Dưới cờ thiêng Tổ quốc

Lá cờ đỏ sao vàng luôn ở trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Ở đâu và bất cứ lúc nào, khi ngắm nhìn cờ Tổ quốc lòng tôi cũng rưng rưng. Sự thiêng liêng có trong nền cờ đỏ thắm, ngôi sao năm cánh vàng tươi không dễ nói thành lời.

Cũng chỉ là tấm vải bình thường được cắt may nhưng khi thành Quốc kỳ thì đó chính là biểu tượng của đất nước như lời thơ của Nguyễn Hữu Tiến, người sáng tạo nên sản phẩm đặc biệt này và lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ chống thực dân Pháp năm 1940: Hỡi những ai máu đỏ da vàng/ Hãy chiến đấu dưới cờ thiêng Tổ quốc/ Nền cờ thắm máu đào vì nước/ Sao vàng tươi, da của giống nòi/ Đứng lên mau hồn nước gọi ta rồi/ Hỡi sĩ nông công thương binh/ Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh.

Lễ Thượng cờ thống nhất non sông ở di tích Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải (Quảng Trị).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, lá cờ đỏ sao vàng đồng hành với dân tộc Việt Nam trong những chặng đường cách mạng gian khổ, vinh quang và các dấu mốc lịch sử bi tráng, hào hùng.

Cao Bằng, tháng 5/1941, trong Hội nghị quyết định thành lập tổ chức Việt Minh do Bác Hồ chủ trì đã ghi rõ vào chương trình hành động: Sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp, Nhật, sẽ lập nên Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh làm Quốc kỳ.

Hà Nội, mùa thu năm 1945, sau khi cuộc Tổng khởi nghĩa thành công trong cả nước, vào ngày 2/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Mở đầu áng hùng văn bất hủ này, Hồ Chí Minh đã trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 cùng Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 và khẳng định đanh thép: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy. Cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió lộng trời xanh của mùa thu mới. Không tự hào sao được khi Việt Nam, ta lại gọi tên mình/ Hạnh phúc nào hơn được tái sinh/ Mát dạ ông cha nghìn thuở trước/ Cho đời hai tiếng mới quang vinh (Thơ Tố Hữu).

Điện Biên Phủ, ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết thắng phấp phới trên hầm chỉ huy tướng De Castries đánh dấu thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta.

Sài Gòn, ngày 30/4/1975, lá cờ chính nghĩa Việt Nam đã được cắm lên trên Dinh Độc Lập báo hiệu cuộc kháng chiến Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào (Thơ Hồ Chí Minh) của nhân dân ta đã thắng lợi hoàn toàn sau hai mươi mốt năm đầy gian khổ, hy sinh. Cánh cửa hòa bình mở ra, non sông thống nhất. Dưới cờ thiêng Tổ quốc dân tộc ta đã vượt qua nhiều sóng gió, giữ vững niềm tin đi trên con đường cách mạng, xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Không thể nói khác được, tình yêu Tổ quốc là giá trị cốt lõi lớn nhất, bền vững nhất, thiêng liêng nhất trong mỗi con người Việt Nam. Tổ quốc bao la và gần gũi. Là sông núi, biển trời, bưng biền, đồng bãi, ruộng nương... Là thôn xóm, bản làng, phum sóc, phố phường. Là tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Là mỗi gia đình được ví như tổ ấm, bến đậu thân thương. Là chuyện cổ, ca dao, tục ngữ theo ta từ tấm bé đến khi nhắm mắt xuôi tay; nâng dìu và khuyên dặn bao điều tốt lành, dung dị. Một trái thị thơm, một bông hoa bưởi cũng góp phần làm nên đất nước. Tổ quốc can trường và bao dung vô tận. Khi ta đến gõ lên từng cánh cửa/ Thì tin yêu ngay thẳng đón ta vào/ Ta nghẹn ngào, Đất nước Việt Nam ơi!...(Thơ Nguyễn Khoa Điềm).

Cờ Tổ quốc tại Quảng trường 3/2 (TP Bắc Giang). Ảnh: Việt Hưng.

Tôi coi mình là người hạnh phúc khi từng được đến nhiều nơi trên đất nước. Mỗi vùng miền có các cảnh sắc, phong tục khác nhau nhưng đều chung màu cờ Tổ quốc. Cờ tung bay trên trập trùng chon von rừng núi biên cương. Cờ phấp phới giữa mênh mang nhấp nhô hải đảo. Từ Lũng Cú đến Đất Mũi, từ Trường Sơn đến Trường Sa, cờ Tổ quốc vẫy gọi chúng ta trên mỗi dặm hành trình. Tôi đã có hai lần được chào cờ ở Trường Sa giữa bình minh mang màu Quốc kỳ đỏ thắm. Làm sao quên được kỷ niệm đẹp đẽ đó. Màu rạng đông lộng lẫy hòa cũng màu cờ Tổ quốc thiêng liêng.

Tiếng sóng ì ầm ập vào thềm đảo san hô. Đội ngũ quân - dân chỉnh tề, có cả những em bé hồn nhiên ngây thơ theo bố mẹ ra dự lễ. Những đôi mắt đăm đăm hướng về lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay trong gió trùng khơi. Đoàn quân Việt Nam đi… Trái tim cất lên tiếng hát trầm hùng. Trái tim đập nhịp yêu thương cùng đất nước. Giai điệu tự hào không bao giờ tắt của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Cũng như lá cờ đỏ sao vàng phấp phới giữa mùa thu mới, bài Tiến quân ca đã được cất lên trong ngày Quốc khánh 2/9/1945. Tiến lên! Cùng tiến lên, nước non Việt Nam ta vững bền…

Âm sắc ấy trở thành đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam. Chiến tranh. Hòa bình. Không chỉ ở trong nước mà cả ngoài biên giới. Nhân loại cũng không còn xa lạ với lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam. Quốc kỳ Việt Nam phấp phới trước trụ sở Liên hợp quốc tại Mỹ; đồng hành cùng những đội quân bảo vệ hòa bình ở nước ngoài; trong nhiều sự kiện kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao hàng đầu của nhân loại hiện thời và cả ở các thế vận hội, các cuộc thi đấu thể thao thế giới và khu vực.

Cầm lá cờ đỏ sao vàng trên tay, mỗi người dân Việt Nam nghe rõ những xôn xao sông núi rộng dài, những vỉa mạch tinh thần chuyển động từ xa xưa đến hôm nay cùng bao dự cảm lâng lâng về tương lai dân tộc.

Cầm lá cờ đỏ sao vàng trên tay, mỗi người dân Việt Nam nghe rõ những xôn xao sông núi rộng dài, những vỉa mạch tinh thần chuyển động từ xa xưa đến hôm nay cùng bao dự cảm lâng lâng về tương lai dân tộc. Chẳng phải tự nhiên mà nhiều quốc gia lớn nhỏ trên hành tinh xanh này trở thành bè bạn và đối tác với Việt Nam. Ta lấy nền hòa bình của nhân loại, sự bình đẳng, tôn trọng giữa các quốc gia, lấy con người là trung tâm làm nền tảng cho các mối quan hệ.

Chống chiến tranh, chống tội ác, chống lại những thứ tàn phá hủy hoại văn minh nhân loại. Một dân tộc đã trải qua nhiều cuộc binh đao trong quá khứ, quá đỗi thấm thía chiến tranh không phải trò đùa rất hiểu giá trị của cuộc sống an lành và hạnh phúc. Khát vọng hòa bình là khát vọng nồng nàn nhất, lớn lao nhất, mãnh liệt nhất của dân tộc này.

Hòa bình cũng là độc lập, tự do. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Mỗi lần mùa thu trở lại lòng ta càng nhớ Bác biết bao. Khi bị chế độ Tưởng Giới Thạch (Trung Quốc) giam cầm, Người vẫn không hề hao vơi khát vọng tự do. Tự do cho dân tộc, tự do cho nhân loại, tự do cho mỗi người. Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù) của Người có bài Bất miên dạ (Đêm không ngủ). Mang mang trường dạ bất năng miên/ Ngã tố tù thi bách kỷ thiên/ Tố liễu nhất thiên thường các bút/ Tòng lung môn vọng tự do thiên. Thương Bác, Đêm dài mênh mang không ngủ được/ Ta làm thơ tù đã hơn trăm bài/ Làm xong mỗi bài thường gác bút/ Trông qua cửa tù, ngóng trời tự do.

Bầu trời tự do đó đã thành hiện thực với dân tộc Việt Nam. Bầu trời bình yên không có những đường bay ngang dọc của kẻ thù. Mặt đất bình yên không có tiếng bom đạn giặc ngoại xâm. Đó là gì nếu không phải là hạnh phúc của một đất nước. Cũng phải nói thêm rằng, cái hạnh phúc ấy cần được cộng thêm, nhân thêm với những giá trị khác của cuộc sống như Bác Hồ từng mong ước: Ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành và đất nước ta sẽ đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Hạnh phúc ấy chỉ tồn tại bền vững ở một xã hội trong sạch giàu yêu thương và lẽ phải, cái tốt đẹp luôn được tôn vinh, cái xấu xa phải bị lên án, loại bỏ.

Dưới cờ thiêng Tổ quốc ta nghe rất rõ những điều ấy. Khi vang vọng, khi thầm thì nhưng không bao giờ im vắng bởi đó là khát vọng, là niềm tin của dân tộc Việt Nam.

Tùy bút Nguyễn Hữu Quý

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/410523/duoi-co-thieng-to-quoc.html