự Trọng, đoạn trước BV T.Ư Huế. Trong đó, chia làm 3 không gian với nhiều tổ hợp như bến thuyền, vườn sen, quảng trường tổ chức sự kiện…Ngoài ra, công trình này còn kết hợp thiết kế, bố trí ánh sáng để tạo không gian lung linh về đêm.

Trao đổi với PV Lao Động, TS. Chương Hoàng Phương - Bộ môn Thiết kế - kiến trúc và kỹ thuật, Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Khoa học Huế cho rằng, Huế là địa phương thường xuyên có mưa lụt, công trình lại nằm bên bờ sông Hương nên việc sử dụng vật liệu gỗ sẽ không bền vững. “Gỗ có ưu điểm thân thiện với môi trường, tạo ra cảnh quan, màu sắc phù hợp và thân thiện với môi trường, nhưng chắc chắn sẽ không bền bằng những vật liệu khác. Do đó, cần tính toán đến tuổi thọ để có phương án về kinh phí duy tu, bảo dưỡng. Theo tôi, dự án nên kết hợp các vật liệu bền vững khác nhau để có công trình vừa đáp ứng về mặt thẩm mỹ và có tuổi thọ dài lâu”, ông Phương nói.

Theo ông Đặng Minh Nam - Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh Thừa Thiên – Huế thì trước khi đưa ra phương án chọn gỗ lim lát sàn, nhà tư vấn đã đưa ra các phương án lựa chọn những vật liệu khác nhau để các sở, ban ngành, người dân cho ý kiến. Với phương án lát gỗ, nhà tư vấn thiết kế dự án đã tính toán đến khí hậu khu vực, dự ước tuổi thọ.

Đồng thời có những phương án dự phòng thay thế khi hư hỏng. Tính toán mức độ thiệt hại trong trường hợp lũ lụt từ thượng nguồn đổ về hay lũ do mưa cục bộ tại hạ du. “Khi tỉnh tổ chức lấy ý kiến các ngành thì phía phòng chống lụt bão cũng đã có đóng góp. Thực tế ở Huế trong vài năm trở lại đây rất ít lụt. Hiện Huế có 2 nhà máy thủy điện phía thượng nguồn, nếu điều tiết tốt thì sẽ cắt được lũ nên vấn đề tuổi thọ dự án do lũ lụt sẽ không phải là điều quá lo lắng”, ông Nam nhận định.

Cũng theo ông Nam, vấn đề là phải nhìn ra bài toán tổng thể. “Bây giờ để phát triển du lịch, phát triển các dịch vụ về đêm, làm sao cho khu vực đó sống. Người dân và du khách có đến đây không, họ đến để làm gì hay chỉ đến để chụp vài kiểu ảnh để tung lên Facebook thôi? Cá nhân tôi cho rằng nếu chăm chăm vào đó không thì cũng chưa hay. Dự án này phải tạo nền móng kích thích các khu vực khác để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư vào khác trong quy hoạch tổng thể sông Hương nhằm phát triển kinh tế, du lịch, đó mới là vấn đề cần chú trọng”, ông Nam nói.

Video: Phối cảnh tổng thể rất đẹp con đường đi bộ lát gỗ. Nguồn: VP KOICA tại Huế cung cấp

Phối cảnh đường đi bộ về đêm.

Vào ban ngày.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/duong-di-bo-tren-song-huong-can-giai-phap-tong-the-de-kich-thich-du-lich-chu-khong-chi-la-chochup-anh-540835.bld