Dùng tiền lẻ qua trạm thu phí BOT có vi phạm pháp luật?

Các luật sư cho rằng việc các tài xế dùng tiền lẻ qua trạm thu phí BOT là không vi phạm pháp luật.

Đầu tháng 9, tình trạng tài xế dùng tiền lẻ để trả phí mua vé lại tái xuất ở BOT số 1 QL5, ở huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Những mệnh giá tiền được tài xế sử dụng là 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng… khiến cho việc mua vé bị kéo dài thời gian, gây ra tình trạng ách tắc giao thông.

Chiều 5.9 hiện tượng dùng tiền lẻ lại tái xuất ở trạm thu phí số 1 của QL5. Ảnh Trần Thanh/DT

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Lại Xuân Cường – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, tiền lẻ hay tiền chẵn với bất cứ mệnh giá nào đều là loại tiền mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành. Việc dùng tiền lẻ để mua vé thì chiếu theo các quy định hiện hành của pháp luật là chưa có một điều luật nào cấm cả.

Luật sư Cường phân tích, để xét hành vi các tài xế có vi phạm pháp luật hay không thì phải căn cứ, xem xét về tính chất, mức độ từng trường hợp. Hiện tại dư luận cho rằng việc các tài xế dùng tiền lẻ qua trạm thu phí là hành vi gây rối trật tự công cộng nhưng như vậy là chưa có căn cứ bởi đó là hoạt động hết sức bình thường.

"Theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu có đủ căn cứ để chứng minh được hành vi của các tài xế là gây rối trật tự công cộng chiếu theo Điều 245 Bộ luật Hình sự năm 1999, các tài xế có thể bị xem xét để xử lý. Trong trường hợp chứng minh hành động các tài xế dùng tiền lẻ qua trạm thu phí được lặp đi lặp lại rất nhiều lần, gây cản trở lưu thông từ 3 đến 5 giờ, hoặc trường hợp các tài xế đã bị phạt hành chính hay kết án vì tội này chưa được xóa án tích mà tiếp tục vi phạm có thể bị xem xét để xử lý từ 3 tháng đến 2 năm tù” – luật sư Cường cho biết.

Cũng về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thế Truyền – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, việc các tài xế dùng tiền lẻ để qua trạm thu phí BOT là một trong những cách “đấu tranh” mà nhân đây cơ quan chức năng cần phải cân nhắc lại toàn bộ quá trình của mình trong việc đầu tư các trạm thu phí này, xem đã đảm bảo minh bạch hay chưa.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng, cơ quan chức năng cần xem xét lại tính minh bạch của các trạm thu phí BOT.

Luật sư Truyền cho rằng, để xác định hành động của các tài xế có gây rối hay không không thể chỉ dựa vào cảm quan của bất kỳ ai, nếu chỉ đơn giản là trả phí BOT bằng tiền lẻ thì không thể cho rằng đó là hành vi gây rối được, vì đây là việc mà pháp luật đang bảo vệ.

Nguyễn Hà - Phạm Dung

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phap-luat/dung-tien-le-qua-tram-thu-phi-bot-co-vi-pham-phap-luat-563249.ldo