Dục tốc bất đạt

Đầu mùa tuyển sinh 2024, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã công bố loạt kết luận liên quan đến việc mở và đào tạo ngành học mới với nhiều trường đại học.

Ảnh minh họa ITN.

Theo đó, một số đơn vị thực hiện việc mở ngành chưa đúng quy định, đáng chú ý nhiều ngành học mới mở chưa được 2 - 3 năm đã phải đóng.

Từ khi Luật Giáo dục Đại học sửa đổi năm 2018 có hiệu lực, tự chủ đại học được phát huy, nhiều trường tăng tốc mở ngành mới. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, chỉ từ năm 2021 - 2023 đã có 639 ngành đào tạo trình độ đại học được mở mới tại cơ sở đào tạo thực hiện tự chủ mở ngành. Trong đó, năm 2021 số lượng ngành tự chủ mở mới tăng nhiều nhất (262), tiếp đến năm 2022 là 201 và trong 8 tháng năm 2023 đã có 176 ngành.

Để bảo đảm chất lượng đào tạo của ngành học mới, Bộ GD&ĐT đã có Thông tư 02/2022/Bộ GD-ĐT quy định khá cụ thể về điều kiện mở ngành, như yêu cầu về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, nhu cầu nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, cả nước...

Với ngành đặc thù như nhóm ngành sức khỏe, còn có thêm nhiều quy định khác ràng buộc bảo đảm chất lượng. Nhiều ngành học mới mở ở các trường được nghiên cứu và đầu tư kỹ lưỡng, tuyển sinh khá ổn, chất lượng đầu ra được nhà tuyển dụng đánh giá cao.

Tuy vậy, bên cạnh đơn vị làm tốt, thực tế có không ít cơ sở đào tạo vội vã mở ngành khi chưa hội đủ các điều kiện: Đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, thực hiện khảo sát nhu cầu xã hội không đầy đủ... Một số ngành học mới mở nhưng thực tế là “bình mới rượu cũ”.

Thậm chí, dư luận còn nghi ngờ có trường mở ngành mới là ngành “hot” như một phần trong chiến lược Marketing - PR để tăng thu, cứ hút thí sinh vào đã, không đủ lớp thì chuyển ngành, dồn lớp... Đặc biệt, nhiều trường mở ngành dù chưa đủ điều kiện thực hiện tự chủ, như chưa có hội đồng trường, chưa kiện toàn thành phần theo quy định, chưa đạt chuẩn kiểm định…

Dục tốc thì bất đạt, không ít trường vội vã mở ngành đã lặng lẽ… đóng trong thời gian ngắn, do tuyển sinh không được. Đơn cử như Trường ĐH Hoa Sen mở 15 ngành trình độ đại học trong thời gian từ 2020 - 2022. Một số ngành mới của trường này phải “đóng cửa” vào đầu năm 2023 chỉ sau một vài năm tuyển sinh như: Bảo hiểm, Hoa Kỳ học (mở đầu năm 2020), Bất động sản, Phim (mở năm 2021)…

Mở ngành mới và tổ chức đào tạo là chuyển động tích cực của các trường đại học, nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực cấp thiết cho thị trường lao động, phục vụ sự phát triển của đất nước. Đây cũng là quyền của các trường khi thực hiện tự chủ đại học. Tuy vậy, không thể nói rằng tự chủ thì muốn mở, đóng kiểu gì cũng được, bởi mở một ngành học và chiêu sinh đào tạo khác với bán vé tàu bay, xe khách.

Thời gian qua, không ít trường đại học phải thương thảo với thí sinh chuyển ngành khi tuyển sinh không đủ chỉ tiêu để mở lớp, hay đang tuyển sinh giữa chừng thì bị “tuýt còi” vì không đủ điều kiện.

Thực tế này tạo ra nhiều hệ lụy. Lựa chọn ngành, nghề với thí sinh là vấn đề nhiều khó khăn, lại thêm bị hủy bỏ đăng ký xét tuyển, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần, thậm chí cả nghề nghiệp sau này khi các em buộc phải chọn lại chuyên ngành không thích. Việc đột ngột dừng tuyển sinh cũng gây hoang mang cho chính sinh viên đang theo học và cả giảng viên đang giảng dạy.

Những “góc khuất” trong mở/đóng ngành mới được Thanh tra Bộ GD&ĐT công bố gần đây lần nữa đặt ra yêu cầu các trường đại học phải thực hiện tốt hơn nữa quy định về mở ngành. Không thể vội vã theo trend, cũng không thể là chiêu thức PR thu hút thí sinh. Mở ngành mới luôn là công việc nghiêm túc, đòi hỏi các trường phải cẩn trọng, đặc biệt cân nhắc kỹ hai yếu tố: Phù hợp với xu hướng, nhu cầu của xã hội và năng lực đảm bảo chất lượng.

Gia Khánh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/duc-toc-bat-dat-post679590.html