Đừng để nhà đầu tư ra đi vì… chậm chân

Đã có một số nhà đầu tư đi đến quyết định hủy bỏ kế hoạch đầu tư hoặc không tiếp tục rót thêm vốn vì cơ chế chính sách thu hút đầu tư còn vướng mắc. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa sẵn sàng về đất đai, hạ tầng, hoặc chậm phát triển nguồn nhân lực… cũng cản trở sự thích ứng của nhà đầu tư.

Chuyện Orsted dừng kế hoạch điện gió ngoài khơi

Sau nhiều năm theo đuổi các cơ hội phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, Tập đoàn năng lượng Orsted hồi giữa năm nay đã chính thức tuyên bố dừng kế hoạch đầu tư ở Việt Nam.

Điều này đã gây nhiều sự tiếc nuối với các nhà xúc tiến đầu tư và các chuyên gia năng lượng tái tạo, bởi Orsted là nhà phát triển điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới. Là doanh nghiệp do Chính phủ Đan Mạch chiếm cổ phần chi phối và là nhà đầu tư dài hạn, có năng lực, kinh nghiệm và thành công trong xây dựng ngành công nghiệp cho địa phương.

Mặt khác, khi chọn Việt Nam, tập đoàn này đã thể hiện sự quyết tâm cao muốn thực hiện dự án đầu tư ở nền kinh tế gần 100 triệu dân khi mở văn phòng đại diện tại Hà Nội với thời gian hoạt động được hơn 2 năm qua.

Năm 2021, Orsted đã đến Việt Nam và mong muốn đầu tư dự án điện gió ngoài khơi tại vùng biển Hải Phòng. Hơn 3 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, Orsted đã có những đề xuất táo bạo, nhiều hoạt động nghiên cứu có giá trị và một kế hoạch đầu tư điện gió ngoài khơi cùng với một đối tác lớn trong nước với khoản đầu tư dự kiến lên đến hàng chục tỉ đô la Mỹ. Ngoài Hải Phòng, các địa phương khác được xác định để đầu tư bao gồm Thái Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận và một số tỉnh miền Trung, Nam Trung bộ.

Trên thực tế, với chiều dài bờ biển hơn 3.400 km, Việt Nam được các chuyên gia quốc tế đánh giá là có nguồn tài nguyên gió tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 5 ở châu Á và thứ 13 trên thế giới. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Năng lượng Đan Mạch, tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi của Việt Nam lên đến 599.000 MW…

Đáng chú ý, công nghiệp điện gió ngoài khơi rất tương đồng với ngành dầu khí ngoài khơi. Trong khi đó, chuỗi cung ứng cho ngành dầu khí của Việt Nam được đánh giá là thiết lập tốt, có thể sử dụng gần như ngay lập tức hoặc chuyển đổi nhanh chóng để hỗ trợ thực hiện nhiều công đoạn trong quá trình xây dựng hoặc thiết lập hệ thống hạ tầng cần thiết để phát triển trang trại điện gió ngoài khơi.

Tiềm năng là vậy nhưng việc tham gia phát triển điện gió ngoài khơi của các nhà đầu tư đang gặp nhiều khó khăn do thiếu hành lang pháp lý. Đó là chưa phê duyệt quy hoạch không gian biển quốc gia nên chưa có căn cứ xác định phạm vi quản lý biển; pháp luật về đầu tư chưa quy định cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án loại này. Các quy định về thủ tục, trình tự, hồ sơ, quản lý hoạt động đo đạc, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển, gió cũng chưa có…

Theo giới phân tích, việc Orsted rút chân khỏi hoạt động phát triển các dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam có sự ảnh hưởng nhất định từ độ trễ của khung chính sách hướng dẫn, phát triển dành cho lĩnh vực này.

Bởi lẽ ngay cả sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt vào giữa tháng 5, thị trường vẫn phải chờ kế hoạch triển khai nhằm xác định phân bổ mục tiêu công suất cho từng thời kỳ cũng như quy định hướng dẫn về cơ chế lựa chọn nhà đầu tư. Do chưa có chính sách rõ ràng, thống nhất nên nhà đầu tư chưa mạnh dạn rót hàng tỉ đô la vào các dự án. Hơn nữa, cơ chế lựa chọn nhà đầu tư và cơ chế bán điện vẫn chưa rõ ràng.

Trên thực tế, lãnh đạo Orsted từng cho rằng về khía cạnh đầu tư phát triển dự án, nhà phát triển năng lượng tái tạo này không tin rằng thị trường Việt Nam đủ hấp dẫn so với các thị trường khác…

Một chuyên gia năng lượng cho rằng, nguồn lực cho điện gió ngoài khơi thực sự hữu hạn, không phải là vô tận, nên các nhà đầu tư luôn phải ưu tiên tập trung nguồn lực vào các khu vực tiềm năng.

“Việc chậm trễ trong cấp phép, triển khai các dự án điện gió ngoài khơi cũng như thiếu hành làng pháp lý, hướng dẫn cụ thể trong việc đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi đã bắt đầu dẫn đến những hệ quả tiêu cực”, vị chuyên gia này nói.

Không riêng Tập đoàn Orsted mà theo vị chuyên gia này, các nhà đầu tư năng lượng lớn khác trên thế giới đã bắt đầu mất kiên nhẫn và xem xét lại chính sách của họ, không ưu tiên thị trường Việt Nam nữa.

Và như vậy Việt Nam sẽ mất rất nhiều, từ thu hút đầu tư nước ngoài đến việc đạt được các mục tiêu về phát thải ròng, trong khi nguồn cung cấp điện cho sinh hoạt và sản xuất lại đang thiếu hụt.

Trong khi đó, suất đầu tư cho điện gió ngoài khơi là rất lớn, khoảng 2,5-3 tỉ đô la Mỹ cho 1.000 MW công suất và thời gian thực hiện từ 6-8 năm kể từ lúc bắt đầu khảo sát. Nếu không thu hút được nguồn lực từ nước ngoài và triển khai ngay từ bây giờ thì mục tiêu 6.000 MW công suất điện gió ngoài khơi vào năm 2030 theo Quy hoạch điện 8 sẽ khó có thể đạt được.

Đừng đánh mất cơ hội… vì chậm chân

Không riêng lĩnh vực năng lượng gió ngoài khơi, câu chuyện “chậm chân” về chính sách thu hút đầu tư, hạ tầng, “đất sạch”, và cả nguồn nhân lực… cũng khiến một số địa phương bị tuột mất cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư chất lượng.

Xu hướng dịch chuyển đầu tư đã và đang diễn ra. Với nhiều lợi thế về địa chính trị, sự ổn định kinh tế vĩ mô và độ mở của nền kinh tế, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia hấp dẫn, nhận được sự quan tâm của nhiều tập đoàn lớn.

Có thể nhận định cơ hội thu hút dòng vốn ngoại vào sản xuất công nghiệp của Việt Nam được cho là rất lớn trong bối cảnh các công ty đa quốc gia muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng, dịch chuyển đầu tư. Tuy nhiên, một số địa phương và nhà phát triển hạ tầng sản xuất công nghiệp đã chậm chân đón lấy cơ hội này.

Như tại khu vực Đông Nam bộ, các nhà đầu tư nước ngoài liên tục “đổ bộ” tìm hiểu cơ hội đầu tư nhưng một số địa phương đã bỏ lở cơ hội vì chậm chân hạ tầng sản xuất và thiếu “đất sạch” để xây nhà xưởng.

Cuộc đua thu hút đầu tư giữa các quốc gia ngày càng gay gắt. Ảnh minh họa: H.Lê

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai từng từng tỏ ra tiếc nuối khi để vuột mất cơ hội thu hút đầu tư dự án lên đến tỉ đô la Mỹ đến của nhà đầu tư Đan Mạch cùng các dự án đầu tư khác đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu… vì sự chậm trễ trong việc chuẩn bị hạ tầng phục vụ sản xuất công nghiệp.

Không riêng Đồng Nai mà thời gian qua, một số địa phương khác trong vùng cũng đã để vuột các dự án sản xuất quy mô lớn vì chưa sẵn sàng hạ tầng sản xuất công nghiệp hoặc nhiều gút mắc về quy định đất đai chưa được tháo gỡ.

Tại TPHCM, một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong ngành dược phẩm, trang thiết bị y tế, công nghệ kỹ thuật của châu Âu, Hàn Quốc, Ấn Độ,… muốn đầu tư nhà xưởng sản xuất nhưng do chưa tìm được địa điểm đầu tư. Thực tế quỹ “đất sạch” còn ít được ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban quản lý các KCX – KCN TPHCM (Hepza) thừa nhận. Điều này dẫn đến mất cơ hội thu hút các dự án đầy tư quy mô lớn trong những năm qua và hiện nay.

Theo ông Đức, làn sóng chuyển dịch đầu tư từ các nước qua Việt Nam đang diễn ra. Ông ví những nhà đầu tư này như những “đại bàng”, nhưng TPHCM hiện tại chỉ có tổ của “chim sẻ” và không đủ cho đại bàng ở lại. Vì vậy, TPHCM không thể nào kêu gọi các nhà đầu tư lớn vào đầu tư. “Nếu chúng ta không xử lý được điểm nghẽn về đất thì khó có thể phát triển công nghiệp, không có đất thì không thể thu hút đầu tư”, ông Đức lưu ý.

Tương tự, UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng nguyên nhân tỉnh này thu hút FDI chưa đạt kỳ vọng trong đó là do một số cơ chế, chính sách quy định liên quan đến lĩnh vực đầu tư (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp…) còn bất cập, nhiều nội dung chưa đồng bộ, gây lúng túng cho các cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện. Một số dự án phải thực hiện thủ tục kê khai tài nguyên rừng mới đủ điều kiện để gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng, điều chỉnh tiến độ nên thời gian thực hiện thủ tục kéo dài…

Ngay cả tại Khu công nghệ cao TPHCM – nơi thu hút những dự án công nghệ, giá trị gia tăng cao và chất lượng đòi hỏi cần nhiều sự hỗ trợ về thủ tục đầu tư, nhưng thời gian qua nơi đây cũng bị các nhà đầu tư phản ánh gặp trở ngại và kéo dài thời gian so với trước.

Nguyên nhân được cho là việc ra đời của các luật chuyên ngành, cơ chế “một cửa, tại chỗ” trước đây của Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM bị phá vỡ dẫn đến thời gian triển khai của các dự án đầu tư bị kéo dài

Các chuyên gia cho rằng tốc độ ra quyết định chậm, thiếu linh hoạt trong việc điều chỉnh các cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư chiến lược… là những rào cản chính khiến Việt Nam mất lợi thế trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh sự dịch chuyển chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng các ngành đang diễn ra mạnh mẽ cả trên phương diện tốc độ và cường độ.

Có thể nhận định, sự dịch chuyển chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp đang diễn ra hết sức mạnh mẽ và giới phân tích cho rằng Việt Nam cần phải khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để đón đầu xu hướng.

Đáng chú ý là Việt Nam sẽ áp dụng thuế suất tối thiểu 15% (thuế tối thiểu toàn cầu) từ 1-1-2024. Tổng Cục thuế tính toán sơ bộ có khoảng 122 Tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của Quy định này.

Nhà máy Intel tại Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Những cái tên như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron… với vốn đầu tư đăng ký chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam (khoảng 131,3 tỉ đô la Mỹ) là những dự án có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu.

Việc áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong thời gian hưởng ưu đãi miễn giảm thuế, có thuế suất thực tế thấp hơn 15%. Tức là ưu đãi về thuế của Việt Nam dành cho các doanh nghiệp ngoại sẽ không còn tác dụng, nên có thể ảnh hưởng tới môi trường đầu tư. Đặc biệt là với các nhà đầu tư chiến lược trong bối cảnh cạnh tranh rất gay gắt trong thu hút đầu tư nước ngoài hiện nay.

Trước đó, tại các cuộc xúc tiến đầu tư, các doanh nghiệp FDI đề xuất Việt Nam sớm có chính sách hỗ trợ để giảm tác động. Trong đó, kiến nghị Việt Nam sẽ cần phải “bù lại” bằng cách thông qua các cơ chế, chính sách ưu đãi khác bên cạnh việc nâng cao môi trường kinh doanh (lao động, cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính …).

Các chuyên gia lo ngại ưu đãi về thuế sụt giảm so với quá khứ sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài có thể rút vốn, chuyển bớt đầu tư sang quốc gia khác nếu chỉ thấy “Việt Nam tăng thu, mà không hỗ trợ trở lại”. Do đó, đi kèm với cơ chế áp thuế tối thiểu toàn cầu, cần nghiên cứu thêm chính sách hỗ trợ trở lại để doanh nghiệp nước ngoài yên tâm đầu tư.

Để “bù đắp” và thu hút FDI quy mô lớn, đồng thời bảo đảm quyền đánh thuế, tăng thu ngân sách nhà nước, các ý kiến cho rằng trước mắt, Chính phủ phải đàm phán riêng với từng doanh nghiệp sẽ bị áp thuế tối thiểu trong năm tới để tìm ra giải pháp hài hòa “hai bên cùng thắng”. Đồng thời phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực, giảm chi phí về thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp, tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch…

Thực tế, trước đó, đại diện một số doanh nghiệp FDI, như Canon Việt Nam, cũng từng kiến nghị cơ quan quản lý cân nhắc các chính sách khác, nhằm đảm bảo doanh nghiệp được những ưu đãi theo luật, cũng như những cam kết với doanh nghiệp trước đó để giữ dòng vốn và thu hút đầu tư mới.

Trả lời với truyền thông về việc cần cải thiện để Việt Nam phát triển tốt hơn ngành công nghiệp bán dẫn, ông Kim Huat Ooi, Phó Chủ tịch phụ trách sản xuất, chuỗi cung ứng và vận hành của Intel, cho rằng cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư trên thế giới đang diễn ra, nhiều nước đưa ra các chính sách khuyến khích đầu tư rất hấp dẫn. “Chúng tôi khuyến nghị Việt Nam có các chính sách khuyến khích phù hợp. Và tôi cho rằng Chính phủ đang rất cởi mở, tiếp thu, lắng nghe nhà đầu tư”.

Hùng Lê

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dung-de-nha-dau-tu-ra-di-vi-cham-chan/