Đường dài nào cho xuất khẩu ngành hàng chủ lực thoát khỏi những 'cơn sóng' gập ghềnh?

Hoạt động xuất khẩu của các ngành hàng chủ lực như thủy sản, đồ gỗ, dệt may cho năm 2024 sắp đến liệu sẽ như thế nào vẫn đang là một dấu hỏi lớn trước những thách thức, rủi ro khó đoán định. Điều quan trọng là doanh nghiệp trong các ngành hàng này cần có hướng đi đường dài để thoát khỏi những 'cơn sóng' gập ghềnh trong tương lai.

Mới đây, dựa trên cơ sở phân tích dự báo và đánh giá nhận diện những thuận lợi, khó khăn trong năm 2024, Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã đặt mục tiêu xuất khẩu (XK) thủy sản trong năm 2024 sẽ đạt 9,5 tỷ USD, tăng 3% so với ước thực hiện năm 2023.

Tiếp tục đối mặt thách thức

Tuy nhiên, trong năm tới, Cục thủy sản có lưu ý nhu cầu nhập khẩu chưa có dấu hiệu hồi phục, sự cạnh tranh mạnh mẽ của các thị trường và lượng tồn kho của các doanh nghiệp (DN) chế biến, XK.

Mục tiêu đặtra cho ngành thủy sản trong năm 2024 là đạt kim ngạch xuất khẩu 9,5 tỷ USD, tăng 3% so với ước thực hiện năm 2023.

Trong khi đó, với ngành đồ gỗ, đến hạ tuần tháng 12/2023 vẫn chưa đưa ra mục tiêu cụ thể về khả năng đạt kim ngạch XK trong năm tới. Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản (Viforest), năm 2024 vẫn nằm trong thế có nhiều bất ổn, tiềm ẩn một số khó khăn cho ngành dù cho thị trường hiện đã có một số dấu hiệu hồi phục.

Còn với ngành dệt may, với dự báo về sự “ấm dần” của thị trường cùng hy vọng phục hồi, mục tiêu đặt ra cho năm 2024 là đạt kim ngạch XK 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023.

Mặc dù đặt ra con số tăng trưởng như vậy năm 2024, ngành dệt may được cho là vẫn sẽ phải tiếp tục đối mặt những vấn đề thách thức như: Đơn hàng XK còn giảm, dù đang bớt đi. Chuỗi cung ứng còn rủi ro, chi phí đầu vào còn cao; rủi ro nghĩa vụ trả nợ còn cao. Rủi ro lãi suất, tỷ giá giảm. Xu hướng chuyển đổi số, xu hướng xanh hóa, kinh doanh tuần hoàn diễn ra nhanh…

Để chuẩn bị cho giai đoạn thị trường phục hồi, các DN dệt may đang nỗ lực cắt giảm chi phí sản xuất, bằng mọi cách giữ chân lực lượng lao động. Việc này không chỉ chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi đơn hàng mà còn để khẳng định tính ổn định của nền sản xuất trong nước như một yếu tố cạnh tranh với các quốc gia khác.

Theo giới chuyên gia, hoạt động XK của các ngành hàng chủ lực như thủy sản, đồ gỗ, dệt may trong năm 2024 sẽ vẫn khó đoán định và không ít những “cơn sóng” gập ghềnh. Điều này đòi hỏi các DN trong những lĩnh vực này cần phải có hướng đường dài, trước hết là đáp ứng yêu cầu đặt ra từ thị trường nhập khẩu, sau đó là cần có những điều chỉnh thích hợp, phát triển hiệu quả, bền vững.

Như với XK cá tra trong ngành thủy sản với mục tiêu XK trong năm 2024 là 2 tỷ USD, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, đã lưu ý cần phải điều chỉnh, thay đổi trong quản lý nhà nước, cơ chế chính sách, trong điều hành sản xuất, xúc tiến thương mại, điều chỉnh thay đổi cơ cấu về thị trường.

Theo ông Tiến, ngành hàng cá tra cần tiếp tục nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng trong quá trình sản xuất cá tra, từ thu hoạch, sơ chế, chế biến, tận dụng các phụ phẩm như đầu, xương, tiết…nhằm nâng cao sức cạnh tranh.

Ngổn ngang nhiều việc phải làm

Ngoài ra, với XK thủy sản nói chung, để mở rộng thị trường XK cho các sản phẩm thủy sản khai thác (cá ngừ, cá kiếm, mực, bạch tuộc), ông Vũ Duyên Hải – Trưởng phòng Khai thác thủy sản thuộc Cục Thủy sản, cho biết sẽ cần xây dựng áp dụng đánh giá theo các tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế (FIT, MSC).

Mặt khác, trong trong Quý I/2024 cần tập trung giải quyết dứt điểm những khuyến nghị của EC liên quan đến công tác quản lý đội tàu khai thác. Bên cạnh đó, tiếp tục điều chỉnh giảm dần sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng và triển khai mạnh các giải pháp để tăng giá trị đối với cả sản lượng nuôi và khai thác, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, cũng chỉ ra rằng xu thế chung của thế giới là phát triển xanh, giảm phát thải trong nuôi trồng thủy sản là xu thế tất yếu không thể đảo ngược. Cho nên, muốn phát triển bền vững trong ngành hàng này đòi hỏi cần có giải pháp bắt kịp với xu thế phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải.

Riêng với hoạt động XK đồ gỗ cho năm 2024, ông Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh nên tập trung vào nhiều vấn đề trọng tâm, trong đó đẩy mạnh thị trường, coi đây là một trong hai chân trụ của DN (hạ tầng sản xuất, thị trường) theo hướng phát triển bền vững. Nếu không xây dựng tốt thị trường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh số XK đồ gỗ trong năm 2024. Đặc biệt là trong quý 1/2024, công tác thị trường phải đẩy lên hàng đầu, coi đây là mục tiêu số 1.

Cũng theo ông Lập, trong năm tới, ngành gỗ cần giảm thiểu nhập khẩu gỗ rừng tự nhiên (mỗi năm bình quân Việt Nam nhập khẩu khoảng 1-1,3 triệu mét khối gỗ rừng tự nhiên ở các khu vực có rủi ro cao như Campuchia, Châu Phi) và đẩy mạnh sử dụng gỗ rừng trồng trong nước. Ngoài ra, để tạo ra sức cạnh tranh thì các DN sản xuất cần giảm phát thải gắn liền với chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản trị, ứng dụng công nghệ, đầu tư đổi mới trang thiết bị để nâng cao giá trị gia tăng.

Đối với mục tiêu của XK dệt may trong năm 2024, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) có lời khuyên là cần chủ động nguồn nguyên liệu xanh, tái chế, tăng dần tỷ trọng sợi tái chế trong sản phẩm vải cũng như sợi hữu cơ đối với các sản phẩm mới.

Ngoài ra, theo ông Hải, các DN dệt may cần đầu tư công nghệ, kiểm soát nguyên liệu đến khâu thiết kế sản phẩm, phát triển sản phẩm và tổ chức sản xuất.

Còn theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, ngành dệt may thời gian tới cần phải giải quyết các vấn đề để bứt phá. Điều này bao gồm việc cơ cấu lại hoạt động, kiểm soát rủi ro dòng tiền, rủi ro lãi suất, tỷ giá… Các DN cần chủ động tìm hiểu, tiếp cận các Chương trình, gói hỗ trợ (nhất là các gói hỗ trợ tài khóa, thuế - phí, tín dụng...).

Mặt khác, ông Lực cũng mong các DN dệt may nên đa dạng hóa nguồn vốn, thị trường, đối tác, nguồn cung. Nhất là cần hủ động sản xuất xanh, tiêu dùng xanh và kinh doanh tuần hoàn. Hơn nữa, các DN cần thực thi chiến lược chuyển đổi số gắn với bài toán đầu tư công nghệ, nhân sự số, dữ liệu và kiểm soát rủi ro…

Nhìn một cách tổng quan, có rất nhiều việc ngổn ngang cần phải làm cho những ngành hàng XK chủ lực nêu trên, để tận dụng tốt các cơ hội và vượt qua các thách thức cho năm 2024 vốn còn đối mặt nhiều rủi ro, thách thức.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/duong-dai-nao-cho-xuat-khau-nganh-hang-chu-luc-thoat-khoi-nhung-con-song-gap-ghenh-1097485.html