Đừng lãng quên lịch sử

Trước thông tin do Bộ GD-ĐT cung cấp theo chương trình giáo dục phổ thông mới, chính thức triển khai từ năm học 2022-2023, đưa môn Lịch sử trở thành môn học tự chọn trong cụm Khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật) đang thu hút nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.

Học lịch sử ngoài học các sự kiện, tri thức về lịch sử, còn giúp học sinh hiểu hơn về giá trị cội nguồn, xây dựng nhân cách, xây dựng, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, con người, những giá trị nhân văn, bản sắc văn hóa dân tộc. Lịch sử giúp chúng ta hiểu hơn về giá trị của độc lập tự do, về quá khứ hào hùng của cha ông: “Biết bao người con gái, con trai/ Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi/ Họ đã sống và chết/ Giản dị và bình tâm”; bao người con đất Việt đã hy sinh, xây đắp, tô thắm cho non sông, đất nước bốn ngàn năm lịch sử tươi đẹp như ngày nay.

Trước vấn đề này, nhiều nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia, giáo viên và chính các em học sinh đang rất quan tâm, lo ngại.

GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, nếu Lịch sử trở thành môn tự chọn, tôi thực sự cảm thấy khó hiểu. Lịch sử là môn học quan trọng, mỗi công dân đều cần am hiểu lịch sử, không phải chỉ học đến cấp THCS đã hiểu về lịch sử, mà ngay cả khi trưởng thành cũng cần những kiến thức của môn này. Lịch sử không gói gọn trong vài năm mà là hàng ngàn năm hình thành và phát triển của một đất nước và cả thế giới. Chúng ta học lịch sử để hiểu về sự sinh tồn, phát triển văn hóa, văn minh của dân tộc, không chỉ hiểu về nước mình mà hiểu về cả các nước khác.

Cô giáo T.H dạy môn Lịch sử (phường 9, TP Tuy Hòa) trăn trở, đổi mới là xu thế tất yếu nhưng nên dựa vào vai trò và đặc thù vị trí của từng môn học. Lịch sử dân tộc và thế giới gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của mỗi quốc gia. Môn Lịch sử xem như sợi dây kết nối từ quá khứ tới hiện tại nên cần thiết.

Tại Mục 10, Nghị quyết 113/2015/QH13 của Quốc hội cũng ghi rõ: Thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa (SGK) phổ thông bảo đảm mục tiêu, yêu cầu và nội dung Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông. Tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình SGK mới. Cụ thể, ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục lịch sử được thực hiện trong các môn học Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý giúp học sinh làm quen với một số nội dung cơ bản của lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới. Còn ở cấp THCS, nội dung giáo dục lịch sử được thực hiện trong môn Lịch sử và Địa lý, giúp học sinh có được nền tảng kiến thức của lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á, từ khởi nguyên cho tới ngày nay. Ở cấp THPT, chương trình môn Lịch sử chuyên sâu, giúp những học sinh có định hướng học các ngành khoa học xã hội và nhân văn tiếp cận nghề nghiệp, định hướng cho tương lai.

Còn những học sinh chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chương trình này cũng đưa ra quan điểm riêng của mình. Em Đ.A.M (học sinh lớp 9, Trường THCS Lương Thế Vinh, TP Tuy Hòa) chia sẻ: “Bản thân em rất thích học lịch sử, tuy nhiên em thấy cách dạy lịch sử chưa hấp dẫn. Em xem các video trên Youtube, Tik Tok về lịch sử cảm giác rất thích thú, các video này nên được đưa vào giảng dạy để chúng em học Lịch sử tốt hơn”. Đa số các em đều nghĩ thay vì đưa Lịch sử thành môn học tự chọn, ngành Giáo dục nên làm mới cách tiếp cận sinh động lịch sử cho học sinh, để mỗi giờ học lịch sử không chỉ đem lại cho các em kiến thức mà còn hun đúc tình yêu quê hương cho tương lai của các em sau này.

Lịch sử là sợi dây liên kết giữa quá khứ và hiện tại của lớp lớp thế hệ. Trong một cuốn tạp chí nêu “Không có tương lai cho một quốc gia tự lãng quên đi lịch sử của chính mình”; còn với Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam đã đúc kết rằng:

“Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

BẢO AN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/148/274680/dung-lang-quen-lich-su.html