Đừng mù quáng đánh cược sức khỏe bản thân

(HQ Online)- Liên quan đến tình trạng đáng lo khi người bệnh có xu hướng tự mày mò các phương pháp chữa bệnh qua mạng internet để rồi gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề, phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Khoa (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế .

Hiện có tình trạng người dân tự tìm cách chữa bệnh mà không tới cơ sở y tế, với cương vị là lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế ông có bình luận gì về điều này?

Việc người dân tự ý tìm tòi các phương pháp chữa bệnh qua mạng internet không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà nhiều nước khác tình trạng cũng tương tự. Song qua đây cũng cho thấy ý thức bảo vệ sức khỏe của người dân vẫn còn nhiều hạn chế bởi việc khám chữa bệnh phải đảm bảo quá trình toàn diện từ thăm hỏi, khám lâm sàng để chẩn đoán và chỉ định điều trị cho bệnh nhân. Ngoài việc kê đơn còn phải hướng dẫn chi tiết việc dùng thuốc và lưu ý liên quan đến bệnh tật.

Để làm được điều này cần những nhân viên y tế có trình độ, có kiến thức chuyên môn, do vậy việc tự chữa bệnh qua mạng internet sẽ gây những nguy hại tới sức khỏe người dân bởi nếu chữa không đúng bệnh, không đúng thuốc sẽ gây những tác hại lớn tới sức khỏe.

Việc người dân tự ý chữa bệnh theo hướng dẫn trên mạng internet là điều cần xem xét lại bởi người dân không thể đổ lỗi cho quá tải bệnh viện, và thực tế tình trạng quá tải bệnh viện chỉ xảy ra ở một số bệnh viện tuyến Trung ương. Với những bệnh thông thường, người dân có thể đến các trung tâm y tế quận huyện, kể cả các trạm y tế, hay các phòng khám y tế tư nhân, bệnh viện tư nhân, vì ở đó đều là những nhân viên y tế được đào tạo bài bản.

Hiện nay có thực tế nhiều "thầy lang" lên mạng internet quảng cáo một số phương pháp gia truyền chữa bách bệnh trong đó chữa cả bệnh ung thư khiến cho nhiều người tin theo song "tiền mất tật mang", vậy về phía cơ quan quản lý có biện pháp nào để hạn chế tình trạng này, thưa ông?

Việc một số đối tượng tự ý quảng cáo các phương thuốc chữa bệnh gia truyền mà chưa được cơ quan y tế cấp phép, không có cơ sở khoa học đây là hành vi vi phạm pháp luật khám chữa bệnh và bị xử lý theo quy định, người dân không nên tin tưởng để “tiền mất tật mang”. Chưa kể với nhiều bệnh, do người dân tin vào những bài thuốc dân gian chưa được kiểm chứng dẫn đến việc làm chậm quá trình điều trị bệnh, để đến khi bệnh không thể cứu chữa mới tìm tới cơ sở y tế thì đã quá muộn.

Mức phạt cao nhất với đối tượng này là thế nào, thưa ông? Liệu việc xử phạt có giúp người dân hạn chế được những nguy cơ tin nhầm thầy lang, ảnh hưởng tới sức khỏe?

Việc xử phạt các đối tượng hành nghề y dược, quảng cáo phương pháp chữa bệnh chưa được cấp phép sẽ được thực hiện theo Nghị định 176/2013/ NĐ- CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó, mức phạt cao nhất lên tới 40.000.000 đồng đối với hành vi hành nghề không có chứng chỉ hành nghề.

Bên cạnh đó, để hạn chế việc người dân tin theo phương pháp khám chữa bệnh không có cơ sở qua mạng internet hoặc truyền miệng, ngành Y tế rất mong có sự vào cuộc của các cơ quan báo chí để tuyên truyền cũng như cảnh báo người dân không nên mù quáng tin tưởng vào những phương pháp phi khoa học, đánh cược sức khỏe bản thân.

Ngoài ra, chính quyền địa phương, cơ quan y tế địa phương cũng phải vào cuộc cùng với Bộ Y tế để cung cấp thông tin, xử lý những đối tượng hành nghề trái phép, giúp người dân nhận ra bản chất vấn đề và có ứng xử phù hợp.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/ong-nguyen-trong-khoa-pho-cuc-truong-cuc-quan-ly-kham-chua-benh-bo-y-te-dung-mu-quang-danh-cuoc-suc-khoe-ban-than.aspx