Đừng chạy theo thành tích

QĐND - Xây nên được công trình khang trang, mua sắm các trang thiết bị cho hệ thống thiết chế văn hóa đã tốn kém, khó khăn, nhưng để tổ chức và duy trì các hoạt động như thế nào cho hiệu quả đang là bất cập với các cấp quản lý văn hóa khi không ít dư luận lên tiếng về chuyện “nhà văn hóa bỏ hoang”, “trung tâm văn hóa sử dụng sai mục đích”…

QĐND - Xây nên được công trình khang trang, mua sắm các trang thiết bị cho hệ thống thiết chế văn hóa đã tốn kém, khó khăn, nhưng để tổ chức và duy trì các hoạt động như thế nào cho hiệu quả đang là bất cập với các cấp quản lý văn hóa khi không ít dư luận lên tiếng về chuyện “nhà văn hóa bỏ hoang”, “trung tâm văn hóa sử dụng sai mục đích”…

Thiếu các hoạt động

Có gì trong nhà văn hóa? Làm thế nào để hoạt động của nhà văn hóa không quá đơn điệu, lãng phí như nó đang mắc phải?… đó mới là điều cần bàn chứ không phải chạy theo việc xây dựng nhà văn hóa có đạt chuẩn quy mô, kiểu dáng, vị trí… là ý kiến của nhiều cán bộ ngành văn hóa địa phương đưa ra trong hội nghị “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở” vừa được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Cục Văn hóa cơ sở tổ chức tại Nghệ An.

Nhà văn hóa xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, Nghệ An được xây dựng khang trang

Ngoài phần hội thảo với sự tham gia đóng góp ý kiến, thông báo về hoạt động thiết chế của đại diện lãnh đạo ngành văn hóa hơn 50 tỉnh, thành phố trong cả nước, BTC đã tổ chức buổi đi thực tế, với mong muốn đưa các đại biểu “mục sở thị” một số thiết chế văn hóa điển hình xứ Nghệ. Nhà văn hóa xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, Nghệ An được chọn là điểm đến. Thiết chế này được xây dựng khang trang 2 tầng ngay trung tâm huyện với đủ các phòng chức năng như phòng họp, phòng điều hành, phòng truyền thống, sân khấu… được đầu tư trang thiết bị loa đài, ghế bàn mới, đẹp. Mới đi vào hoạt động được hai tháng và theo lãnh đạo của địa phương, nhà văn hóa đã đáp ứng được chức năng của một thiết chế văn hóa, khi trở thành nơi hội họp, tổ chức sinh hoạt văn hóa cộng đồng…

Ngay ở sảnh tầng 1, dễ nhìn thấy phòng đọc thư viện, tuy nhiên nó lọt thỏm trong không gian rộng thoáng của nhà văn hóa. Chị Hoàng Mai, cán bộ thư viện nhà văn hóa cho biết, do mới đi vào hoạt động nên chỉ có 500 đầu sách, báo chí không có, chủ yếu kêu gọi sự ủng hộ báo cũ từ cấp trên. Nhưng trong 500 đầu sách nhìn ở thư viện, thì có thể khẳng định khó có cuốn sách nào người dân và trẻ nhỏ ở địa phương này đọc được, vì chủ yếu là những cuốn sách hướng dẫn pháp luật có cách đây hơn 10 năm và các thông báo nội bộ kinh tế xã hội của tỉnh nhà nhiều năm trước. Chị Mai nói, lương của chị hợp đồng kiêm nhiệm mỗi tháng 1 triệu đồng, mỗi tuần thư viện chỉ mở cửa ngày thứ 7, nhưng có hôm cả ngày không ai vào đọc. Cũng ít có các hoạt động để phục vụ bà con vì không có kinh phí, vậy nên hầu như nhà văn hóa để trống cả tuần.

Báo cáo về hoạt động thiết chế văn hóa cơ sở của ngành văn hóa Nghệ An và huyện Nam Đàn cũng nhận được sự cảm thông của hầu hết các đại diện tỉnh, thành phố trong dịp thực tế này, bởi họ đều có mối quan tâm chung đối với việc làm thế nào để thiết chế văn hóa có những hoạt động hiệu quả, thu hút sự tham gia của nhân dân.

nhưng thư viện-góc hoạt động thường xuyên lại rất “khiêm tốn” cả không gian và sách báo. Ảnh: Việt Lam

Thực trạng xây nhà văn hóa rồi để không, hoặc ít hoạt động là vấn đề đang xảy ra ở nhiều địa phương. Theo đánh giá của Cục Văn hóa cơ sở, nguyên nhân là do ngân sách cấp huyện hạn chế, kinh phí dành cho văn hóa thể thao eo hẹp, nhất là các huyện miền núi vùng sâu vùng xa, dẫn đến tình trạng lúng túng, thiếu chủ động để hoạt động.

“Mục tiêu” phải đồng hành với hữu dụng

Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ mục tiêu: “Xây dựng đồng bộ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cộng đồng. Phấn đấu đến năm 2015 và 2020, 90%-100% số quận, huyện, thị xã có nhà văn hóa và thư viện; 80-90% số xã và thị trấn có nhà văn hóa; 60-70% số làng, bản, ấp có nhà văn hóa. Xây dựng một số công trình văn hóa xứng tầm với thời đại tại Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn của cả nước”.

Với những chiến lược và mục tiêu này đã khiến nhiều người nghi ngại. Bởi thực tế, nhiều địa phương chưa có quy hoạch địa điểm, quỹ đất cho thiết chế. Nguồn nhân lực và ngân sách cho hoạt động thiết chế thiếu, cấp nhỏ giọt, lâu nay đều phụ thuộc vào ngân sách của tỉnh. Thiếu cán bộ văn hóa hướng dẫn, thiếu kinh phí hoạt động… nên mới có tình trạng dư luận lên tiếng nhà văn hóa bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích.

Vậy nên, nhiều ý kiến đại diện địa phương thẳng thắn rằng, cái quan trọng là nâng cao hiệu quả, nội dung hoạt động trong thiết chế chứ không nên “chạy” theo mục tiêu đạt số lượng. Cần nữa là biên chế vận hành trong hệ thống thiết chế, hầu hết cán bộ hiện nay kiêm nhiệm.

Thực tế cho thấy, các thiết chế văn hóa cơ sở hiện nay đã và đang phát huy tích cực trong vai trò xây dựng đời sống văn hóa, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, thể chất của nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, các nhà văn hóa thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng chính là nơi sinh hoạt, học tập của cộng đồng, nơi hội họp của các tổ chức chính trị, là nơi tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới nhân dân. Thiết nghĩ, để hoạt động trong hệ thống thiết chế văn hóa hữu dụng cần có sự quan tâm đúng mức, đầu tư có trọng điểm từ nhiều cấp, ngành với những trang thiết bị, kiến thức và phong trào văn hóa nghệ thuật gần gũi phù hợp với nhân dân của từng địa phương, từng cộng đồng dân tộc; không thể áp đặt đồng bộ để chạy theo thành tích, mục tiêu đề ra theo quy chuẩn chung, gây lãng phí công sức, tiền của.

VƯƠNG HÀ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/6/66/66/165375/Default.aspx