Đừng đưa con đi xét nghiệm Adenovirus nữa

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, nhiều phụ huynh cứ thấy con sốt là gọi xét nghiệm Adenovirus, trong đó 90 % là có kết quả âm tính.

Trẻ nghi ngờ mắc Adenovirus cần phải được bác sĩ chỉ định mới xét nghiệm. Ảnh: Freepik.

Con trai 15 tháng tuổi của chị M.T.T.H. (28 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) sốt 38,5 độ C hơn một ngày chưa hạ, ăn ít và quấy khóc. Trong khi đó, mạng xã hội và truyền thông thường xuyên nhắc tới tình hình số ca nhiễm Adenovirus tăng cao khiến người mẹ này rất lo lắng và nghi ngờ con mình mắc bệnh này.

Chị đã lên Internet để tìm dịch vụ xét nghiệm Adenovirus. Sau vài giờ tìm hiểu, chị H. nhận thấy có rất nhiều trung tâm hay các cá nhân nhận xét nghiệm Adenovirus ngay tại nhà. Mỗi nơi lại có một mức giá và loại xét nghiệm khác nhau.

Từ vài trăm đến hơn một triệu đồng/lần xét nghiệm

Sau khi bàn bạc với chồng, chị H quyết định đưa con vào một bệnh viện tư nhân khám bệnh. "Ở bệnh viện, tôi có bày tỏ mong muốn xét nghiệm Adenovirus cho con. Sau khi làm xét nghiệm máu, con tôi được chẩn đoán âm tính với Adeno, sốt xuất huyết, cúm A... Chi phí cho dịch vụ xét nghiệm này là 2,3 triệu đồng".

Hiện nay, trên mạng xã hội cũng tràn ngập các quảng cáo mời gọi xét nghiệm Adenovirus. Mức giá từ 230.000 đồng đến hơn một triệu đồng tùy từng dịch vụ xét nghiệm. Một hệ thống dịch vụ y tế liên tục đăng các bài viết về sự nguy hiểm của Adenovirus, hướng dẫn cách lấy mẫu xét nghiệm tại nhà... kèm theo số điện thoại và địa chỉ để khách hàng liên hệ khi có nhu cầu.

Bài viết quảng cáo dịch vụ xét nghiệm của một hệ thống y tế tư nhân trên mạng xã hội.

Nhiều trang cá nhân cũng liên tục đăng các bài quảng cáo các dịch vụ xét nghiệm Adenovirus cho cùng một hệ thống y tế tư nhân.

"Dịch vụ test nhanh có giá là 239.000 đồng. Xét nghiệm bằng phương pháp PCR lấy dịch vùng tỵ hầu, ngoài Adeno còn có thể phát hiện ra được 6 loại virus khác, giá là 1,1 triệu đồng", người tư vấn cho hay.

Không nên xét nghiệm vô tội vạ

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết gần đây, rất nhiều cha mẹ cứ thấy con sốt là đưa đi xét nghiệm Adeno virus, trong đó tới 90% bệnh nhi âm tính.

Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hoàng Hưng, chuyên khoa Nhi và giảng dạy lâm sàng tại Texas Tech University (TTU), Mỹ, cho rằng Adenovirus rất quen thuộc với các bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ chuyên khoa hô hấp. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường tăng cao vào hè và cuối năm.

Tuy nhiên, hiện nay, các dịch vụ xét nghiệm Adenovirrs "sốt" vì một số trung tâm có khả năng xét nghiệm quảng cáo rầm rộ hay các bài viết trên mạng xã hội làm người dân lo lắng.

"Người dân nên hiểu rằng dù xét nghiệm ra Adenovirus dương tính, các bác sĩ cũng kê toa và theo dõi giống nhiễm siêu vi (virus) thông thường. Chăm sóc trẻ nhiễm Adenovirus cũng giống như chăm những bé bị viêm hô hấp do virus khác. Phần lớn trẻ tự khỏi mà không có thuốc đặc trị", bác sĩ Hoàng Hưng cho hay.

Các chuyên gia khẳng định, với một lần xét nghiệm phát hiện được 2 hay 7 loại virus, chúng không có giá trị về mặt điều trị. Việc test cho trẻ tại nhà gây tốn kém tiền bạc không cần thiết.

Bác sĩ Phí Văn Công, khoa Hồi sức Cấp cứu Nhi, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội, chia sẻ bản thân ông rất ít khi cho bệnh nhân làm xét nghiệm Adenovirus.

"Trừ những trường hợp sốt kéo dài quá 5 ngày mà tôi nghĩ đó là do virus và cần kiểm chứng có phải Adeno không để có hướng điều trị phù hợp. Với những bệnh nhân sốt một hay 3 ngày, xét nghiệm là không cần thiết. Phụ huynh nghĩ con mình mắc bệnh rồi xét nghiệm. Khi cầm kết quả trên tay nhưng không biết ý nghĩa của xét nghiệm đó ra sao, cần làm gì tiếp theo, họ lại càng thêm hoang mang", bác sĩ Công nói.

Theo bác sĩ Thanh Sang, khi trẻ sốt trên 38 độ C, cha mẹ nên đưa con đi khám bác sĩ nhi để được đánh giá, không nên hoảng sợ và tự ý xét nghiệm Adenovirus.

Ngoài ra, bạn cần bình tĩnh để quan sát ngoài sốt ra, con có bất thường gì khác không (thở mệt, ho, xổ mũi, tiêu chảy…). Nếu trẻ sốt, bạn cho uống một liều hạ sốt paracetamol 15 mg/kg, sau đó đi khám bác sĩ. Giai đoạn sốt, trẻ mất nước nên chú ý cho uống nhiều nước và nước có điện giải.

Bác sĩ Sang khuyến cáo trẻ cần nhập viện khi có các biểu hiện như không thể uống hay bú mẹ, nôn, sốt co giật, ngủ ly bì khó đánh thức, thở nhanh và mệt, thở rít, thở rút lõm ngực, dấu hiệu mất nước (mắt trũng, da khô…), hoặc bất kỳ khi nào thấy trẻ sốt mà có triệu khác bất thường cần đi khám ngay, không nên tự ý điều trị tại nhà.

"Phụ huynh cần bình tĩnh vì Adenovirus không mới, không nhất thiết phải xét nghiệm và cũng không phải tất cả bệnh nhân cần nhập viện. Trẻ nên khám để bác sĩ quyết định cho con. Uống nhiều nước, nghỉ ngơi và phòng ngừa (rửa tay, khẩu trang) vẫn là quan trọng nhất", bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố nói.

Tại sao trẻ bị bệnh nặng?

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, những trường hợp trẻ trẻ mắc Adenovirus bị nặng thường từ các nguyên nhân:

- Trẻ có bệnh nền (tim mạch, thận, huyết học…) trước đây hoặc suy giảm miễn dịch (bẩm sinh hoặc do thuốc…) thường trở nặng.

- Trẻ suy dinh dưỡng, béo phì, ung thư… nguy cơ mắc bệnh do miễn dịch suy giảm.

- Bội nhiễm thêm vi trùng cơ hội do khi nhiễm Adenovirus khiến miễn dịch trẻ suy giảm.

"Hiện, chúng ta có hơn 60 chủng khác nhau và chưa có vaccine phòng ngừa. Cơ chế lây nhiễm thường giữa người với người thông qua tiếp xúc giọt đường hô hấp hoặc bề mặt có chứa virus. Vì vậy, điều quan trọng nhất vẫn là phòng bệnh bằng cách rửa tay, người lớn ho, cảm lạnh hạn chế tiếp xúc trẻ em và luôn dùng khẩu trang", bác sĩ Sang cho hay.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần chuẩn bị cho con chế độ dinh dưỡng đa dạng, ngủ đủ giấc và uống nhiều nước để tăng đề kháng. Tiêm chủng đầy đủ các mũi quan trọng (6 trong 1, phế cầu, cúm...), tránh trường hợp nhiễm Adenovirus và thêm các bệnh khác trẻ sẽ nặng hơn rất nhiều.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dung-dua-con-di-xet-nghiem-adenovirus-nua-post1362200.html