Dưới bóng cây Sinh tồn

Trong buổi chiều ở Công viên Tưởng niệm tôi đã suy nghĩ nhiều về cây lê đặc biệt này. Tôi nhận ra, niềm hy vọng trong chiếc hộp Pandora và cây Sống sót chỉ là một. Không riêng gì nước Mỹ, người dân Mỹ mà ở bất cứ nơi nào trên trái đất, con người luôn vượt qua mọi biến cố bằng niềm tin yêu sự sống mãnh liệt, khả năng chịu đựng và tranh đấu để tồn tại.

Thần thoại Hy Lạp kể rằng, người phụ nữ đầu tiên của loài người tên là Pandora được vị thần Zeus uy quyền tối thượng giao cất giữ một chiếc hộp, dặn rằng không được mở vì bất cứ lý do nào. Thuở đó, trời đất thanh bình, con người sống trong an lạc vô biên.

Nhưng rồi, vì không kìm giữ được sự tò mò, người phụ nữ ấy đã lén mở chiếc hộp. Hóa ra, chiếc hộp ấy nhốt giữ tất cả những điều gây nên bất hạnh cho thế gian như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh... Hốt hoảng, người phụ nữ vội vàng đóng lại. Từ đó trở đi, loài người phải gánh chịu những tai ương. May thay, trong chiếc hộp vẫn còn sót duy nhất niềm hy vọng chưa kịp bay mất. Nhờ đó, mà con người tồn tại, vượt qua mọi khổ nạn cho đến ngày nay.

Thần thoại là những câu chuyện tưởng tượng nhưng ẩn chứa sâu sắc khát vọng nhân văn của con người. Tôi bắt gặp điều tương tự trong một buổi chiều đứng bên hồ Tưởng niệm nạn nhân vụ khủng bố trên đất Mỹ, vào cái ngày định mệnh 11/9/2001. Hồ Tưởng niệm nằm trong khu công viên Tưởng niệm ở quận Manhattan thuộc thành phố New York, trên phần đất trước đây là chân móng của tòa Tháp Đôi.

Hẳn không ai có thể quên, nơi đây từng hiện diện hai cao ốc chọc trời 110 tầng, là Trung tâm Thương mại Thế giới, niềm kiêu hãnh của nước Mỹ. Vậy nhưng, bằng 2 chiếc máy bay thương mại cướp được, nhóm khủng bố trở thành không tặc đã lao thẳng vào đó, cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người. Nước Mỹ có một ngày tang tóc. Người dân Mỹ bàng hoàng. Cả thế giới sửng sốt.

Nhưng đó không phải là câu chuyện tôi kể. Ký ức đau thương đôi khi cần được khỏa lấp bằng niềm vui sống thường hữu. Đó là khi giữa Công viên Tưởng niệm với hàng trăm cây sồi trắng tỏa bóng xanh mát, duy nhất một cây được nhiều người tìm đến. Một câu chuyện thần thoại của thời hiện đại mở ra.

Chuyện là, nhiều tháng sau vụ khủng bố 11/9, người ta phải dọn dẹp hàng ngàn tấn sắt thép, bê tông vỡ vụn của tòa Tháp Đôi. Một đội công nhân dọn dẹp đã vô cùng kinh ngạc khi thấy một cây lê (pear) mà phần thân đã cháy thành than vụn. Chỉ có một cành ngắn, dập nát song vẫn còn màu xanh của vỏ, dấu hiệu của sự sống. Họ tự hỏi, liệu có phép màu nào dành cho nhánh cây tàn tạ này và lập tức đóng gói cẩn thận rồi gởi đến Công viên Van Cortlandt.

Ở đây thường trực bộ phận quản lý công viên và giải trí thành phố New York có chuyên môn về chăm sóc và hồi phục cây xanh. Khi gởi đi cũng không mấy ai trông mong rằng nhánh lê nhỏ này sẽ phục sinh. Vậy mà, thật kỳ diệu, dưới bàn tay chăm sóc của các chuyên gia, mùa xuân năm 2002, những mầm xanh non tơ, bé xíu bắt đầu hé ra trên thân nhành xương xẩu. Qua truyền thông, người dân Mỹ biết được thông tin, họ trân quý và gọi tên cây lê nhỏ nhoi nhưng bất khuất này là cây Sống sót (The Survival tree).

Cây Sống sót nở hoa ở góc Bảo tàng Tưởng niệm 11/9 -Ảnh: I.T

Sau 9 năm được chăm sóc cẩn thận ở Công viên Van Cortlandt, khi sự sống đã xanh lên cành lá, cây lê đặc biệt lại được đưa về trồng ở một góc Bảo tàng và Đài Tưởng niệm 11/9 của thành phố New York, đúng vào dịp khánh thành và đưa hai công trình vào sử dụng năm 2011.

Cách đây 10 năm, từ năm 2013, Bảo tàng 11/9 đều gởi hạt giống của cây lê này đến các địa điểm đã từng xảy ra các vụ thiên tai, địch họa hoặc các nhóm khủng bố tấn công. Giám đốc Bảo tàng, ông Joe Daniels cho hay, năm 2015, sau khi nước Pháp bị hàng loạt vụ khủng bố tấn công làm 130 người thiệt mạng, ông cùng nhân viên đã đóng gói một chồi lê non gởi qua đường Bộ Ngoại giao Pháp.

Trong buổi chiều ở Công viên Tưởng niệm tôi đã suy nghĩ nhiều về cây lê đặc biệt này. Tôi nhận ra, niềm hy vọng trong chiếc hộp Pandora và cây Sống sót chỉ là một. Không riêng gì nước Mỹ, người dân Mỹ mà ở bất cứ nơi nào trên trái đất, con người luôn vượt qua mọi biến cố bằng niềm tin yêu sự sống mãnh liệt, khả năng chịu đựng và tranh đấu để tồn tại.

Trong tiếng Anh, survival có nhiều nghĩa tương đồng, là sống sót hoặc sinh tồn. Tôi muốn gọi cây Sống sót bằng tên gọi khác: cây Sinh tồn chẳng hạn. Bởi sống sót chỉ là khả năng của xác suất, của ngẫu nhiên, còn sinh tồn là câu chuyện của thắng bại, của ý chí, nghị lực vốn là thuộc chất của con người.

Còn nếu gần gũi hơn với người Việt, tôi lại muốn gọi nó là cây Sống đời. Lan man chút thôi, như ở quê tôi, vùng quê Quảng Trị đạn bom chà đi xát lại, thời tiết khắc nghiệt mà vẫn sống đời với câu ca: “Chớ than phận khó ai ơi. Còn da lông mọc, còn chồi xanh cây”. Hóa ra, minh triết ở đời, của nhân loại luôn gặp nhau dù ở cách xa nửa vòng trái đất.

Những đau thương còn kéo dài rất lâu. Vụ khủng bố ngày 11/9/2001 trên đất Mỹ không chỉ làm gần 3.000 người thiệt mạng mà còn có 25.000 người khác bị thương, chưa kể những người bị sang chấn tâm lý kéo dài cho đến cuối đời. Thiệt hại về vật chất cũng nặng nề, dư chấn vụ khủng bố làm nước Mỹ lâm vào khủng hoảng, kéo theo dây chuyền suy thoái toàn cầu về kinh tế-tài chính nhiều năm sau đó. Nhưng dưới bóng cây Sinh tồn, tôi vẫn nghĩ, mọi thứ rồi sẽ qua đi. Như là mưa nắng, như là bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.

Tôi cũng tin, bằng vào khả năng sinh tồn mãnh liệt và bền bỉ thì nhân loại, dù phải khó nhọc đối đầu với bao nhiêu bất hạnh, vẫn cứ lặng lẽ tiến về phía trước. Như đã thế, từ hàng ngàn, hàng vạn năm qua. Và sẽ như thế, mãi mãi.

Bút ký: PHẠM XUÂN HÙNG

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/phong-su-ghi-chep/duoi-bong-cay-sinh-ton/179550.htm