Dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp và nỗi niềm làng nghề Đan Phượng

Do có sẵn nghề truyền thống, có thị trường, nhiều hộ dân ở huyện Đan Phượng, Hà Nội dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp để sản xuất, kinh doanh.

Hôm nay, 5-1, UBND huyện Đan Phượng và xã Liên Hà tiếp tục tổ chức đợt cưỡng chế nhà xưởng xây trên đất nông nghiệp tại khu Phan, khu Trũng Phan với 47 trường hợp.

Video: Dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp và nỗi niềm làng nghề Đan Phượng

Trước đó, địa phương này đã hoàn tất việc cưỡng chế với 32 hộ sản xuất trong đợt một. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác vận động, tuyên truyền nên người dân đã tự tháo dỡ nhà xưởng, chính quyền không phải cưỡng chế.

Tuy nhiên, đằng sau đó là trăn trở của những hộ sản xuất vì thiếu mặt bằng làm ăn mà phải dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp.

Con đường này được coi như ranh giới khi bên phải là diện tích nhà xưởng vi phạm thuộc khu Phan và khu Trũng Phan, bên còn lại là khu làng nghề của xã được quy hoạch, người dân sản xuất ổn định từ nhiều năm trước. Ảnh XUÂN NGUYỄN

Vì đâu vi phạm?

Giãi bày với PLO về chuyện làm nghề gia đình, ông Nguyễn Ánh Sao cho biết, nguồn gốc đất dựng xưởng là đất trồng lúa. Nhiều năm trước, canh tác không thuận lợi nên gia đình từng chuyển sang trồng cây ăn quả. Nhưng rồi những cố gắng đó cũng chẳng giải quyết được mấy miệng ăn trong nhà.

Trong khi đó, gia đình có nghề mộc, lúc nông nhàn vẫn đi làm thuê cho các xưởng ở cụm công nghiệp Liên Hà ngay cạnh. Thu nhập làm nghề cao hơn nhiều làm nông, nên hộ ông Sao quyết định “ly nông”.

Ông Nguyễn Ánh Sao giãi bày về căn nguyên xây nhà xưởng trên đất nông nghiệp. Ảnh XUÂN NGUYỄN

"Ly nông" mà không “ly hương” thì lựa chọn chi phí thấp duy nhất lúc ấy là dựng xưởng ngay trên mảnh ruộng cằn cỗi của gia đình. Theo cách ấy, xưởng mộc nhà ông Sao từ năm 2013 đến nay tạo công ăn việc làm cho hai vợ chồng và một số anh em họ hàng, với thu nhập cao hơn hẳn làm nông nghiệp.

Cách hộ ông Sao vài bước chân là xưởng của gia đình anh Nguyễn Văn Điệp. Anh Điệp cho biết, xưởng của mình dựng trên đất ruộng đã nhiều năm. Ngay từ đầu đã biết là vi phạm nhưng vì mưu sinh cho mình, tạo công ăn việc làm cho lao động trong xã nên vẫn phải liều.

Lần này, khi chính quyền quyết cắt điện, cưỡng chế, anh Điệp liền chớp thời cơ đối thoại trực tiếp với lãnh đạo UBND xã Liên Hà.

Một bên là tiếng nói của dân làng nghề, bên kia là đại diện quyền lực nhà nước, cùng thẳng thắn với nhau cái lý, cái tình trong cảnh nhập nhoạng của xưởng mộc đã bị cắt điện.

Chủ tịch UBND xã Liên Hà Đinh Hữu Thành (bên phải) đối thoại trực tiếp với chủ xưởng mộc Nguyễn Văn Điệp. Ảnh XUÂN NGUYỄN

Anh Điệp nói không ai muốn vi phạm nhưng việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất sản xuất phi nông nghiệp lại quá chậm chạp so với nhu cầu phát triển làng nghề cũng như cơ hội thị trường đang mở ra. Chưa kể, nếu sản xuất trong khu dân cư hiện hữu thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường, môi sinh…

Bà con muốn phát triển nghề truyền thống không có lựa chọn hợp lý nào khác nên phải xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp.

Chủ tịch xã Liên Hà Đinh Hữu Thành ghi nhận ý kiến của anh Điệp và nói đây là vướng mắc chung không chỉ của Liên Hà mà nhiều xã có làng nghề của huyện Đan Phượng. Nhưng quy định của pháp luật là vậy, không thể tự phát chuyển đổi đất nông nghiệp sang mặt bằng sản xuất phi nông nghiệp, nên dù rất thông cảm với bà con, chính quyền vẫn phải yêu cầu các nhà xưởng dựng trên đất nông nghiệp tháo dỡ.

Hàng loạt nhà xưởng vi phạm tại khu Trũng Phan, xã Liên Hà. Ảnh XUÂN NGUYỄN

Những vấn đề mà anh Điệp nói với Chủ tịch xã Liên Hà không phải là mới. Chính quyền huyện Đan Phượng và xã Liên Hà từ nhiều năm đã tuyên truyền, vận động, và ở chiều ngược lại, gần đây nhất là hồi tháng 11-2023, các hộ tiểu thủ công nghiệp trên đất nông nghiệp đã có cuộc đối thoại trực tiếp tại trụ sở UBND huyện Đan Phượng.

Lần đó, 10 hộ dân đã trình bày về lý do họ vi phạm, mà nguyên nhân trực tiếp là làm nông không hiệu quả trong khi nghề mộc giúp phát triển kinh tế, gia tăng thu nhập thì lại thiếu mặt bằng. Người dân ước tính, thu nhập từ nghề mộc đạt từ 10-30 triệu đồng/tháng trong khi trồng cây chỉ bằng 1/10.

Mong muốn của người dân

Chia sẻ với PLO, các hộ sản xuất trên đất nông nghiệp ở Liên Hà có phần bức xúc khi chính quyền quyết định mở đợt cưỡng chế ngay dịp cuối năm – vốn là mùa làm ăn của người làm mộc. Về tình, quyết định như vậy chưa thực sự chia sẻ với bà con khi năm kinh tế 2023 vô cùng khó khăn.

Gia đình anh Nguyễn Văn Điệp giờ không sản xuất nữa mà tập trung vào tháo dỡ nhà xưởng trên đất nông nghiệp. Hàng đã sản xuất thì tìm chỗ gửi để bán, thu hồi vốn.

"Cận kề Tết, lượng hàng rất nhiều, không chở đi đâu được. Lý do chúng tôi chưa chuyển đi là do không có chỗ để chuyển. Nghề mộc, bà con chỉ kiếm ăn vào thời điểm cuối năm, mà giờ lại phải di chuyển, tháo dỡ... đó là khó khăn lớn nhất của bà con.

Lần này, chúng tôi cam kết sẽ không sản xuất ở đây nữa. Nhưng mong chính quyền cho thêm nửa năm để tìm mặt bằng mới, di chuyển dần dần " - chủ xưởng mộc Nguyễn Văn Điệp nói.

Các sản phẩm đã hoàn thiện trong xưởng mộc anh Nguyễn Văn Điệp. Ảnh XUÂN NGUYỄN

Cùng nỗi niềm, gia đình Nguyễn Thanh Thao, khu Trũng Phan cũng thuộc diện cưỡng chế đợt này. Ông cho biết đang lùng sục tìm mặt bằng mới để chuyển xưởng, nhưng chưa ra.

"Xã có quy hoạch khu làng nghề mở rộng đấy, nhưng gia đình tôi không có suất. Còn đi thuê mặt bằng mới thì hai tháng nay chưa được. Hàng trong xưởng còn nhiều, nay cưỡng chế thì tôi mong chính quyền hỗ trợ cho tôi mặt bằng. Ít nhất là chỗ tập kết hàng, che chắn nắng mưa. Bàn ghế, giường tủ mà dính nước thì hỏng hết, chúng tôi cũng mất Tết" - ông Thao nói.

Ông Thao trả lời phỏng vấn đài truyền hình về câu chuyện xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp, mà nhà ông cũng đang phải tháo dỡ. Ảnh XUÂN NGUYỄN

Đất dù để làm nông hay sản xuất phi nông nghiệp thì mục đích đều là để tạo ra thu nhập cho người dân, qua đó phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nhưng câu chuyện mà PLO ghi nhận được những ngày này cho thấy chính quyền cần quan tâm hơn nữa đến nguyện vọng chính đáng của người dân về mặt bằng sản xuất. Nguyện vọng chính đáng đấy được minh chứng bởi hình ảnh Liên Hà cũng như nhiều xã có làng nghề truyền thống của huyện Đan Phượng những năm qua đã khởi sắc rất nhiều khi chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang phát triển nghề truyền thống.

XUÂN NGUYỄN

Nguồn PLO: https://plo.vn/dung-nha-xuong-tren-dat-nong-nghiep-va-noi-niem-lang-nghe-dan-phuong-post770165.html