Đừng lo lắng vì tin đồn thất thiệt

“Tôi đi làm, đóng BHXH đã được 17 năm. Nếu năm nay, tôi nghỉ việc thì có được nhận BHXH một lần không? Tôi nghe nói từ năm 2018 có Luật BHXH mới thì những người có dưới 20 năm đóng BHXH sẽ không được nhận BHXH một lần nữa, có đúng không?”. Bạn đọc P.P.P, số điện thoại 0908268XXX, đang làm việc tại một Cty ở Q. Bình Thạnh, TPHCM, gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao động, với giọng đầy lo lắng.

NLĐ tham gia BHXH dưới 20 năm vẫn được nhận BHXH một lần. Ảnh: Nam Dương

Vẫn được nhận BHXH một lần nếu chưa đủ 20 năm đóng BHXH

Tương tự bạn PPP, các bạn đọc có số điện thoại 0979442XXX, 0967379XXX cũng hỏi: Tôi có được nhận BHXH một lần không, vì nghe nói đầu năm 2018 sẽ có Luật BHXH mới, sẽ không còn chế độ BHXH một lần nữa.

Trên đây chỉ là 3 cuộc gọi đến Văn phòng Tư vấn pháp luật của Báo Lao động trong buổi sáng 14.8 để nhờ tư vấn về chế độ BHXH một lần. Điều đáng nói, thời gian gần đây, chúng tôi liên tục nhận được các cuộc gọi có cùng nội dung “nghe nói đầu năm 2018 sẽ có Luật BHXH mới và những người đã tham gia BHXH sẽ không còn được chế độ BHXH một lần".

Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam khẳng định NLĐ vẫn được nhận BHXH một lần nếu chưa đủ 20 năm đóng BHXH, khi trao đổi với Phóng viên Báo Lao Động sáng 15.8. Ông Sơn cho biết: Luật BHXH được Quốc hội thông qua ngày 20.11.2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2016 vẫn đang được thực hiện và chắc chắn đến ngày 1.1.2018 chưa có gì thay đổi.

Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội (có giá trị như luật) và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHXH đã quy định: Trường hợp NLĐ tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần.

Với những trường hợp đi định cư ở nước ngoài, bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế thì được nhận BHXH một lần ngay khi nộp đủ hồ sơ mà không cần chờ đủ 12 tháng sau ngày nghỉ việc.

Luật sư Trần Phi Đại, Đoàn Luật sư TPHCM, phân tích: Thông thường quá trình chuẩn bị sửa đổi, bổ sung một luật nào đó sẽ phải trải qua nhiều thời gian với nhiều công đoạn như dự thảo, lấy ý kiến góp ý của các ngành chức năng, các giới, ý kiến đóng góp của các đại biểu quốc hội, của người dân...

Qua các lần góp ý đó, ban soạn thảo sẽ tiếp thu, sửa đổi, đưa vào dự thảo để lấy ý kiến tiếp. Sau đó mới đưa qua Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến rồi đưa ra Quốc hội thảo luận, đóng góp ý kiến trước thường là một kỳ họp, rồi Quốc hội mới thông qua…

Với những đạo luật quan trọng, có sự ảnh hưởng đến quyền lợi số đông người dân thì quy trình làm luật lại càng cẩn trọng, có khi kéo dài cả vài năm. Hiện vẫn không có thông tin gì về việc sửa đổi, bổ sung Luật BHXH, do đó việc “nghe nói”, hay nói cách khác là tin đồn về sẽ có Luật BHXH mới từ đầu năm 2018 là hoàn toàn không đáng tin cậy.

Cần sớm giải thích, ổn định tư tưởng cho NLĐ

Thông tin từ cơ quan chức năng đã khẳng định chưa có sự thay đổi về Luật BHXH từ đầu năm 2018, vậy nguồn cơn tin đồn có Luật BHXH mới từ đâu ra? Luật sư Nguyễn Hữu Học, Đoàn Luật sư TPHCM, cho rằng có thể những thông tin NLĐ tiếp cận là chưa đầy đủ.

Thực ra, theo Luật BHXH 2014, từ 1.1.2018, có những thay đổi trong đối tượng đóng BHXH, cách tính tỉ lệ hưởng lương hưu theo số năm đã đóng BHXH. Cụ thể, khoản 1, điều 124 Luật BHXH 2014 quy định: Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2016, trừ quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2, điều 2 của luật này thì có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2018. Điểm b, khoản 1, điều 2 Luật BHXH 2014 quy định: Người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng.

Có nghĩa là, từ 1.1.2018, tất cả những NLĐ có HĐLĐ từ đủ 1 tháng trở lên (thay vì có HĐLĐ từ đủ 3 tháng trở lên) sẽ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Còn tại khoản 2, điều 2 Luật BHXH 2014 quy định: NLĐ là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ. Như thế, những NLĐ nước ngoài mà có giấy phép lao động cũng được tham gia BHXH bắt buộc, thay vì chỉ được tham gia BHYT như trước đây.

Ngoài ra, về cách tính lương hưu từ 1.1.2018 cũng có những sự thay đổi nhất định, trong đó lao động nữ sẽ chịu tác động nhiều hơn so với lao động nam. Cụ thể, theo quy định tại khoản 2, điều 56 Luật BHXH 2014 thì 2. Từ ngày 1.1.2018, mức lương hưu hằng tháng của NLĐ đủ điều kiện quy định tại điều 54 của luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH quy định tại điều 62 của luật này và tương ứng với số năm đóng BHXH như sau:

a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm; b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm, NLĐ quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%. Như vậy, lao động nữ khi hết tuổi lao động, muốn được hưởng đủ 75% lương hưu thì từ 1.1.2018 phải có đủ 30 năm đóng BHXH, thay vì chỉ 25 năm nếu nghỉ hưu từ 31.12.2017 trở về trước. Còn lao động nam khi nghỉ hưu từ 1.1.2018, cũng chịu ảnh hưởng, nhưng chậm hơn.

“Đây là một số điểm hoàn toàn mới trong Luật BHXH 2014 và chỉ được thực hiện từ 1.1.2018. Có lẽ, NLĐ đã không được tiếp cận đầy đủ thông tin, nên cho rằng từ 2018 sẽ có Luật BHXH mới. Các cơ quan chức năng cần sớm giải thích, ổn định tư tưởng cho NLĐ, tránh những xáo trộn không đáng có”- Luật sư Nguyễn Hữu Học, đề xuất.

Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam khuyến cáo: NLĐ nên hết sức cân nhắc, thận trọng khi có nguyện vọng nhận BHXH một lần. Vì theo tính toán của các chuyên gia, việc nhận BHXH một lần sẽ chịu nhiều thiệt thòi, nhất là không có lương hưu khi hết tuổi lao động, như thế sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội lúc về già.

Nam Dương

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-doi-song/dung-lo-lang-vi-tin-don-that-thiet-549790.ldo