Đừng bỏ quên thị trường quan trọng

Với hơn 90 triệu dân, thị trường bán lẻ Việt Nam đang là 'miếng bánh' hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài.

Thời gian qua, cuộc vận động"Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Bộ Chính trị phát động đã góp phần đưa hàng hóa Việt đến với người dân ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt là với người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Khu vực này được dự báo là một thị trường vô cùng quan trọng và sẽ rất đáng tiếc nếu các DN trong nước bỏ quên, thậm chí đánh mất thị trường này vì thiếu chiến lược phát triển.

Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn do Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) tổ chức tại huyện Ứng Hòa. Ảnh: Minh Hòa

"Miếng bánh" lớn

Năm 2015, Bộ Công thương đã chỉ đạo các địa phương tổ chức 180 đợt bán hàng về nông thôn với gần 2.400 lượt DN tham gia, thu hút hơn 930.000 lượt người tới tham quan mua sắm, mang lại doanh thu hơn 20.000 tỷ đồng. 31 điểm bán hàng Việt Nam cố định với sự tham gia của 3.000 DN sản xuất, kinh doanh đã được xây dựng tại các địa phương, trong đó ưu tiên khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi… giúp người dân dễ dàng tiếp cận các sản phẩm hàng Việt. Cũng trong năm 2015, nhiều hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa sản xuất trong nước đã được tổ chức tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… thu hút gần 1.000 DN tham gia. Qua đó, 129 hợp đồng và bản ghi nhớ đã được ký kết giữa các nhà sản xuất với DN phân phối.

Đặc biệt, Sở Công thương Hà Nội đã phối hợp với Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) và các DN bán lẻ trên địa bàn Hà Nội hỗ trợ nông dân các tỉnh Hải Dương, Sóc Trăng… tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản như vải, hành tím với số lượng lớn. Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước chia sẻ, nếu trước đây người tiêu dùng (NTD) có tâm lý sính ngoại thì nay đã chuyển sang ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao, có nguồn gốc rõ ràng. Điều này thể hiện sự nỗ lực của DN cùng với "lực đẩy" từ cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã góp phần hỗ trợ hàng Việt không chỉ ở các tỉnh, thành phố, mà còn trải khắp miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Trong nhiều báo cáo nghiên cứu về thị trường gần đây, Công ty Nielsen Việt Nam đều đưa ra nhận định, nông thôn là "miếng bánh" lớn không thể bỏ qua. NTD tại khu vực này đang thay đổi rất nhanh khi trình độ học thức tăng, mức thu nhập được cải thiện. Theo khảo sát của Nielsen Việt Nam, NTD nông thôn lắng nghe và tin tưởng vào lời khuyên từ mọi người. Thực tế, gần 3/4 NTD nông thôn quan tâm đến những gì người khác nghĩ, hơn 81% nói rằng họ lắng nghe ý kiến và gợi ý từ người khác, cao hơn nhiều so với 46% NTD ở thành thị. Người mua hàng chủ yếu quan tâm tới các sản phẩm chăm sóc gia đình và cá nhân, thức uống, gia vị và sản phẩm từ sữa ở các cửa hàng thương mại hiện đại; còn thực phẩm tươi sống, gia vị thông thường và các vật dụng gia đình thì chủ yếu được mua tại kênh thương mại truyền thống. Khảo sát cũng cho thấy, 77% NTD nông thôn muốn thử sản phẩm mới và 95% đánh giá cao sự đa dạng của sản phẩm. Ông Vaughan Ryan, Tổng Giám đốc Nielsen Việt Nam từng đưa ra lời khuyên hữu ích trong một báo cáo rằng, NTD nông thôn đang là đối tượng khách hàng quan trọng của nhiều DN, việc hiểu được họ là ai, họ mua gì, ở đâu, như thế nào và nắm bắt phương pháp tiếp cận hiệu quả sẽ là chiến lược quan trọng để thành công.

Hỗ trợ DN xây dựng kênh phân phối

Đối với các DN, nhất là DN nhỏ và vừa Việt Nam, việc chen chân vào hệ thống phân phối hiện đại nói chung rất khó khăn. Vì vậy, theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, các DN Việt thay vì cố gắng để giành một vị trí đầu quầy tại siêu thị với các tập đoàn đa quốc gia thì nên về nông thôn, mở cửa hàng chuyên doanh. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (một trong những DN rất tích cực đưa hàng Việt về nông thôn) chia sẻ, việc thiếu mặt bằng xây dựng là rào cản khiến DN ngại đầu tư vào hệ thống phân phối. Trong khi đó, do các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn diễn ra trong thời gian ngắn, tổ chức còn rời rạc, thiếu sự liên kết, thậm chí còn một số DN chưa có ý thức coi trọng khách hàng đã trà trộn hàng lỗi mốt, hàng tồn bán tại các hội chợ… khiến người dân không chỉ thiếu thông tin về sản phẩm, không nhận biết được hàng nhái nhãn mác với sản phẩm chính hãng, mà còn tạo sự nhàm chán cho cả DN và NTD.

Trước thực tế trên, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội đề xuất, sau mỗi phiên chợ hàng Việt, DN nên giao nhân viên mang sản phẩm đến quảng bá, giới thiệu với các tiểu thương tại địa bàn nơi tổ chức phiên chợ Việt, để từ đó thâm nhập sâu rộng vào thị trường nông thôn. Mặt khác, để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái thương hiệu Việt trà trộn làm ảnh hưởng uy tín của hàng hóa Việt, tạo cơ hội cho các DN sản xuất đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt Nam chất lượng cao, cần đẩy mạnh hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống buôn lậu hàng giả và gian lận thương mại từ trung ương đến địa phương trong việc điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm các đường dây, ổ nhóm buôn lậu.

Những phiên chợ hàng Việt về nông thôn đã, đang góp phần giúp DN trong nước quảng bá, phát triển kênh phân phối tại chỗ. Vì vậy, DN cần đưa hàng Việt về nông thôn thường xuyên hơn nữa. Bên cạnh sự hỗ trợ của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, khi nắm được cách tiếp cận NTD ở nông thôn, DN cần mang đến những sản phẩm chuẩn và bảo đảm bằng cách giữ vững cam kết thương hiệu.

Thanh Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/829624/dung-bo-quen-thi-truong-quan-trong