Đừng quá tin vào kết quả tìm kiếm Google

Tool AI viết nội dung tự động, quảng cáo tràn lan đang thao túng trang tìm kiếm Google. Những kết quả xuất hiện đầu tiên có thể là tin giả, spam hay tệ hơn là lừa đảo moi tiền bạn.

Gần đây, bạn có nhận thấy một số kết quả tìm kiếm Google trả về không hề đúng sự thật không? Thực ra, mọi chuyện đều có lý do cả đấy.

Những kẻ spam tin rác đã sử dụng các công cụ AI có khả năng tự động viết nội dung, hòng tạo ra một “biển thông tin mới”, thao túng người dùng. Trong khi đó, các thuật toán của Google lại “mù quáng” xếp hạng các trang do autobot tạo ra cao hơn cả thông tin đúng bạn thực sự cần.

Không chỉ tràn ngập nội dung rác được tạo tự động, kết quả tìm kiếm của bạn còn bị ảnh hưởng bởi quảng cáo vô tội vạ và các trang web nội dung chất lượng thấp nhưng SEO hiệu quả, luôn xuất hiện đầu tiên trên trang kết quả. Trong những trường hợp tệ hơn, chúng có thể chính là mồi nhử dẫn bạn đến những trò lừa đảo tống tiền, đánh cắp thông tin cá nhân.

Đơn cử như khi tìm kiếm “cách thay đổi tài khoản Google mặc định” bằng tiếng anh, kết quả hàng đầu với văn bản được Google làm nổi lại đến từ một bài viết trên LinkedIn. Tác giả là Morgan Mitchell, giám đốc nội dung của Adobe. Mitchell đã được Google tô đậm nội dung và ưu tiên hiển thị 150 bài viết, tất cả đều được viết ở định dạng hỏi đáp, đạt hiệu quả cao trên kết quả tìm kiếm.

Kết quả hàng đầu khi tìm kiếm “cách thay đổi tài khoản Google mặc định”. Ảnh: Wall Street Journal.

Nhưng vấn đề là Mitchell không hề tồn tại. Số điện thoại liên hệ đính kèm trong bài viết không phải của Google hay Adobe. Có lẽ Mitchell chỉ là sản phẩm của AI và những thông tin liên lạc như số điện thoại hay chức danh chỉ là một cách để đánh lừa người dùng.

Tác giả không có thật, nội dung được sản xuất hàng loạt nhưng lại xếp top đầu tìm kiếm

Theo cây bút Nicole Nguyen của Wall Street Journal, để xếp hạng cao trong kết quả tìm kiếm, những người chuyên spam sẽ đăng tải bài viết trên các trang web có uy tín mà Google đánh giá cao như LinkedIn, Reddit, Quora.

Mark Williams-Cook, chuyên gia lĩnh vực tìm kiếm và giám đốc tại công ty marketing Candour, cho biết các chatbot tạo văn bản ngày nay đang giúp việc sản xuất nội dung “ký sinh” này trở nên dễ dàng hơn. Ông nói: “Spam trên website không hề mới, nhưng những công cụ AI thì đúng là chưa từng có, và chúng đã là mọi thứ trở nên dễ dàng hơn”, ông nói.

Theo lý thuyết, Google cấm nội dung được sản xuất hàng loạt để spam kết quả tìm kiếm. Gã khổng lồ này luôn cảnh giác với những kẻ chuyên spam và dùng phần mềm để tạo văn bản vô nghĩa, có nội dung chứa từ khóa từ các trang web khác. Tuy nhiên, nội dung do AI tạo ra không hề vi phạm các quy tắc spam của Google. Nếu nội dung của trí tuệ đủ tốt, nó có thể xuất hiện cao trong tìm kiếm.

Vấn đề của Google là không chọn lọc tốt thông tin do autobot viết, nội dung chất lượng kém, quảng cáo... Ảnh: Search Engine Land.

Nhưng những chuẩn “đủ tốt” của Google, vẫn chưa đủ hữu ích với người dùng, Williams-Cook nói. Theo chuyên gia, đối với cả máy và người, nội dung trông có vẻ “đọc tốt” vẫn có thể chứa những lỗi rõ ràng, mà những người không phải là chuyên gia có thể bỏ qua.

Với trường hợp của Mitchell, người được cho là tác giả của 150 bài đăng trên LinkedIn, Adobe xác nhận rằng không có nhân viên nào có tên này làm việc cho họ. Williams-Cook nghi ngờ hồ sơ và các bài đăng trên đó được tạo bằng AI. Hình ảnh hồ sơ của Mitchell cũng có thể do AI tạo ra.

Một ví dụ khác cho thấy AI vượt qua các bộ lọc của Google nhưng lại gây thông tin nhiễu trên web là Eightify. Với sự trợ giúp của ChatGPT của OpenAI, Eightify tạo các bản tóm tắt và trả lời hỏi đáp từ thông tin của các video trên YouTube. Theo Williams-Cook, từ con số 0, lượt xuất hiện của website này trên Google đã tăng lên 1,2 triệu lượt/tháng chỉ trong 6 tháng.

Trang web này được xếp hạng cao trên hàng trăm tìm kiếm như “hack tăng hạn mức tín dụng”, “những nơi an toàn để ngủ trong ô tô”. Người sáng lập Eightify, Alex Kataev, cho biết công ty không kiểm tra tính xác thực của mọi bài viết, nhưng sẽ kiểm tra những bài viết phổ biến nhất hoặc những bài bài bị người dùng gắn cờ.

Thuật toán của Google đôi khi cũng mắc sai lầm

Khi tìm kiếm trên Google, người dùng sẽ nhìn thấy một “đoạn trích” được làm nổi xuất hiện đầu tiên. Đây là thông tin trích từ một nguồn website mà thuật toán của Google cho là uy tín để người dùng không cần mất thời gian truy cập thêm.

Đoạn thông tin tô đậm khi được tìm kiếm giúp người dùng nhận câu trả lời nhanh chóng, không cần truy cập website.

Ví dụ như tìm kiếm “cách kiểm tra lỗi chính tả trong Word”, Google sẽ trả về một đoạn thông tin lấy từ trang hỗ trợ Microsoft và tô đậm thông tin chính, trả lời câu hỏi.

Song, Google không phải lúc nào cũng đúng. Thuật toán của họ đôi khi lại nhường vị trí đầu cho những nguồn ít chính xác hơn.

Hồi tháng 1, Luan Santos nhận ra tên vợ mình bị sai chính tả trong chuyến đặt vé sắp tới của Delta Air Lines. Khi tìm kiếm Google, anh đã nhìn thấy số điện thoại dịch vụ chăm sóc khách hàng của hãng bay nên đã gọi thử.

Điểm đáng ngờ đầu tiên là một nhân viên bắt máy ngay lập tức. Anh cứ tưởng hệ thống tự động sẽ trả lời sau đó chuyển hướng, nhưng không ngờ đó là người thật. Luan Santos cung cấp số xác nhận đặt phòng và tên vợ mình.

Đúng lúc đó, anh nhận ra đường link chứa đoạn trích của Google không phải là trang web của Delta. Lo sợ bị lừa, anh cúp máy. Sau lần đó, Luan Santos nói rằng bây giờ đã ít tin vào Google hơn xưa.

Cây bút Nicole Nguyen của Wall Street Journal đã thử làm tương tự Luan Santos và kết quả là một người tự xưng nhân viên hỗ trợ đã bắt máy và yêu cầu cung cấp số thẻ tín dụng để thay đổi thông tin chuyến bay.

Trang quảng cáo còn xếp hạng cao hơn trang OpenAI chính chủ. Ảnh: Wall Street Journal.

Nếu để ý, bạn sẽ thấy kết quả tìm kiếm của Google thường bắt đầu bằng website được quảng cáo. Đôi khi nó nhiều bạn phải kéo xuống thật xa mới đến các kết quả tìm kiếm thật, không tài trợ quảng cáo. Hãy cảnh giác bởi trả tiền để quảng cáo xuất hiện cao trên Google là một cách khác mà kẻ xấu lôi kéo người dùng, chệch khỏi nhu cầu tìm kiếm ban đầu của họ.

Khi tìm kiếm từ khóa “ChatGPT Plus” - dịch vụ trả phí 20 USD/tháng của OpenAI - liên kết đầu tiên Google trả về là website được tài trợ với tiêu đề “ChatGPT 4.0 hiện đã có sẵn”. Liên kết này sẽ dẫn đến một trang web không thuộc quản lý của OpenAI.

Dịch vụ này cũng tính phí 20 USD/tháng nhưng lại cho dùng phiên bản cũ, có sẵn miễn phí. Người dùng trang đánh giá Trustpilot cho biết họ không nhận được tiền hoàn lại từ trang này.

Trước những rủi ro và chiêu thức thao túng kết quả Google ngày càng tinh vi, lời khuyên dành cho bạn là hãy luôn cảnh giác, dù là tìm kiếm bất kỳ thứ gì. Bạn nên kiểm tra xem đường link có phải là cơ quan có thẩm quyền hay có uy tín, liên quan đến chủ đề bạn tìm kiếm hay không.

Nếu bạn đang tìm kiếm thông tin về sản phẩm hoặc dịch vụ khách hàng, hãy bắt đầu từ trang web chính thức của công ty đó. Đây là nguồn dữ liệu tốt và đáng tin, chắc chắn có những thông tin bạn cần.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/dung-qua-tin-vao-google-post1461501.html