Dừng đốt vàng mã tràn lan, năng làm thiện nguyện

Những năm qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh rất nhiều về tình trạng đốt vàng mã tràn lan. Tệ đốt vàng mã đã gây lãng phí lớn về mặt kinh tế cho xã hội, ảnh hưởng tới môi trường. Hiện nay, một số nơi thờ tự đã 'nói không' với vàng mã, dành tiền công đức làm thiện nguyện.

Không đốt đồ mã tràn lan, gây lãng phí, ảnh hưởng môi trường. (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Tôn vinh ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng

Năm nay, giá vàng mã cao hơn năm ngoái do giá nguyên liệu tăng. Tuy vậy, sức tiêu thụ mặt hàng này không hề giảm, đồng nghĩa với việc có nhiều tỷ đồng bị thiêu rụi trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội xuân này. Nếu chỉ tính trung bình mỗi gia đình đốt 50 nghìn đồng tiền vàng mã, với khoảng 27 triệu hộ gia đình thì con số đã lên đến cả ngàn tỷ đồng.

Ngày 30/1/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024. Trong Công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, biến tướng, lệch chuẩn xã hội, lợi dụng các hoạt động tâm linh nhằm trục lợi, không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan gây tốn kém, lãng phí hoặc không đúng nơi quy định tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo...

Thủ tướng giao Bộ VH,TT&DL chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của Nhân dân và du khách, nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật của Nhà nước về tổ chức lễ hội; về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống; không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan, gây tốn kém, lãng phí, bảo đảm an toàn, tiết kiệm bảo vệ môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc; tổ chức lễ hội phải đúng quy định của pháp luật, không tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc của Nhân dân, xã hội và Nhà nước...

Trước đó, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đã đề nghị chư Tôn đức Tăng Ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, loại bỏ đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Nơi thờ tự “nói không” với vàng mã

Hơn chục năm gần đây, một số đền, phủ, chùa đã đi đầu “nói không” với đốt vàng mã. Như chùa Liên Hoa tại quận 11, TP HCM, năm 1998 ra thông báo các phật tử khi đến chùa cúng vong linh xin miễn đốt giấy tiền, vàng mã, để lấy số tiền chuẩn bị đốt chuyển thành tiền thật, cứu giúp bà con nghèo và học sinh vùng sâu, vùng xa. Lò hóa vàng tại chùa được dỡ bỏ, việc thắp nhang trong chùa cũng được hạn chế. Đến nay, đã hơn 20 năm, chùa Liên Hoa không có vàng mã, thay vào đó, ngôi chùa đã trở thành địa chỉ ấm áp với những tấm lòng sẻ chia, thiện nguyện.

Một ngôi chùa khác ở miền Bắc nhiều năm qua cũng được biết đến là nơi không đặt hòm công đức, không đốt vàng mã. Đó là chùa Tiêu, xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ngôi chùa yêu cầu các phật tử và người đi lễ không đốt vàng mã, không đặt tiền lễ và không dâng cúng rượu thịt. Vị trụ trì chùa Tiêu cho rằng, việc đốt vàng mã không mang ý nghĩa gì lại tốn kém tiền bạc, gây hại môi trường. Vì vậy, đốt vàng mã với suy nghĩ “trần sao âm vậy” là điều cần phải thay đổi. Mọi người đi chùa để tâm thanh tịnh, để tìm về chính đạo, để tu hành, tìm về tiền nhân, đừng để sự vướng bận, vội vã, xô bồ, mê tín khi đến ngôi chùa cổ kính này.

Thêm một ngôi chùa duy trì không đốt vàng mã trong suốt 10 năm qua là chùa Cự Linh ở xã Tân Hưng, TP Hải Dương. Chùa thường xuyên tuyên truyền cho các phật tử về việc không đốt vàng mã và chuyển sang làm những điều có ích cho cộng đồng. Nội quy không đốt vàng mã được chùa Cự Linh duy trì từ năm 2010. Sư thầy trụ trì chùa Cự Linh tổ chức 2 khóa lễ, một khóa dành cho những người muốn đốt vàng mã, một khóa cho những người không đốt vàng mã.

Với khóa lễ đốt vàng mã, sau khi thực hành nghi lễ xong, sư thầy dành thêm thời gian để tuyên truyền, giảng giải cho mọi người hiểu Phật giáo không khuyến khích đốt vàng mã và vì sao nên dừng lại. Tại các khóa tu do chùa tổ chức, sư thầy đều dành ra ít nhất một giờ để thuyết giảng về việc này. Sư thầy cũng đề nghị các phật tử hỗ trợ nhà chùa tuyên truyền đến người thân trong gia đình, bạn bè, bà con lối xóm không đốt vàng mã, không nhét tiền vàng vào quan tài người chết, không rải tiền vàng ra đường khi nhà có đám tang...

Ông Trương Tín Hồi - Trưởng ban Quản lý Di tích phủ Tây Hồ (Hà Nội) chia sẻ: “Trong khi Chính phủ đang kêu gọi toàn dân tiết kiệm, chỉ vì mê tín dị đoan, người dân lại đốt số tiền hàng trăm tỉ đồng - số tiền thấm đẫm mồ hôi và nước mắt. Với số tiền ấy, chúng ta có thể xây thêm nhiều trường học, nhiều mái ấm, chăm lo cho những Bà mẹ Việt Nam anh hùng hay những trẻ em lang thang cơ nhỡ, lo thuốc men cho trẻ tàn tật…”. Từ nhiều năm nay, Ban Quản lý phủ Tây Hồ nghiêm cấm đốt đồ mã. Mỗi khách thập phương chỉ được thắp một nén nhang và hạn chế lễ tiền vàng. Từ việc làm thiết thực đó, phủ Tây Hồ luôn đi đầu việc tiết kiệm và chống mê tín dị đoan. Đặc biệt, hàng năm, phủ Tây Hồ đã góp tiền công đức để hỗ trợ người nghèo, Nhân dân trong vùng thiên tai, bão lụt, trẻ em mồ côi, cơ nhỡ, các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam…

Nếu các đền, đình, chùa trong cả nước đều thực hiện được điều này thì sẽ mang đến nhiều điều tốt đẹp cho cộng đồng, từ đó tiếp tục lan tỏa nếp sống văn minh trong Nhân dân.

Thùy Dương

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/dung-dot-vang-ma-tran-lan-nang-lam-thien-nguyen-post505246.html