Đừng 'ngại' đối thoại với dân

Buổi đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu với nông dân trên địa bàn tỉnh tháng 8-2023 diễn ra trong không khí dân chủ, chân thành, cởi mở. Nhiều vấn đề người dân quan tâm và kiến nghị được Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị trả lời thỏa đáng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới...

Thời gian qua, tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với người dân như ở Bạc Liêu được không ít địa phương tiến hành khá tốt. Qua đối thoại, nhiều vấn đề được giải quyết, giảm đáng kể bức xúc nổi cộm trong nhân dân, góp phần tạo đồng thuận, quyết tâm cao trong toàn hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng các cấp.

Cán bộ lãnh đạo địa phương thường xuyên đối thoại với nhân dân không phải là chuyện mới, mà luôn đồng hành với quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta, trở thành nét đặc sắc của công tác xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.

Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu địa phương chưa coi việc tiếp xúc, đối thoại với dân là nội dung quan trọng thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, chưa xem đó là giải pháp hàng đầu trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Cá biệt, có địa phương tiếp xúc, đối thoại với dân còn hình thức; vấn đề người dân quan tâm, bức xúc không được giải quyết, dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện vượt cấp, tụ tập đông người gây bất ổn về an ninh-trật tự, giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền.

 Quang cảnh buổi đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu với nông dân. Ảnh minh họa: baobaclieu.vn

Quang cảnh buổi đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu với nông dân. Ảnh minh họa: baobaclieu.vn

Cán bộ lãnh đạo “ngại” tiếp xúc với dân là biểu hiện của cán bộ yếu về phẩm chất, kém về năng lực. Những cán bộ đó đang đánh mất cơ hội hiểu cơ sở, sát cơ sở, đánh mất niềm tin của nhân dân với bản thân, cao hơn là làm giảm niềm tin của dân đối với công tác cán bộ của Đảng. Tình trạng cán bộ lãnh đạo “ngại” tiếp xúc, đối thoại với dân, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân, là đang suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, cần phải kiên quyết phê bình, đấu tranh.

Sức mạnh của Đảng nằm trong mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân và giữa nhân dân với Đảng. Việc của dân là việc của Đảng và ngược lại. Vì vậy, cán bộ nói chung, cán bộ lãnh đạo nói riêng, không được phép đứng ngoài những khó khăn, vướng mắc của dân. Phải thường xuyên lắng nghe dân, coi dân là trung tâm của sự nghiệp đổi mới trên tất cả hoạt động của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị.

Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở phải quán triệt nghiêm túc, thực hiện triệt để Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị “về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”; đổi mới tác phong lãnh đạo, lề lối làm việc theo hướng phải thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân; đồng thời, phát huy tốt vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền... Đó chính là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ và tổ chức vững mạnh.

QUANG THẮNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/dung-ngai-doi-thoai-voi-dan-741294