Dừng VNEN, giáo viên phụ huynh đều mừng

Hà Tĩnh là tỉnh mới nhất quyết định dừng mô hình trường học mới (VNEN) cấp THCS. Cấp tiểu học vẫn tiếp tục duy trì theo tự nguyện đăng kí của nhà trường và cha mẹ học sinh. VNEN cho thấy nhiều bất cập mà chỉ cần nhắc đến, phụ huynh đã hoảng.

Triển khai rầm rộ rồi đột ngột… dừng

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh gửi Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh về mô hình trường học mới (VNEN) trong năm học mới 2017-2018. Theo đó, đối với bậc THCS sẽ dừng triển khai chương trình trường học mới VNEN, trở lại chương trình hiện hành của Bộ GD&ĐT.

Đối với bậc Tiểu học: Không triển khai thêm các lớp học mới VNEN. Các lớp đang triển khai mô hình này cần nghiêm túc thực hiện một số nội dung như tổng số học sinh mỗi lớp không quá 30 em; cơ sở vật chất lớp học phải đáp ứng theo quy định, giáo viên phải được tập huấn, bồi dưỡng, công nhận đủ tiêu chuẩn dạy chương trình VNEN. Khi đáp ứng đủ điều kiện, cần tiến hành lấy ý kiến tự nguyện của phụ huynh và giáo viên. Trong trường hợp 2/3 phiếu đồng ý trở lên thì mới tiếp tục triển khai chương trình VNEN.

Rất ít địa phương thành công mô hình VNEN do chưa đáp ứng đủ điều kiện. Ảnh minh họa: D.H

Lý do tỉnh Hà Tĩnh dừng mô hình này, Hội đồng khoa học tỉnh đã nói rất rõ: Trong quá trình thực hiện, do thiếu nghiên cứu toàn diện, triển khai vội vã, thiếu chuẩn bị chu đáo về tư tưởng, chuyên môn, thiếu đồng bộ cũng như sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Do vậy còn nhiều thiếu sót, làm hạn chế mục tiêu đề ra nên không nhận được sự đồng thuận của đại đa số tầng lớp trong xã hội, kể cả nhiều cán bộ trong ngành giáo dục.

“Chưa đủ điều kiện thì đừng áp dụng!”

Việc Hà Tĩnh dừng hẳn VNEN ở cấp THCS khiến phụ huynh tại tỉnh này thở phào nhẹ nhõm. Một phụ huynh có con học ở THCS Nguyễn Tuấn Thiện (H.Hương Sơn, xin giấu tên) chia sẻ, con gái chị năm nay lên lớp 9, một năm bản lề quan trọng để con chuyển cấp. Việc học theo chương trình VNEN khiến chị không yên tâm bởi với chương trình này, nguy cơ con trượt lớp 10 rất lớn, khả năng làm bài của con rất kém. “Quay lại chương trình của Bộ GD&ĐT, tôi nghĩ là ổn hơn cho con, việc học sẽ được chú tâm hơn nên tôi nhẹ cả người” - nữ phụ huynh chia sẻ.

Một phụ huynh khác tại huyện Hương Sơn cho rằng, chừng nào còn học theo VNEN là chừng ấy thời gian chị lo con mình căng thẳng tâm lý. Theo nữ phụ huynh, với cách dạy học mới và giáo trình mới, con chị không thể theo kịp chương trình. Lớp học thì chật chội mà bố trí theo từng “mâm” khiến con rất khó xoay trở, học mất tập trung.

“Lớp học vượt quá sĩ số quy định, diện tích chật hẹp khiến việc bài trí chỉ càng rườm rà, không hiệu quả. Con tôi đi học về kêu đau lưng khi phải quay trở quá nhiều, thế thì làm sao mà nạp được kiến thức. Chưa đủ điều kiện thì đừng nên thực hiện nữa, chỉ càng khiến học sinh và cha mẹ mệt mỏi mà thôi!”- chị nói.

Điều đáng nói là không chỉ riêng ở Hà Tĩnh, trước đó nhiều địa phương như Hà Giang, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu… công bố dừng hẳn VNEN với những lý do tương tự. Tất cả phụ huynh đều tỏ ra đồng tình khi chấm dứt chương trình học này và bày tỏ muốn quay trở lại chương trình học truyền thống.

Không được mở rộng...

Trước thực trạng này, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa có văn bản yêu cầu các Sở GD-ĐT rà soát, nếu trường nào chưa đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất thì dừng triển khai VNEN. Trước yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, bậc học Tiểu học còn nhiều việc phải làm, trong đó cần tập trung rà soát quy hoạch trường lớp và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

“Nếu so với bộ chuẩn giáo viên mới Bộ đang xây dựng thì còn nhiều giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu. Ví dụ từ mô hình VNEN, nguyên nhân chính là nhiều tỉnh chưa có sự chuẩn bị tốt về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất nên dẫn tới việc triển khai chưa đạt yêu cầu như mong muốn, dù đây là phương pháp học tập tiến bộ và ưu việt” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.

Người đứng đầu ngành giáo dục nhấn mạnh, khi đưa một mô hình, phương pháp giáo dục mới vào triển khai, việc đầu tiên phải tính đến các điều kiện để thực hiện nó, trong đó, có đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất cần thiết. “VNEN thời gian qua tạo ra những luồng dư luận băn khoăn, phản đối là bởi khi áp dụng vào thực tiễn, một số trường đã không dành đủ thời gian để tập huấn giáo viên, giúp họ có sự chuẩn bị tốt cả về chuyên môn và phương pháp, chưa tính toán thấu đáo quy mô trường lớp, sĩ số học sinh cho phù hợp với phương pháp mới”.

Ông Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các địa phương nhanh chóng rà soát lại, nếu trường nào chưa đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất thì dừng triển khai VNEN. “Không được mở rộng nếu chưa đáp ứng được yêu cầu về giáo viên, cơ sở vật chất theo phương pháp dạy/học mới này” - Bộ trưởng lưu ý.

Mô hình trường học mới (VNEN) xuất phát từ mô hình trường học mới (EN) được thực hiện tại Colombia. Sau khi thí điểm thành công, EN nhanh chóng được nhân rộng khắp châu Mỹ La-tinh.

Đặc điểm nổi bật của mô hình EN là học sinh đóngg vai trò trung tâm trong khi giáo viên chỉ là người hướng dẫn; nội dung học liên quan mật thiết đến đời sống hàng ngày; học sinh được phân thành nhóm có nhịp độ phát triển tương đồng mà không đánh đồng theo lứa tuổi; học sinh và giáo viên cùng tham gia tạo nên những sản phẩm phục vụ cộng đồng.

Với VNEN ở nước ta, khi áp dụng đã gặp phải nhiều bất cập. Trước hết là do những yếu tố cơ bản phục vụ cho việc triển khai mô hình VNEN rộng rãi như cơ sở hạ tầng (trường, lớp, sân chơi, bãi tập…)… chưa đảm bảo đồng bộ về chất lượng và số lượng. Việc đổi mới chưa đi theo lộ trình phù hợp. Đội ngũ nhà giáo tham gia vào mô hình 100% là những người quen với nếp dạy truyền thống nên dù có được tập huấn cũng còn nhiều bỡ ngỡ.

Trường lớp, bàn ghế, sĩ số... vốn được thiết kế cho mô hình dạy học truyền thống nên khi đưa vào sử dụng để dạy học theo mô hình VNEN sẽ không thể đáp ứng tốt được. Sự bất cập với điều kiện đặc thù về giáo dục, kinh tế, văn hóa, thổ nhưỡng vùng miền đã khiến việc triển khai VNEN gặp trở ngại. Nhiều địa phương trong năm học vừa qua quyết định dừng triển khai

Dương Hà

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/soi-247/dung-vnen-giao-vien-phu-huynh-deu-mung-post31417.html