Dùng bọ lục bình… diệt lục bình

Để tiêu diệt lục bình hiệu quả và bền vững, nhiều nơi trên thế giới chủ yếu dựa vào biện pháp sinh học bằng các loại thiên địch của lục bình.

* Diệt gọn lục bình với chi phí 0,5 USD/ha

Sau nhiều năm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu do TS Lê Khắc Hoàng cùng cộng sự tại Khoa Nông học (ĐH Nông lâm TP.HCM) vừa công bố kết quả nghiên cứu đề tài tiêu diệt và kiểm soát lục bình bền vững bằng biện pháp sinh học.

Phóng thích bọ lục bình xuống kênh Ông Sâu (Quận 12, TP.HCM)

Đây là một đề tài nghiên cứu có tính khả thi, được nhiều tỉnh phía Nam đánh giá cao về hiệu quả và có thể là giải pháp hữu hiệu với chi phí thấp để tiêu diệt nhanh chóng và triệt để lục bình.

Theo TS Hoàng, để tiêu diệt lục bình hiệu quả và bền vững, nhiều nơi trên thế giới chủ yếu dựa vào biện pháp sinh học bằng các loại thiên địch của lục bình.

Hiện thế giới có 9 loài thiên địch được sử dụng trong kiểm soát lục bình, trong đó có 5 loài côn trùng, 1 loài nhện, 1 loại nấm gây bệnh. Trong số này, hai loài bọ cánh cứng thuộc chi Neochetina vốn là thiên địch của lục bình (thường được gọi là bọ lục bình) đã được nhiều nước sử dụng và đem lại hiệu quả nhất.

Lục bình trên kênh Ông Sâu bị phá hoại sau 2 tháng phóng thích bọ

Sau thời gian nghiên cứu và tìm kiếm trên khắp các tỉnh ĐBSCL, nhóm nghiên cứu của TS Hoàng đã thu thập được 2 loài thiên địch thuộc chi Neochetina gồm Neochetina eichhorniae và Neochetina bruchi.

Đến nay, nhóm nghiên cứu do TS Hoàng đã nghiên cứu thành công việc nhân nuôi bọ Neochetina eichhornia. Sau khi nhân nuôi thành công, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đưa ra làm một số thí nghiệm tại một số khu vực sông bị lục bình xâm hại và đã cho kết quả hết sức khả quan.

Cụ thể, nhóm đã tiến hành phóng thích 32.000 cặp bọ Neochetina eichhornia trưởng thành lên bề mặt kênh bị lục bình đan kín với diện tích 8.000m2 tại rạch Ông Sâu (thuộc Quận 12, TP.HCM).

Gốc lục bình bị bọ phá hoại, thối rữa hoàn toàn

Kết quả cho thấy, 2 tháng sau khi được phóng thích, bọ Neochetina eichhornia đã sinh sôi với mật độ từ 2 - 5 con/cây lục bình và gây hại với tỉ lệ 100% cá thể lục bình. Sau 3 tháng, toàn bộ diện tích lục bình thí nghiệm đã có mật độ bọ từ 5 - 9 con/cây, gây hại khiến lục bình bị chết, cháy, bắt đầu thối rữa với tỉ lệ bị hại lên tới 100%.

Theo TS Lê Khắc Hoàng, việc sử dụng thiên địch của lục bình là 2 loài bọ thuộc chi Neochetina tại nhiều nước trên thế giới cho hiệu quả tiêu diệt lục bình rất cao (tuy nhiên sẽ phải cần thời gian khá dài).

Tại Argentina, sau khi thả bọ 6 năm, lục bình bị tiêu diệt từ 90 - 95%. Tỉ lệ này tại Ấn Độ là 90 - 95% (sau 2 - 3 năm thả bọ); tại Mỹ là 90% (sau 1 - 3 năm thả bọ), tại Uganda là gần như 100% (sau 4 năm thả bọ)...

Các báo cáo của quốc tế cũng cho thấy, việc sử dụng bọ thuộc chi Neochetina để kiểm soát lục bình cũng là giải pháp rất rẻ và dễ thực hiện.

Tại Nam Phi, báo cáo cho thấy giải pháp này chỉ tốn từ 0,54 USD/ha đến 44 USD/ha (tùy giai đoạn), trong khi tiêu diệt lục bình bằng thuốc hóa học tốn kém bình quân tới 210 USD/ha, chưa kể tác hại môi trường.

Không gây hại

Một trong những băn khoăn lớn khi đưa các loài bọ Neochetina để xử lí lục bình, đó là chúng có gây hại cho các loại cây trồng nông nghiệp khác hay không?

Về lo ngại này, các nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy, 2 loài bọ thuộc chi Neochetina chỉ gây hại duy nhất cho lục bình, mà không phá hoại bất kỳ loại cây trồng nào khác.

Nhóm nghiên cứu của TS Lê Khắc Hoàng cũng đã tiến hành thí nghiệm kiểm chứng điều này trên 6 nhóm cây trồng tại Việt Nam gồm: Cây lương thực (lúa, ngô, khoai lang, sắn...); cây rau (dưa leo, cải xanh, củ cải, rau muống, rau càng cua...); cây thân thảo (cây lẻ bạn, rau chay, thài lài...); cây ăn quả (xoài, nhãn, chôm chôm...); cây sống dưới nước (sen, súng, kèo nèo...) và cây công nghiệp (mía, đậu phộng...).

Kết quả cho thấy, bọ Neochetina eichhornia không hề gây hại cho bất kỳ loại cây nào khác, ngoài lục bình.

Quỳnh Trang

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/dung-bo-luc-binh-diet-luc-binh-post181610.html