Được nhận làm con nuôi là trẻ em dưới 16 tuổi

Độ tuổi đối tượng được nhận làm con nuôi với 3 phương án: dưới 14, dưới 15 và dưới 16 tuổi được nhiều ý kiến quan tâm. Theo UBTV Quốc hội, với mục đích chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em được nhận làm con nuôi trong môi trường gia đình nên độ tuổi trẻ em được nhận làm con nuôi trong Luật Nuôi con nuôi có quan hệ và gắn bó mật thiết với độ tuổi được coi là trẻ em trong Luật Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Vì vậy, quy định theo hướng đối tượng được nhận làm con nuôi là trẻ em dưới 16 tuổi.

Lần chỉnh sửa này, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Điều 7 dự thảo luật quy định điều kiện người được nhận làm con nuôi để áp dụng chung đối với nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi nước ngoài. Về thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi, một số ý kiến đề nghị quy định cơ quan hành chính đăng ký việc nuôi con nuôi, tòa án giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi như hiện nay. Trong khi đó, có ý kiến đề nghị giao tòa án đăng ký việc nuôi con nuôi và giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi, cơ quan hành chính chỉ tiến hành các thủ tục hành chính ban đầu. Theo giải thích của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, trong điều kiện hiện nay chưa thể giao ngay cho tòa án việc đăng ký nuôi con nuôi mà cần có lộ trình, bước đi phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp ở nước ta. Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường. Đại biểu Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) cho rằng, quy định người trong nước không nhận nuôi mới giao cho người nước ngoài nuôi là không hợp lý bởi vì nhiều con nuôi nước ngoài đã thành đạt. Theo đại biểu, vấn đề cốt lõi là làm sao tránh cho trẻ em không bị lợi dụng, xâm hại và có được người nuôi dưỡng, chăm sóc tốt để đảm bảo phát triển cả thể chất và tâm hồn, trí tuệ. Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) đặt vấn đề "Trường hợp chỉ có một bên đề nghị chấm dứt nuôi con nuôi thì giải quyết như thế nào khi dự luật không quy định rõ". Đại biểu Bùi Thị Lệ Phi thì cho rằng, nếu trong hai người cha mẹ nuôi chỉ người chồng hoặc người vợ muốn chấm dứt nuôi con nuôi thì có được không? Trường hợp con nuôi không xúc phạm, gây tổn hại trực tiếp cho cha mẹ nuôi nhưng gây tổn thương cho con đẻ của họ thì có được chấm dứt nuôi con nuôi hay không? Phí đăng ký nuôi con nuôi cũng là vấn đề chưa thống nhất. Một số ý kiến đồng ý quy định về lệ phí đăng ký nuôi con nuôi và phí giải quyết việc nuôi con nuôi, nhưng cần cụ thể hóa các loại phí, trong khi nhiều ý kiến đề nghị quy định chi phí giải quyết việc nuôi con nuôi thay cho phí giải quyết việc nuôi con nuôi. Về vấn đề này, nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trong khu vực như Philippine, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc... cho thấy các nước này khi giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài đều có thu một khoản tiền để chi phí cho việc giải quyết nuôi con nuôi, khoảng 4.000-7.000 USD cho một trường hợp và được chi cho việc chăm sóc trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng, hoạt động tác nghiệp của các cơ quan chuyên môn trong giải quyết nuôi con nuôi quốc tế, các dịch vụ liên quan. Không lập hội đồng tư vấn giới thiệu làm con nuôi người nước ngoài Theo UBTV Quốc hội, hiện nay, việc quản lý giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài còn có những điểm bất cập. Cơ sở nuôi dưỡng vừa là nơi tiếp nhận trẻ em, vừa là nơi nhận tài trợ từ nước ngoài, đồng thời cũng là nơi giới thiệu trẻ em. Thực trạng này trong không ít trường hợp đã dẫn đến sự thiếu vô tư, khách quan trong việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài, đã có những tiêu cực, vi phạm pháp luật… Vì vậy, thay vì thành lập hội đồng tư vấn, dự thảo luật chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức trong từng khâu công việc. Theo đó, cơ sở nuôi dưỡng có trách nhiệm tiếp nhận trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi và thông báo cho Sở Tư pháp trẻ em cần có gia đình thay thế (Điều 15). Liên quan quy định độ tuổi tối đa của người nhận nuôi con nuôi, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho rằng, việc nuôi con nuôi hoàn toàn xuất phát từ tấm lòng, khả năng và điều kiện thực tế của người nhận, pháp luật hiện hành không quy định về độ tuổi tối đa của người nhận con nuôi. Hơn nữa, đối với một số gia đình, cá nhân có điều kiện thì việc nuôi con nuôi không nhất thiết phải trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng mà quan trọng là xác lập được quan hệ cha mẹ và con vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi. Một số nội dung bổ sung vào Điều 13, quy định cấm các hành vi: cho con đẻ làm con nuôi để sinh thêm con; nhận con đẻ làm con nuôi; lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số; phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi; nhận nuôi con nuôi giữa ông bà và cháu, giữa anh chị em với nhau… Quy định cấm ông bà nhận cháu làm con nuôi, anh chị em nhận nhau làm con nuôi lại có những "vùng riêng" do ở vùng dân tộc thiểu số, loại hành vi này xảy ra không ít. Đại biểu Tống Văn Thoóng (Lai Châu) viện dẫn, việc nhận nuôi con nuôi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số khá phổ biến, nay theo dự thảo luật thì hồ sơ, thủ tục hành chính còn rườm rà. Dự án luật bưu chính: Không bồi thường thiệt hại gián tiếp Tại phiên thảo luận chiều 26/5 về dự án Luật Bưu chính, nhiều vấn đề được bàn luận như xây dựng thùng thư gia đình, cung ứng dịch vụ bưu chính, giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại… Theo đó, trong hoạt động bưu chính không quy định về bồi thường thiệt hại gián tiếp. Theo đại biểu Đặng Vũ Minh, quy định của Công ước Liên minh bưu chính thế giới (UPU) mà Việt Nam là thành viên, bên cung ứng dịch vụ bưu chính không phải bồi thường các thiệt hại gián tiếp. Mặt khác quy định này còn kế thừa Pháp lệnh bưu chính viễn thông hiện hành. Các bưu gửi không chỉ gửi ở Việt Nam mà còn được chuyển ra nước ngoài, vì vậy các quy định về giải quyết tranh chấp, bồi thường thiệt hại phải theo các quy định của Liên minh bưu chính thế giới.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/thoisu/2010/5/131397.cand