Đừng nấu canh, ăn mùng tơi theo cách này mới là chuẩn vị loại 'rau vua'

Loại rau này được nhiều người gọi là 'rau vua' vì vừa dễ ăn lại vừa có lợi cho sức khỏe. Chị em có thể đem mồng tơi xào với thực phẩm này vừa ngon vừa bổ dưỡng.

Rau mồng tơi có giàu chất dinh dưỡng?

Giữ cho đôi mắt khỏe mạnh: Lutein và zeaxanthin là các carotenoid trong rau mồng tơi có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh về mắt. Đồng thời, vitamin A và vitamin C có trong rau mồng tơi còn có khả năng làm giảm tỷ lệ mắc bệnh đục thủy tinh thể gây suy giảm thị lực ở người.

Làm đẹp da: Rau mồng tơi còn chứa nhiều vitamin B, A, C, các nguyên tố sắt, canxi... có thể hỗ trợ làm trắng, giảm thâm, cải thiện tình trạng mụn cho da.

Ngăn ngừa loãng xương: Rau mồng tơi chứa nhiều canxi, mangan và vitamin K. Đây đều là những yếu tố quan trọng giúp xương chắc khỏe. Cơ thể luôn đào thải và xây dựng lại mô xương, do đó việc ăn rau mồng tơi hàng ngày sẽ cải thiện đáng kể tình trạng loãng xương ở nhóm người cao tuổi.

Giảm nguy cơ thiếu sắt: Rau mồng tơi là nguồn thực phẩm giàu sắt, một khoáng chất cần thiết để các tế bào hồng cầu mang oxy đến các khu vực khác nhau của cơ thể. Khi cơ thể quá ít sắt, sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu do thiếu sắt. Tình trạng này kéo dài có thể làm cơ thể suy yếu, gây chóng mặt và khó thở.

Rau mồng tơi giàu chất dinh dưỡng nên ăn thường xuyên tốt cho sức khỏe.

Giúp tăng sữa cho sản phụ sau sinh: Phụ nữ sau khi sinh ít sữa, ăn rau mồng tơi sẽ nhiều sữa hơn. Trong rau mồng tơi có các vitamin A3, B3, chất saponin, chất nhầy và chất sắt nên tốt cho thai phụ… Món ăn nấu từ mồng tơi với gà ác, đậu đen ninh nhừ ăn nóng sẽ giúp sản phụ nhiều sữa, mau hồi phục sức khỏe, có làn da hồng hào, tóc đen mượt.

Hỗ trợ sự phát triển của em bé: Trong rau mồng tơi có rất nhiều folate. Loại vitamin này có thể ngăn ngừa các dị tật bẩm sinh như nứt đốt sống ở trẻ sơ sinh. Do đó, bổ sung folic trong giai đoạn mang thai sẽ rất tốt cho sức khỏe thai nhi. Bên cạnh đó, hàm lượng vitamin B6 từ rau mồng tơi cũng rất quan trọng cho sự phát triển của não em bé từ trong bụng mẹ.

Giảm chất béo, cholesterol: Có thể bạn không để ý, chất nhầy của rau mồng tơi tác dụng hấp thu cholesterol, cholesterol nội sinh và ngoại sinh đều bị giữ lại trong ruột. Vì cholesterol bị khóa hoạt tính nên chất béo trong thực phẩm không ngấm được qua màng ruột, cholesterol sẽ bị thải ra ngoài qua phân. Do đó, ăn rau mồng tơi giúp thải chất béo, tốt cho người có mỡ và đường trong máu cao.

Giàu chất chống oxy hóa: Cơ thể sẽ nhận được rất nhiều chất chống oxy hóa từ việc ăn rau mồng tơi mỗi ngày. Chất chống oxy hóa này có thể hạn chế tác hại của các gốc tự do gây ra cho tế bào. Các tổn thương tế bào do gốc tự do có thể gây ra các bệnh như tiểu đường, ung thư, tim mạch...

Rất tốt cho sức khỏe tim mạch: Rau mồng tơi cũng chứa một lượng nitrat vô cơ đáng kể. Hàm lượng nitrat này có khả năng làm giảm huyết áp và làm cho động mạch bớt xơ cứng. Đặc biệt trong rau mồng tơi còn có kali, có tác dụng hỗ trợ các hoạt động của tim mạch diễn ra bình thường.

Có thể cải thiện tình trạng bệnh trĩ: Nếu chẳng may bạn bị trĩ nhẹ thì có thể sử dụng mồng tơi như sau: lấy một nắm lá mồng tơi rửa sạch, giã nát nhuyễn cùng vài hạt muối đắp vào chỗ trĩ sưng, đồng thời nấu canh mồng tơi ăn với cá diếc (ăn cả nước và cái).

Phục hồi vết thương: Trong rau mồng tơi giàu vitamin C nhiều lợi ích. Lượng vitamin C này giúp cơ thể tăng lượng sắt hấp thụ từ thực phẩm, rất hữu hiệu trong quá trình điều trị và phục hồi các vết thương.

Rau mồng tơi rất tốt nhưng "đại kỵ" với 5 nhóm người này, biết mà tránh

Rau mồng tơi rất tốt nhưng không phải ai cũng có thể ăn được. Bài viết của BS. Nguyễn Hoài Thu - Chuyên khoa Dinh dưỡng trên Báo Sức khỏe & Đời sống đã chỉ ra 5 nhóm người dưới đây được khuyến cáo không nên ăn rau mồng tơi:

Người đang bị tiêu chảy: Khi bị bệnh này chúng ta không nên ăn mặc dù mồng tơi có thể giúp nhuận tràng, cải thiện tình trạng táo bón nhưng nếu ăn quá nhiều mồng tơi có thể dẫn tới tiêu chảy.

- Những người bị sỏi thận: Người bị sỏi thận không nên ăn rau mồng tơi bởi rau mồng tơi chứa nhiều purin. Hợp chất hữu cơ khi đi vào cơ thể sẽ biến thành axít uric làm tăng nguy cơ phát triển của sỏi thận. Các axit oxalic trong rau mồng tơi làm tăng nồng độ canxi oxalate trong nước tiểu, dẫn đến sỏi thận ngày càng phát triển.

- Những người mới lấy cao răng: Khi bạn mới lấy cao răng thì không nên ăn mồng tơi trong 1-2 tuần bởi rau mồng tơi dễ tạo mảng ố bám trên răng do axit oxalic trong rau mồng tơi không hòa tan trong nước

- Những người đau dạ dày: Đối với những người hay đau dạ dày thì không nên ăn nhiều rau mồng tơi bởi hàm lượng chất xơ lớn trong rau mồng tơi có thể khiến dạ dày khó chịu khi ăn nhiều.

- Những người hấp thu kém: Nhóm người này không nên ăn rau mồng tơi bởi mồng tơi chứa hàm lượng cao axít oxalic (một loại chất hóa học liên kết với sắt và canxi) khiến cơ thể khó hấp thụ các chất dinh dưỡng quan trọng.

Gợi ý cách chế biến rau mùng tơi ngon nhất

Rau mồng tơi xào thịt bò vừa ngon lại bổ dưỡng.

Nguyên liệu cần chuẩn bị

- 1 mớ rau mồng tơi

- 150g thịt bò

- 1 củ tỏi

- 1 củ hành

- Gia vị: Hạt nêm, gia vị, tiêu.

Sơ chế nguyên liệu

- Ướp thịt bò với hạt nêm, gia vị, tiêu.

- Rau mồng tơi cắt khúc.

- Tỏi, hành khô đập dập.

Cách làm mồng tơi xào thịt bò

- Bước 1: Cho dầu ăn vào chảo, phi thơm hành tỏi. Cho thịt bò vào xào nhanh cho hơi săn lại, cho ra đĩa.

- Bước 2: Tiếp tục cho thêm một ít dầu để xào rau mồng tơi.

- Bước 3: Rau vừa chín thì cho phần thịt bò vào đảo đều rồi tắt bếp.

Chúc bạn thực hiện thành công!

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dung-nau-canhan-mung-toi-theo-cach-nay-moi-la-chuan-vi-loai-rau-vua-a655301.html