Đừng đợi cần chữa lành mới tìm đến sách

Chữa lành không chỉ là sửa chữa những bất ổn về tâm lý, tinh thần, mà mở rộng ra, sách có thể là người thầy giúp người đọc tìm ra hướng đi trong những hoàn cảnh bế tắc.

Buổi tọa đàm được diễn ra vào tối 17/4 tại Công xã Paris, là một trong những hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc lần 3 tại TP.HCM. Tại đây, các diễn giả đã có dịp chia sẻ về lợi ích chữa lành cùng sách, cũng như góc nhìn rộng hơn về dòng sách chữa lành.

Bản chất sách đã mang tính chữa lành

Chia sẻ tại tọa đàm, nhà văn Bùi Tiểu Quyên - tác giả của nhiều đầu sách thiếu nhi - bày tỏ sự lo lắng khi chứng kiến nhiều bạn trẻ rơi vào khủng hoảng tinh thần, trong đó nhiều người vẫn còn đang trong độ tuổi học sinh. “Không chỉ người trường thành, trẻ con cũng cần chữa lành”, cô đúc kết sau một chuyến thăm trường và lắng nghe chia sẻ của học sinh.

(Từ trái sang) MC, nhà báo Tấn Tài, nhà văn Tiểu Quyên và sư cô Suối Thông tại tọa đàm "Chữa lành bằng sách" vào tối ngày 17/4 tại TP.HCM. Ảnh: BTC.

“Các em cũng có nhu cầu được xoa dịu an ủi. Và khi đến với sách, các em có thể tìm thấy cho mình sự đồng cảm, nguồn động viên tinh thần, mỗi khi cảm thấy không thể chia sẻ nỗi niềm cùng ai”, cô nói.

“Ngày nay chúng ta nghe về chữa lành rất nhiều. Đó là khi người ta chông chênh, mất cân bằng, họ cần đến nhiều phương pháp hỗ trợ thì trong đó, sách có thể là một phương pháp hỗ trợ tốt. Tôi nghĩ một cuốn sách chữa lành có thể thuộc một lĩnh vực hoặc là nhiều lĩnh vực” - sư cô Suối Thông chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm đó, nhà báo Tấn Tài cho biết chữa lành không chỉ là sửa chữa những bất ổn về tâm lý, tình cảm, tinh thần, mà mở rộng ra, sách có thể là người thầy giúp người đọc tìm ra hướng đi trong những hoàn cảnh bế tắc và giải quyết vấn đề trong thực tế.

“Tôi nghĩ rằng sẽ không có một dòng sách nào được khu biệt với cụm từ là sách chữa lành cả. Bởi vì chúng ta có chữa lành cùng sách. Bản thân sách đã mang đến một giá trị để tạo nên một giải pháp, một liều thuốc chữa lành những tổn thương trong mọi người. Mở rộng ra, tôi nghĩ rằng khi gặp những vấn đề trắc trở nào đó, mình phải giải quyết ngay những vấn đề đó và nó có thể được tìm thấy trong sách”, anh nói.

Các diễn giả cho rằng khái niệm sách chữa lành không nên bị giới hạn. Ảnh: BTC.

Theo các diễn giả, độc giả có thể bắt gặp được những phương thuốc chữa lành của chính mình trong nhiều thể loại và đề tài sách khác nhau. Đó có thể là một câu thơ, hay một vài dòng viết trong những trang sách về thiền quán, hoặc trong những quyển sách truyền cảm hứng giúp cho chúng ta có thêm sự định hướng, tái lập được trạng thái cân bằng bên trong của mình.

Tích lũy “sức đề kháng” lâu dài bằng sách

Trả lời thắc mắc của khán giả rằng đâu là thời điểm thích hợp để đọc sách và chữa lành, các diễn giả cho rằng có thể đọc sách để giải quyết vấn đề hiện tại, song không nhất thiết phải đợi đến lúc có vấn đề mới tìm đến sách. Việc đọc sách thường xuyên cũng giống như chuẩn bị một sức đề kháng tốt trước khi biến cố xảy đến.

“Mình đọc để mở rộng chân trời, để cảm nhận và để hiểu thêm về cuộc đời. Vì vậy tôi nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu chúng ta gieo một hạt mầm, ngay cả khi lòng chúng ta bình yên để tạo điểm tựa cho bản thân trong những lúc khó khăn”, nhà văn Tiểu Quyên chia sẻ.

Theo sư cô Suối Thông, độc giả có thể chọn cho mình những cuốn sách phù hợp bằng cách tìm kiếm những tác giả mà bản thân có sự đồng cảm để đọc nhiều sách hơn, hoặc tham khảo gợi ý từ những người nổi tiếng, các tác giả uy tín để mở mang góc nhìn đa chiều.

“Điều quan trọng là đọc, mình đọc trực tiếp, đọc thật nhiều vào thì mình mới cảm thấu được” - nhà báo Tấn Tài chia sẻ.

Phương Vy

Nguồn Znews: https://znews.vn/khong-chi-sach-chua-lanh-moi-co-the-chua-lanh-post1470925.html