Đuổi quân Tưởng về nước, Việt Nam tránh 'lưỡng đầu thọ địch'

Nói về việc có một số ý kiến phê phán bản Hiệp định sơ bộ không chứa đựng từ 'độc lập' vô cùng quan trọng, Tướng Giáp nhận định: 'Họ không nhận thấy rằng độc lập của một quốc gia là kết quả của các điều kiện khách quan. Trong cuộc đấu tranh để giành độc lập toàn vẹn, sẽ có những thời điểm chúng ta phải cứng rắn, và những thời điểm chúng ta phải mềm dẻo'.

Tập hợp các tài liệu nước ngoài của những nhà nghiên cứu Mỹ và Pháp, dịch giả Lê Đỗ Huy đã cho chúng ta nhìn nhận đa chiều hơn về Hiệp định sơ bộ giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu và nước Pháp, với người đại diện là Cao ủy Pháp tại Đông Dương, ông Sainteny. Nước Việt Nam non trẻ muốn có thêm thời gian củng cố lực lượng và tránh phải đối đầu với 2 kẻ thù cùng lúc. Trong khi đó, nước Pháp có quá nhiều tham vọng chiếm lại Đông Dương. Cơ hội hòa bình đã bị bỏ lỡ. 9 năm sau đó, với thất bại toàn diện ở Điện Biên Phủ, người Pháp mới nhận ra sai lầm của mình.

Sử dụng tư liệu là các điện mật của phái bộ Mỹ gửi từ Hà Nội năm 1946, tài liệu này viết:

Khi quân Pháp quay lại, bất chấp chính phủ liên hiệp của Hồ Chí Minh và chữ ký của Vũ Hồng Khanh trên văn bản Hiệp định 6.3, một số lãnh đạo Việt Nam Quốc dân Đảng đã tuyên bố không ủng hộ chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh để thể hiện sự chống đối lại cái mà họ gọi là “đường lối thân Pháp” của Việt Minh.

Cựu hoàng Bảo Đại rời Việt Nam ngày 18.3, ngay trước khi Pháp vào Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lập tức đưa Việt Minh hòa vào một Mặt trận rộng lớn hơn, chủ trương đoàn kết một số Đảng phái của Việt Nam, nhờ đó giảm được sức ép chính trị.

Ngày 27.5.1946, sự kiện thành lập Liên Hiệp quốc dân Việt Nam, hay Mặt trận Liên Việt, được công bố, nhằm tranh đấu “đem lại độc lập và dân chủ” cho Việt Nam.

Ngày 27.5.1946, Liên Hiệp quốc dân Việt Nam, hay Mặt trận Liên Việt được thành lập nhằm tranh đấu “đem lại độc lập và dân chủ” cho Việt Nam.

Các lãnh tụ nổi tiếng của các Đảng phái chính trị đứng ra làm những người sáng lập, và họ cùng tuyên thệ “Giữ vững quyền tự chủ để đi đến hoàn toàn độc lập”. Mặt trận Việt Minh, Việt Nam Quốc dân Đảng, Đồng Minh Hội (Việt Cách), Xã hội Đảng và Dân chủ Đảng đều đứng trong Mặt trận Liên Việt, đồng thời vẫn giữ cơ cấu tổ chức riêng rẽ.

Tuy nhiên, thỏa thuận giữa các đảng phái trong khối Liên Việt chỉ tồn tại khi quân Trung Quốc (Tưởng) còn đóng ở miền Bắc Việt Nam (vì nhiều lãnh tụ Việt Cách và Việt Nam Quốc dân Đảng rút chạy theo quân Tưởng – Người dịch ghi chú).

Bất chấp định ước được ký ở Trùng Khánh là (quân Tưởng) sẽ rút vào tháng 4.1946, bọn quân phiệt vẫn lần lữa để cướp bóc đến tận tháng 6.1946. Ngày 10.6.1946, các đơn vị Trung Hoa dân quốc rút khỏi Hà Nội, và đến ngày 15.6, đơn vị cuối cùng rút khỏi Hải Phòng.

Ngày 19.6.1946, tờ Cứu quốc, cơ quan ngôn luận của Mặt trận Liên Việt in một lời cáo buộc quyết liệt đối với “những kẻ phản động phá hoại Hiệp định tháng 3 (1946), chỉ đích danh Việt Nam quốc dân Đảng. Đồng thời, tái xác nhận chính sách hợp tác với Pháp, chính phủ Việt Nam mời người Pháp tham gia một chiến dịch “chống những kẻ thù của hòa bình”…

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên trong Chính phủ lâm thời chụp ảnh lưu niệm sau phiên họp nội các đầu tiên ngày 3.9.1945.

Một cuốn sách “kinh điển” về thời đại Hồ Chí Minh ở phương Tây là cuốn Lịch sử Việt Nam từ 1940 – 1952 (Histoire du Vietnam, 1940 và 1952) của Philippe Devillers (NXB AMS Press, 1975). Devillers, một nhà Việt Nam học kỳ cựu người Pháp, đã trích dẫn các báo Việt Nam thời kỳ đó như nhật báo Quyết chiến của thành phố Huế, để phản ảnh phản ứng của công dân Việt Nam lúc đó về Hiệp định này:

“Hiệp định 6.3 là một “hòa ước Brest - Litovsk”, Tướng Võ Nguyên Giáp giải thích trong một bài phát biểu giàu xúc cảm trước cử tọa 100 ngàn người ở Hà Nội, hôm 7.3.1946. Ông cho hay thỏa ước ngừng bắn này với Đức đã ngăn được cuộc xâm lấn vào Nga, nhờ đó mà những người Xô Viết đã củng cố lực lượng quân đội và chính quyền chính trị của mình.

“Chúng ta đã thương thảo cốt sao bảo vệ và củng cố được vị thế về chính trị, quân sự và kinh tế của mình”, lãnh tụ quân sự Việt Minh này chia sẻ.

Hơn nữa, Tướng Giáp đánh giá, đàm phán là giải pháp được lựa chọn do Việt Minh chưa sẵn sàng (về lực lượng) cho một cuộc kháng chiến lâu dài.

Ông nói: “Ở một số nơi phong trào cách mạng chưa bám rễ được sâu, còn có những người chưa thực sự nhận thức nghiêm túc vai trò của cách mạng, và nếu chúng ta phải chiến đấu dài ngày, có thể xảy ra sự suy sụp (sức chiến đấu) trong một số khu vực hoặc tinh thần chiến đấu bị tổn thương.

Lúc đó, nếu tiếp tục đấu tranh vũ trang, chúng ta sẽ tổn thất lực lượng của mình và từ đó, mất chỗ đứng chân, sẽ chỉ còn giữ được một số vùng…”

Nói về việc có một số ý kiến phê phán bản Hiệp định sơ bộ không chứa đựng từ “độc lập” vô cùng quan trọng, ông Giáp nhận định: “Họ không nhận thấy rằng độc lập của một quốc gia là kết quả của các điều kiện khách quan. Trong cuộc đấu tranh để giành độc lập toàn vẹn, sẽ có những thời điểm chúng ta phải cứng rắn, và những thời điểm chúng ta phải mềm dẻo”.

Theo PV (Khám Phá)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dong-tay-kim-co/duoi-quan-tuong-ve-nuoc-viet-nam-tranh-luong-dau-tho-dich-808428.html