Đừng để vi phạm chỉ vì 'còi quá to, đèn quá sáng'

Phương tiện giao thông được trang bị đèn, còi nhằm hỗ trợ người điều khiển tham gia giao thông có cái nhìn bao quát vào ban đêm, cảnh báo các phương tiện khác khi lưu thông trên cùng tuyến đường. Với sự phát triển của công nghệ, đèn, còi trên các phương tiện ô tô, xe máy ngày càng được cải tiến và đa dạng về mẫu mã, thiết kế. Căn cứ vào các tiêu chuẩn kỹ thuật, đèn, còi được thiết kế có độ sáng và âm thanh vừa đủ để có thể hỗ trợ cho người điều khiển phương tiện nhưng không ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông khác.

Tình trạng sử dụng đèn chiếu xa trong các tuyến đường qua khu dân cư vẫn còn phổ biến.

Tại Điều 8, Luật Giao thông đường bộ đã quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có các hành vi: Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ, bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư (trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định); lắp đặt, sử dụng còi, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới; sử dụng thiết bị âm thanh gây mất trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng.

Quy định là vậy, song trên các tuyến đường, tuyến phố, không khó để bắt gặp những tình huống tiếng còi xe quá to, đèn xe quá sáng. Hình ảnh những chiếc đèn chiếu xa của xe ô tô, xe máy rọi thẳng vào mắt của người đi ngược chiều, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, nhất là ở những cung đường hẹp, đông phương tiện qua lại. Tình trạng rọi đèn chiếu xa như vậy, khiến không ít người bức xúc.

Anh Đỗ Văn Hiệp (phường Long Anh, TP Thanh Hóa), lái xe chở hàng cho một công ty vận tải ở TP Thanh Hóa, chia sẻ: “Làm lái xe nhiều năm, thường xuyên phải đi các tỉnh khác vào ban đêm trên các tuyến quốc lộ, đường liên tỉnh, liên huyện, mỗi khi đi đường mà gặp phải những xe ngược chiều cố tình bật đèn chiếu xa hay gắn thêm đèn led thì cảm giác rất khó chịu. Gặp trường hợp này thì cách tốt nhất là nên giảm tốc độ, đi sát vào phần đường bởi nếu không rất dễ rơi vào tình trạng lóa mắt, hạn chế tầm nhìn, thậm chí rơi vào tình trạng “mù” tạm thời, có thể dẫn đến những tình huống va chạm hết sức nguy hiểm”.

Trên thực tế, có rất nhiều tình huống, vụ việc va chạm, tai nạn giao thông có nguyên nhân gián tiếp từ những chiếc đèn chiếu xa. Đơn cử, theo báo Pháp luật và Xã hội đưa tin, vào sáng sớm ngày 10/1/2024, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) cấp cứu cho 2 nạn nhân đi xe máy bị tai nạn nghiêm trọng do bị đèn pha xe ô tô đi ngược chiều. Nạn nhân cho biết, khi đang trên đường bất ngờ bị đèn pha xe ô tô đi ngược chiều chiếu vào khiến mắt bị lóa không nhìn thấy đường và xảy ra tai nạn. Đoạn đường xảy ra tai nạn vào khoảng thời gian đó trời vẫn tối và có mưa. Vụ tai nạn khiến xe máy của 2 nạn nhân biến dạng, cả hai nạn nhân đều bị thương nặng.

Bên cạnh đèn chiếu xa, tiếng còi xe cũng là nỗi ám ảnh của nhiều người khi tham gia giao thông. Chuyện lạm dụng còi xe, bấm còi trong nhiều tình huống vô lý vẫn luôn diễn ra hằng ngày trên các tuyến phố. Đơn cử, tại ngã tư có đèn tín hiệu giao thông, không ít trường hợp tín hiệu đèn đỏ chưa kết thúc, những chiếc xe phía sau đã bấm còi inh ỏi để thúc giục xe phía trước di chuyển sớm. Trong nhiều tình huống nguy hiểm hơn, việc sử dụng còi xe tùy tiện hoặc gắn còi xe có âm lượng lớn, khiến không ít người giật mình khi tham gia giao thông, nhất là những người lớn tuổi, người tay lái yếu đi xe đạp, xe máy... Trong nhiều tình huống như vậy, không ít trường hợp vì giật mình, mất lái, tự ngã, thậm chí dẫn đến những hậu quả vô cùng đáng tiếc.

Quy định xử phạt về hành vi vi phạm về sử dụng đèn, còi trong khu đông dân cư đã được quy định rõ tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021. Theo đó, đối với ô tô và các loại xe tương tự ô tô, phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Bấm còi trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định; phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.

Đối với xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi bấm còi trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư. Mức phạt sẽ tăng lên 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với hành vi bấm còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.

Để sử dụng đèn, còi khi tham gia giao thông đúng quy định, điều quan trọng nhất, mỗi người cần nâng cao ý thức, văn hóa khi tham gia giao thông, đừng để mắc lỗi vi phạm chỉ vì còi quá to, đèn quá sáng. Sử dụng đèn, còi khi tham gia giao thông đúng quy định cũng là cách ứng xử văn minh, góp phần bảo đảm an toàn cho những người xung quanh.

Bài và ảnh: Minh Hiền

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/phap-luat/dung-de-vi-pham-chi-vi-coi-qua-to-den-qua-sang/205352.htm