Đường dài vẫn rộng mở cho doanh nghiệp ngành tiêu dùng

Khó khăn trong ngắn hạn, 'vượt sóng' ắt hẳn nhiều thách thức, câu chuyện dài hạn vẫn sáng. Đây là dự báo cho những doanh nghiệp lớn ngành tiêu dùng khi bước vào năm 2023, để trong chiến lược của mình vừa thận trọng vừa quyết đoán, có bước đi thích ứng phù hợp.

Mới đây, bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) có đưa dự báo về một doanh nghiệp (DN) Việt hàng đầu trong ngành tiêu dùng là CTCP tập đoàn Masan (MSN) với doanh thu trong năm 2023 sắp tới sẽ đạt 89,3 ngàn tỷ (tăng 14,3% so với năm 2022) và lợi nhuận sau thuế sẽ là 3,9 nghìn tỷ (tăng 14,5%).

Khó khăn chỉ là ngắn hạn

Đáng chú ý, một đơn vị thành viên chủ lực của MSN là CTCP Hàng tiêu dùng Masan được đưa ra kịch bản dự báo vừa phải trong năm 2023. Cụ thể, tăng trưởng mảng gia vị sẽ vào khoảng 5%, thực phẩm tiện lợi là 5%, thịt chế biến là 40%, đồ uống là 10%.

Khó khăn ngắn hạn cho DN ngành tiêu dùng khi bước vào năm 2023 là tình trạng sức mua giảm, người tiêu dùng tiếp tục thắt chặt chi tiêu.

Trong khi đó, ở một đơn vị thành viên khác, chuyên về mảng sản phẩm thịt chế biến là CTCP Masan MeatLife được dự báo tăng trưởng trong mảng thịt heo cho năm 2023 là 43%, mảng thịt gà là 58%.

Riêng với WinCommerce (nhà bán lẻ của Masan), dự báo cho năm 2023 tỏ ra thận trọng với tăng trưởng doanh thu cửa hàng hiện hữu vào khoảng 5%.

Xét về một số yếu tố bất lợi trong ngắn hạn ở ngành tiêu dùng của MSN, có thể thấy rõ nhất là tình trạng người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh sức mua giảm do thất nghiệp, lạm phát, tín dụng thắt chặt và giá cả các loại tài sản tích lũy giảm mạnh.

Đơn cử như WinCommerce có thể phải chịu ảnh hưởng bởi việc người lao động mất việc trở về quê nhiều thì các cửa hàng ở khu vực thành phố lớn cũng có thể chịu ảnh hưởng, do đó chỉ có thể dự báo tăng trưởng nhẹ trong năm tới.

Mặc dù vậy, các nhà phân tích vẫn lạc quan về câu chuyện ngành tiêu dùng của MSN khi phục vụ các nhu cầu chưa được khai phá hoặc chưa được đáp ứng đúng mức của người tiêu dùng thế hệ mới. Bên cạnh đó là sự bùng nổ của đa dạng hóa, tiện lợi hóa, cao cấp hóa sản phẩm. Sự quan tâm ngày một nhiều đến các vấn đề về chất lượng, an toàn sức khỏe. Sự chuyển dịch hành vi mua sắm từ kênh truyền thống sang kênh hiện đại và đa kênh…

Còn ở một diễn biến khác trong các DN lớn ở ngành tiêu dùng, đó là CTCP tập đoàn Kido (KDC) vào hạ tuần tháng 12/2022 quyết định sẽ bán hơn 22 triệu cổ phiếu quỹ cho một công ty nước ngoài chuyên hàng tiêu dùng nhằm giúp Kido đa dạng hóa danh mục sản phẩm trong và ngoài nước, mở ra cơ hội xuất khẩu.

Tại đại hội cổ đông bất thường mới đây, ban lãnh đạo KDC cho biết, sẽ tách hoạt động kinh doanh làm bốn mảng gồm: Dầu ăn, kem, bánh kẹo, gia vị (nước mắm, nước chấm). Mục tiêu giúp công ty liên doanh liên kết với các tập đoàn đa quốc gia theo từng mảng để đưa sản phẩm của công ty không chỉ bành trướng ở thị trường nội địa mà cả quốc tế.

KDC được cho là đang tái cấu trúc mảng dầu ăn. Thị phần của các thương hiệu dầu ăn của DN này vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, khi công ty mở rộng phân khúc sản phẩm và tận dụng mạng lưới phân phối rộng (450.000 điểm bán hàng các sản phẩm đóng gói).

“Vượt sóng” ắt hẳn nhiều thách thức

Giới phân tích dự báo trong năm 2023 tăng trưởng doanh thu của mảng dầu ăn của Kido tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2022, do chuyển dịch cơ cấu từ từ các sản phẩm phân khúc trung bình sang các sản phẩm phân khúc cao cấp. Ngoài ra, KDC sẽ đạt mức tăng trưởng 6,7% về doanh thu bán kem vào năm 2023, do thị trường kem hiện trở lại mức bình thường.

Vào năm 2023, tăng trưởng lợi nhuận gộp của mảng dầu ăn và thực phẩm đông lạnh của KDC được dự báo lần lượt là 18,4% (năm 2022 là 15%) và 58% (năm 2022 là 59%). Biên chi phí bán hàng (tỷ lệ chi phí bán hàng trên doanh thu) dự kiến sẽ tăng lên 13,2% vào năm 2023 (năm 2022 là 11,8%) do sự gia tăng bán hàng qua các kênh hiện đại.

Ngoài ra, một động thái đáng chú ý của KDC là đã thông qua quyết định thoái vốn khỏi Chuk Tea & Coffee (tiền thân là Chuk Chuk) thuộc CTCP đầu tư thương mại TTV. Điều này làm dư luận bất ngờ vì KDC từng đặt rất nhiều kỳ vọng vào chuỗi cửa hàng này với mục tiêu đến năm 2025, có khoảng 1.000 cửa hàng với doanh thu trên 7.800 tỷ đồng, thế nhưng dường như hiện tai hoạt động của chuỗi này chưa mang lại tác động tích cực.

Với ngành tiêu dùng khi bước vào năm 2023, theo đánh giá gần đây của bộ phận phân tích Công ty chứng khoán VnDirect, tiến trình “vượt sóng” ắt hẳn sẽ còn nhiều thách thức, chuẩn bị cho giai đoạn hầu bao thắt chặt. Tình trạng suy thoái này có thể kéo dài đến Quý 3/2023 khi lãi suất dự kiến sẽ giảm và việc tăng lương tối thiểu sẽ tạo ra một động lực nhẹ cho tiêu dùng hàng hóa.

Hơn nữa, trước diễn biến thị trường hiện tại và trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế, việc mở rộng kinh doanh của một số DN lớn trong ngành hàng tiêu dùng và bán lẻ đang thận trọng dừng lại hoặc giảm tốc.

Tuy vậy, với các DN trong mảng tiêu dùng xa xỉ vẫn có thể lạc quan trong năm tới nhờ sự gia tăng của tầng lớp người dân thu nhập cao ngày càng có nhu cầu lớn hơn đối với các mặt hàng xa xỉ.

Thông thường, những tầng lớp giàu có thường là nhóm cuối cùng cảm nhận được tác động tiêu cực vào tiêu dùng do quy mô tài sản nắm giữ của họ thường rất lớn. Do đó, các công ty tiêu dùng có các mảng kinh doanh với phân khúc cao cấp có thể gặp ít rủi ro hơn từ việc cắt giảm hầu bao.

Nhìn chung, với các DN trong ngành tiêu dùng thì những khó khăn hiện tại chỉ là ngắn hạn, còn xét về câu chuyện dài hạn sẽ vẫn tươi sáng nhờ những triển vọng và dư địa lớn trên thị trường. Điều quan trọng là họ cần tránh các rủi ro tối đa, vừa thận trọng vừa quyết đoán, có chiến lược thích ứng phù hợp trước tình hình mới.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/duong-dai-van-rong-mo-cho-doanh-nghiep-nganh-tieu-dung-1090215.html