Dùng kháng sinh ở trẻ có gì khác biệt?

Sử dụng thuốc kháng sinh, đặc biệt là cho trẻ nhỏ, cần thận trọng nhằm đạt hiệu quả điều trị bệnh và tránh tình trạng kháng thuốc. Vậy, đâu là cách dùng an toàn và hiệu quả?

1. Kháng sinh dùng trong trường hợp nào?

Thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị hoặc ngăn ngừa một số loại bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Tùy theo từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ lựa chọn loại kháng sinh phù hợp.

Kháng sinh không hiệu quả đối với các bệnh nhiễm virus, chẳng hạn như cảm lạnh hoặc cúm thông thường.

2. Một số bệnh ở trẻ cần dùng kháng sinh

Viêm xoang cấp tính
Viêm tai giữa cấp tính
Viêm họng
Viêm tiểu phế quản
Viêm đường tiết niệu...

Thuốc kháng sinh cần được sử dụng đúng bệnh, đúng thời gian, liều lượng… mới có thể điều trị hiệu quả.

Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ. Vì vậy, không được dùng thuốc của người lớn rồi tự chia liều dùng cho trẻ em. Đối với trẻ nhỏ, nên dùng thuốc dạng lỏng và dụng cụ đi kèm để đong thuốc...

3. Làm gì để sử dụng kháng sinh hợp lý, hiệu quả?

3.1. Chỉ sử dụng kháng sinh cho trẻ khi thật cần thiết

Trẻ rất dễ mắc những căn bệnh thông thường như cảm lạnh, viêm họng... Trước khi dùng thuốc cho trẻ, đặc biệt là kháng sinh, cần trao đổi cụ thể với bác sĩ về nguyên nhân gây bệnh để có cách điều trị hợp lý, an toàn.

Không nhất thiết phải dùng kháng sinh ngay lập tức. Trong nhiều trường hợp bệnh có thể tự khỏi. Nên nhớ rằng, vi khuẩn có thể kháng với một loại kháng sinh thông thường khiến các bệnh nhiễm trùng có thể trở nên khó điều trị hơn. Do đó, thuốc kháng sinh chỉ được sử dụng khi cần thiết.

3.2. Sử dụng kháng sinh đúng chỉ dẫn của bác sĩ

Cần dùng đúng liều, khoảng cách giữa các liều dùng và thời gian dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Nếu ngừng thuốc kháng sinh quá sớm, vi khuẩn còn sót lại có thể bắt đầu sinh sôi trở lại và tiếp tục gây bệnh. Cho trẻ uống thuốc cùng một thời điểm mỗi ngày có thể giúp bạn ghi nhớ hơn.

3.3. Không dùng lại đơn thuốc cũ

Tuyệt đối không cho trẻ dùng thuốc còn lại trong những lần kê đơn trước đó hoặc thuốc kháng sinh đã được kê đơn cho một thành viên khác trong gia đình hoặc người lớn. Vì các thuốc này chưa chắc đã phù hợp với tình trạng bệnh lý hiện tại.

3.4. Không lạm dụng thuốc kháng sinh

Cha mẹ không tự ý mua kháng sinh về dùng cho con, khi chưa biết chắc chắn nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn.

Việc lạm dụng kháng sinh có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc rất nguy hiểm.

3.5 Lưu ý khi dùng thuốc

Đối với trẻ nhỏ thường dùng các dạng thuốc lỏng như hỗn dịch, siro... cần dùng các dụng cụ đo lường liều lượng thuốc đi kèm sản phẩm. Tránh dùng các dụng cụ trong nhà bếp để đong thuốc, sẽ dễ xảy ra quá liều thuốc (gây ngộ độc) hoặc không đủ liều thuốc (không chữa được bệnh).

Viêm tai giữa là bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất ở trẻ em mà thuốc kháng sinh được kê đơn.

4. Một số kháng sinh cần lưu ý thận trọng hoặc không dùng cho trẻ

Fluroquinolone: Fluroquinolone đã được chứng minh tác động đến sự phát triển sụn thông qua tình trạng viêm và phá hủy các khớp xương. Cần cân nhắc kỹ giữa lợi ích và nguy cơ của các tác động khi bắt đầu sử dụng fluoroquinolones ở bệnh nhi. Chỉ sử dụng nhóm thuốc này khi nhiễm trùng nặng và thất bại với các liệu pháp điều trị khác.

Tetracyclines: Nhóm kháng sinh này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và răng của trẻ, khiến răng bị đổi màu vĩnh viễn. Các tác dụng phụ khác bao gồm quá mẫn cảm với ánh sáng khiến da bị phát ban, ảnh hưởng đến đường tiêu hóa và nhiễm độc gan hiếm gặp. Lưu ý, chống chỉ định tetracyclines ở trẻ dưới 8 tuổi.

Ngoài ra, tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, cũng như cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ, các kháng sinh aminoglycosid, phenicol, sulfamid hay lincosamid phải được sự chẩn đoán, điều trị và giám sát bởi chuyên gia y tế.

Ngủ trưa liệu có tốt cho sức khỏe như nhiều người nghĩ?

DS. Hoàng Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dung-khang-sinh-o-tre-co-gi-khac-biet-169230327081829482.htm