Đừng coi nhẹ việc nuôi dưỡng thương hiệu

Hấp dẫn toàn diện cả về hình thức lẫn mùi và vị, bánh mì kẹp với gu ẩm thực tinh tế của người Việt và những nguyên liệu địa phương đã nâng tầm món ăn lên đẳng cấp quốc tế một cách ngoạn mục. Tuy nhiên, việc giữ được 'thương hiệu quốc gia' này không phải là đơn giản.

Nỗi buồn của Bánh mì Phượng

Bánh mì kẹp của Việt Nam được xếp thứ 7 trong 50 món ăn đường phố ngon nhất thế giới. Và năm 2011, thuật ngữ "banh mi" đã có mặt trong từ điển tiếng Anh Oxford và từ điển Merriam-Webster danh tiếng của Mỹ. Ở rất nhiều địa phương của Việt Nam, bánh mì là một trong những món ăn dễ tìm thấy nhất từ thành thị tới nông thôn, điều đó khiến người nước ngoài rất thích thú và vô cùng thoải mái khi thưởng thức loại ẩm thực đường phố ngon lành và hợp khẩu vị này. Có thể nói, cùng với phở, thì bánh mì đã là một thương hiệu ẩm thực quốc gia giúp cho việc kích thích du lịch phát triển.

Bánh mì Phượng từng được đánh giá là món ăn ngon và rất được du khách quốc tế ưa chuộng.

Tuy nhiên, vụ việc ồn ào liên quan tới tiệm bánh mì Phượng nổi tiếng thế giới ở Hội An (Quảng Nam) vừa qua đã gióng lên hồi chuông cánh báo về việc thương hiệu nổi tiếng bị tổn hại và gây ít nhiều những ảnh hưởng tiêu cực tới địa phương và quốc gia khi sản phẩm ẩm thực này khiến 141 người bị ngộ độc, trong đó gần một phần ba là du khách nước ngoài. Tiệm bánh mì Phượng nổi tiếng này ra đời từ năm 1990. Đến năm 2009, món bánh mì xứ Quảng nổi tiếng trên toàn thế giới sau khi cố đầu bếp huyền thoại người Mỹ Anthony Bourdain đánh giá hương vị là “một bản giao hưởng bánh mì” trong chương trình trải nghiệm No Reservations trên kênh Travel Channel.

Anthony Bourdain gọi đây là “loại bánh ngon nhất thế giới”. Sau đó, một kênh truyền hình Hàn Quốc cũng chọn bánh mì Phượng là điểm ghi hình cho chương trình khám phá ẩm thực. Hiệu ứng của những chương trình truyền hình này khiến bánh mì Phượng đã phát triển nhảy vọt, trở thành thương hiệu ẩm thực được ưu thích đối với nhiều du khách. Website Tripadvisor.com, nền tảng du lịch lớn nhất thế giới với 490 triệu lượt người dùng mỗi tháng, có gần 4.000 đánh giá về trải nghiệm, chất lượng của bánh mì Phượng và xếp hạng 4,5/5 điểm... Nhiều năm qua, mỗi ngày bánh mì Phượng bán 1.000 - 2.000 ổ, giá từ 20 nghìn - 35 nghìn/ổ. Tính sơ sơ doanh số 1 tỉ đồng mỗi tháng là con số “mơ ước” của nhiều doanh nghiệp.

Cùng với phở, bánh mì đã trở thành những món ăn dẫn đầu trong nền ẩm thực Việt Nam. Và sự phát triển, thịnh vượng của bánh mì Phượng cũng đã góp phần quan trọng tô điểm cho ẩm thực Hội An, làm “thơm lây” thương hiệu du lịch trải nghiệm cho phố cổ miền Trung này. Nhưng rồi, vụ ngộ độc thực phẩm từ cửa tiệm này khiến hình ảnh của bánh mì Phượng, cũng như ẩm thực Hội An, và hơn nữa là bánh mì kẹp của Việt Nam ít nhiều bị ảnh hưởng. Vụ ngộ độc bánh mì Phượng gây hại trực tiếp cho hơn 100 thực khách, tất nhiên trách nhiệm đầu tiên, trước mắt là chủ cửa hàng. Nhưng còn có phần thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng, ngành y tế, du lịch và cả chính quyền Hội An, Quảng Nam.

Dù ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP. Hội An đã chia sẻ rằng, vụ ngộ độc do bánh mì Phượng là rất đáng tiếc, không ai mong muốn, và đây chỉ là trường hợp cá biệt, không thể vì thế đánh giá ẩm thực đường phố Hội An không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hội An là một thành phố du lịch, đặc biệt nổi tiếng bởi ẩm thực đường phố đa dạng và được đánh giá rất cao. Không chỉ là bánh mì mà còn nhiều món ăn gắn với đời sống văn hóa người dân phố Hội như chè, xí mà, các loại bánh trái...

Chủ cơ sở Bánh mì Phượng (bên trái) làm việc với cơ quan chức năng sau vụ việc. (ảnh: Sở Y tế Quảng Nam),

Có thể, tổn hại về sức khỏe của các thực khách sẽ sớm phục hồi, nhưng niềm tin yêu của du khách với bánh mì Phượng nói riêng, với ẩm thực đường phố Hội An, Việt Nam nói chung sẽ bị giảm sút. Biết rằng ngộ độc thực phẩm là bất khả kháng, chẳng ai muốn. Nhưng thương hiệu từng được gọi là “Bánh mì ngon nhất thế giới” thì càng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Quy trình bảo quản, chế biến, sử dụng an toàn. Vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Phượng không chỉ có nguy cơ “xóa sổ” thương hiệu ẩm thực có tiếng tại Hội An mà hình ảnh du lịch, văn hóa ẩm thực của thành phố này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết, nhiều năm qua, bánh mì Phượng gắn liền với Hội An, được nhiều trang web về du lịch uy tín trên thế giới như Tripadvisor, Foursquare… đánh giá là một trong những loại bánh mì ngon nhất thế giới, cũng như nhận được những phản hồi tích cực của thực khách. Tuy nhiên, vụ ngộ độc thực phẩm mới đây là một sự cố rất không đáng xảy ra. Bánh mì Phượng là một trong những thương hiệu ẩm thực đường phố được đông đảo du khách ưa chuộng tại Hội An. Mà đã là thương hiệu, thì nó rất dễ bị tổn thương, cho dù là chủ quan hay khách quan.

Bảo vệ thương hiệu ẩm thực để phát triển kinh tế

Năm 2022, Chuyên trang du lịch nổi tiếng The Travel (Canada) đã đưa Việt Nam lọt danh sách 10 quốc gia có nền ẩm thực hấp dẫn hàng đầu thế giới. Liên tiếp nhiều năm những món ăn Việt Nam như phở, bánh mì, cafe trứng, nem, hủ tiếu Nam Vang, Mì Quảng… đã có mặt trong những món ăn ngon nhất thế giới theo bình chọn của những chuyên trang du lịch hàng đầu hay hãng truyền thông nổi tiếng CNN. Trước đó, tháng 11/2020, Việt Nam được Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) bình chọn là: Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á; Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á và Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á. Đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam giành giải thưởng danh giá ở cả ba hạng mục này. Văn hóa, di sản và ẩm thực là ba yếu tố nổi trội mang lại những giải thưởng quốc tế danh giá cho du lịch Việt Nam.

Du khách nước ngoài thưởng thức ẩm thực Việt Nam.

Ẩm thựckích thích từ thính giác đến vị giác và gây cảm giác hứng thú, tò mò luôn là một trong những nội dung được người dân quan tâm và theo dõi hàng đầu trên mạng xã hội. Ẩm thực Việt Nam vẫn được thế giới biết đến với sự phong phú và đa dạng, cả về nguyên liệu lẫn cách chế biến. Văn hóa ẩm thực giữ một vị trí quan trọng đối với sức hấp dẫn của điểm đến. Cùng với các yếu tố có thể làm thỏa mãn nhu cầu du khách như thời tiết, khí hậu, dịch vụ lưu trú, phong cảnh tham quan thì ẩm thực góp phần gia tăng đáng kể giá trị cho chuyến đi cũng như tạo dựng hình ảnh tốt đẹp của du khách về điểm đến đó. Làm sao để khai thác các giá trị, thế mạnh văn hóa ẩm thực? Làm sao để phát triển những món ăn, những đặc sản ẩm thực Việt Nam thành sản phẩm du lịch đặc sắc và hơn cả là định vị thương hiệu của Việt Nam, có lẽ đây không chỉ là nỗi trăn trở của các cấp, các ngành liên quan tới lĩnh vực du lịch, mà còn là sự chung sức phối hợp hành động của từng người để xây dựng, bảo vệ thương hiệu ẩm thực đặc trưng.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã vàđang gấp rút thực hiện “Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa”, trong đó xác định tập trung phát triển hailĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh gồm ẩm thực và di sản nhằm định vị thương hiệu du lịch văn hóa dựa trên giá trị đặc sắc về di sản và ẩm thực, qua đó đưa văn hóa ẩm thực Việt trở thành tài sản quốc gia. Tinh hoa ẩm thực Việt Nam thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo và chứa đựng tính nghệ thuật cao, sự khéo léo, tinh tế, nhân văn trong cách chế biến, thưởng thức. Đây thật sự là di sản văn hóa phi vật thể mang tính bền vững, là thế mạnh của Việt Nam cần được phát huy để định vị thương hiệu du lịch.

Gánh hàng rong là hình ảnh quen thuộc của ẩm thực phố Hội.

Tuy nhiên thời gian qua, công tác quảng bá, khai thác hết những giá trị đặc sắc của ẩm thực chưa được quan tâm và phát huy đúng mực. Nhiều món ăn truyền thống của Việt Nam như: phở, bún chả, nem, bánh mì… đã được các tạp chí du lịch, các cơ quan truyền thông quốc tế uy tín thừa nhận là những món ăn ngon, độc đáo hàng đầu thế giới, không thể không thưởng thức khi đến Việt Nam. Tuy vậy, việc tổ chức một cách đồng bộ, hiệu quả để phát huy yếu tố văn hóa ẩm thực Việt trong du lịch vẫn còn nhiều rào cản và hạn chế. Du lịch ẩm thực mới chỉ bắt đầu được chú ý ở một vài địa phương là trọng điểm du lịch như: Hà Nội, Hội An, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Trong đó đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những rào cản đối với phát triển du lịch ẩm thực lại chưa thật sự được cải thiện rõ rệt. Điều đó đã dẫn tới những “trải nghiệm không mấy vui vẻ” mà ít nhiều du khách quốc tế đã gặp phải khi du lịch tại Việt Nam.

Bảo vệ và giữ thương hiệu ẩm thực không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố như an toàn thực phẩm, trong đó có những thương hiệu ẩm thực quốc gia như phở hay bánh mì là công việc quan trọng để góp phần quảng bá du lịch và văn hóa Việt Nam ra thế giới. Vệ sinh, an toàn thực phẩm phải luôn được đặt lên hàng đầu và là điều kiện bắt buộc đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ. Những nhà hàng và cơ sở dịch vụ này phải cam kết đảm bảo chất lượng dịch vụ và được cơ quan quản lý chất lượng cấp chứng nhận đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Thông tin tư vấn và chỉ dẫn cho khách du lịch dễ dàng tiếp cận các nhà hàng, cơ sở dịch vụ được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, cả ấn phẩm truyền thống và trực tuyến.

Để phát triển hơn nữa ẩm thực Việt Nam để kích cầu du lịch, thì ngoài việc có những sản phẩm truyền thống chất lượng để quảng bá được những tinh hoa văn hóa ẩm thực đa dạng vùng miền của Việt Nam ra thế giới, ý thức được mỗi sản phẩm đều là cách thể hiện thương hiệu quốc gia thì những đầu bếp, người làm ẩm thực cần cẩn trọng hơn với mỗi sản phẩm của mình. Ẩm thực là một hợp phần quan trọng của nền kinh tế du lịch, vì vậy vụ việc ngộ độc tại bánh mì Phượng lần này là hồi chuông cảnh báo cho công tác kiểm tra, giám sát, quản lý ẩm thực, nhất là những đặc sản phục vụ du lịch ở các đô thị, điểm du lịch nổi tiếng của cả nước cần được hết sức quan tâm.

Tiêu Dao

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/dung-coi-nhe-viec-nuoi-duong-thuong-hieu-i708241/