'Dùng dằng' di tích

Vốn là một địa danh lịch sử nổi tiếng, thế nhưng bây giờ, nơi này xuống cấp, nằm hiu hắt trên con đường thiên lý Bắc - Nam. Hoành Sơn Quan đang chờ một cái 'bắt tay lịch sử' để đổi thay thân phận bị bỏ rơi của mình.

Một góc Hoành Sơn Quan nhìn từ trên cao trên con đường thiên lý Bắc - Nam. Ảnh: Tiêu Dao

Rực rỡ một huyền thoại

Hoành Sơn Quan là một di tích! Điều đó là chắc chắn. Địa điểm ấy không chỉ nổi tiếng trong thi ca, trong những lời sấm truyền, trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, mà còn là một địa điểm tạc ghi biết bao dấu ấn của đời, của người hàng trăm năm qua.

Nằm trên địa phận đèo Ngang giữa ranh giới của hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình bây giờ, Hoành Sơn Quan được mệnh danh là cổng trời, sánh ngang với “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” là đèo Hải Vân trên con đường thiên lý Bắc - Nam hàng trăm năm qua và là một danh thắng vốn đã nổi tiếng từ xưa. Nơi đây không chỉ nổi tiếng từ khi Thanh Quan nữ sĩ “Bước tới đèo Ngang...” để lại bài thơ bất hủ mà đã nổi tiếng từ thời hoàng đế Lê Thánh Tông nam chinh, rồi còn có nhiều tao nhân mặc khách danh tiếng, từ Nguyễn Thiếp, Nguyễn Nễ, Bùi Dương Lịch, hoàng đế Thiệu Trị... đến Nguyễn Trường Tộ, Cao Bá Quát, Lê Văn Huân, Xuân Thủy, Phạm Tiến Duật... và còn có trong lời sấm “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” nổi tiếng của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Theo sử sách ghi lại, đèo Ngang là ranh giới tự nhiên của Đại Việt và Chăm Pa. Sau đó trở thành điểm phân định Đằng Trong - Đằng Ngoài. Nguyễn Hoàng là người đầu tiên đặt tên “Quảng Bình”, năm Hoằng Định thứ 5 (năm 1640). Nguyễn Hoàng cải đổi tên các khu vực hành chính hai xứ Thuận Quảng, đổi phủ Tân Bình làm phủ Quảng Bình. Tên gọi Quảng Bình được bắt đầu từ đây. Thời gian Trịnh Nguyễn phân tranh kèo dài 228 năm, đến năm 1786 là kết thúc cuộc chiến. Nguyễn Huệ là người đầu tiên xóa bỏ ranh giới sông Gianh (năm 1786), nhập hai châu Nam, Bắc Bố Chính thành châu Thuận Chính.

Hoành Sơn Quan được xây dựng năm Minh Mệnh thứ 14 (năm 1833). Cửa ải được xây trên núi, xung quanh được xây dựng bằng đá núi, phía trước có mở một cửa, bên tả, bên hữu có tường ngăn, có trại lính. Đặc biệt, chúng ta biết được đội quân xây dựng là 300 người, do Thự Bố Chính là Trần Văn Tuân cai quản, thời gian hoàn thành là 1 tháng, sau khi hoàn thành thì 20 lính Quảng Bình thay phiên nhau canh giữ. Cửa ải Hoành Sơn Quan ngày xưa là một điểm quan trọng trấn giữ con đường thiên lý Bắc - Nam với cổng Hoành Sơn có chiều cao hơn 4m, được khởi công từ triều Minh Mạng thứ 14. Hoành Sơn Quan trước đây mỗi bên có 1.000 bậc thang đá để dân chúng leo lên và leo xuống theo triền núi để qua đèo. Hoành Sơn Quan được xây dựng để kiểm soát đi qua lại nơi đây.

Hoành Sơn Quan được xem như một chứng tích lịch sử đặc biệt, một điểm nhấn cho vẻ đẹp của dãy núi Hoành Sơn. Gần 200 năm qua, sau thời gian dài "trơ gan cùng tuế nguyệt", cửa Hoành Sơn hiện nay ở phía Nam chỉ còn lại dấu tích, không còn bậc đá, phía Bắc vẫn còn vài trăm bậc đá. Trên đỉnh Hoành Sơn mây hay ngưng tụ khiến đèo Ngang hun hút mưa mây nắng ngàn, nơi những bậc đá rêu phong dường như vẫn còn đâu đó dấu chân của các bậc tiền nhân đã từng Nam Bắc trên đường thiên lý và cả những bậc mặc khách tao nhân ghé qua, lưu lại hậu thế những câu sấm truyền, những vần thơ trữ tình lãng mạn nặng bước người qua.

Là một di tích lịch sử hiếm hoi còn tồn tại ở Việt Nam, Hoành Sơn Quan vẫn giữ được những nét cổ kính đậm chất truyền thống với những cửa ải bằng đá được xây dựng trên núi. Hoành Sơn Quan giờ đây tuy không nguyên vẹn, nhưng vẫn uy nghi, phong trần nơi đầu núi góc biển, là một kiệt tác của tạo hóa, như một chứng tích hùng hồn về những thăng trầm lịch sử và trở thành một địa danh có ý nghĩa rất lớn trong lịch sử và danh thắng của nước Việt.

“Dùng dằng” di tích

Từ ngày hầm đèo Ngang được xây dựng, ít người đi lại trên con đường thiên lý này hơn. Nhưng mỗi lần đến đây, nhiều người không khỏi nuối tiếc vì chứng kiến di tích ngày càng tàn tạ, chưa tương xứng với vai trò, giá trị lịch sử. Hoành Sơn Quan lại đang bị xâm hại, xuống cấp nghiêm trọng. Nằm trong hệ thống di tích, nhưng dấu tích thành cổ chỉ còn là tường thành hoang phế, chẳng ai chăm sóc nên xung quanh cây cỏ mọc um tùm, nhiều hạng mục đang xuống cấp và có nguy cơ trở thành phế tích. Mặt sau Hoành Sơn Quan chi chít những hình vẽ, chữ viết, chữ ký trông rất nhem nhuốc, trở nên biến dạng vì bị bôi bẩn.

Hoành Sơn Quan nếu không được trùng tu, bảo vệ sẽ nhanh chóng xuống cấp, trở thành phế tích. Ảnh: Hoàng Mỹ

Điều đáng buồn ấy lại đến từ việc quản lý của địa phương cũng chỉ bởi cách phân chia địa giới. Hoành Sơn Quan được cả Quảng Bình lẫn Hà Tĩnh xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa thuộc địa phương mình vào năm 2002 và 2005. Hai tỉnh này cũng đều đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Hoành Sơn Quan là di tích quốc gia nhưng không được chấp nhận bởi tranh chấp. Phía bên Hà Tĩnh thì cho rằng, xét theo địa giới thì khu vực di tích này thuộc về Hà Tĩnh, nhưng Quảng Bình thì không chịu, bởi trong sử sách và văn hóa bao năm qua đều công nhận công trình này của Quảng Bình. Bị “bỏ rơi” đầy nghịch lý như thế, nên công trình rơi vào cảnh "cha chung không ai khóc", dẫn đến không được quan tâm bảo vệ, bảo tồn và đầu tư, phát huy một cách xứng đáng.

Đến nay, Hoành Sơn Quan vẫn chưa được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia là thiếu sót, trách nhiệm của cơ quan quản lý ở cả địa phương lẫn Trung ương. Hoành Sơn Quan không chỉ có giá trị về mặt lịch sử - văn hóa, gắn liền với hành trình phát triển đất nước, mà đây còn là một danh thắng trên dãy Hoành Sơn. Cho nên, nếu làm tốt, biết quan tâm đầu tư thì di tích này sẽ là nơi khai thác du lịch tiềm năng.

Ông Mai Xuân Thành, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Quảng Bình cho rằng, Hoành Sơn Quan đang xuống cấp và có nguy cơ trở thành phế tích nếu chưa được giải quyết, công nhận một cách rõ ràng thuộc về tỉnh nào. Cũng bởi lý do này, di tích uy nghi, cổ kính đến nay vẫn chưa lần nào được tu bổ, tôn tạo. Theo ông Thành, sắp tới, Sở Văn hóa - Thể thao sẽ báo cáo, xin ý kiến của UBND tỉnh Quảng Bình. Còn ông Bùi Xuân Thập, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đến giờ này vẫn chưa có sự thống nhất giữa hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh là một việc đáng tiếc, làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn, trùng tu, khai thác di tích.

Di tích đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, vì vậy, hơn lúc nào hết, hai tỉnh cần có sự bàn bạc, thống nhất, có chung quyết định trong việc bảo tồn, trùng tu để gìn giữ giá trị di tích cho muôn đời sau. Đối với trường hợp này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, hai tỉnh cùng làm chung hồ sơ xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, bởi lẽ, dù nằm trên hai địa phương nhưng di tích chỉ có một. Đây không phải là trường hợp đầu tiên mà Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế là hai địa phương điển hình.

Tiêu Dao

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dung-dang-di-tich-post465697.html