Đức -Thổ căng thẳng vì căn cứ Incirlik

Khoảng 250 binh sĩ Đức đồn trú tại căn cứ Incirlik, tham chiến chống nhóm khủng bố IS tại nước láng giềng Syria. Nhưng sự hiện diện này đã làm bùng nổ nhiều tranh cãi giữa 2 quốc gia đồng minh NATO trong suốt thời gian qua.

Trong động thái cho thấy căng thẳng leo thang, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 18-5 tuyên bố, Đức có thể tự do rút quân khỏi căn cứ Incirlik nếu muốn, đồng thời yêu cầu Berlin nên từ bỏ “cách tiếp cận trịch thượng” với Ankara. Trong khi đó, Đức lại bất ngờ dịu giọng hơn và “nhờ” Mỹ giúp xoa dịu tranh cãi mới nhất với Thổ Nhĩ Kỳ.

“Thổ Nhĩ Kỳ mở căn cứ Incirlik cho Đức như một phần của liên minh chống IS nhưng nếu họ muốn ra đi, chúng tôi sẽ không cầu xin”, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố trên kênh NTV đồng thời nhấn mạnh: “Nếu những gì chúng tôi đang làm là tống tiền, thì sau đó là gì?”.

Căn cứ quân sự Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP

Đi hay ở?

Tuyên bố mạnh mẽ của Ankara được đưa ra nhằm đáp trả những cảnh báo trước đó của Berlin, về việc xem xét điều động binh sĩ từ căn cứ Incirlik đến Jordan vì Thổ Nhĩ Kỳ không cho phép các nghị sĩ Đức đến thăm căn cứ quân sự trên.

Đức có khoảng 250 quân đóng tại Incirlik cùng với máy bay giám sát Tornado và máy bay tiếp liệu như một phần của liên minh quốc tế chống IS. Tuy nhiên, họ đang cân nhắc chuyển đến Jordan hoặc một quốc gia khác sau khi Thổ Nhĩ Kỳ liên tiếp từ chối cho phép các nghị sĩ Đức đến thăm binh sĩ tại căn cứ gần biên giới Syria này. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ không đưa ra lý do cho việc từ chối này, chỉ nói rằng, việc thăm viếng lúc này là không phù hợp. Trong khi đó, chính phủ Đức cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ muốn trả đũa việc Berlin cấp quy chế tị nạn cho các binh sĩ bị Ankara cáo buộc đứng sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7-2016.

Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước đồng minh khác trong NATO, nhất là Đức, trở nên căng thẳng, trong suốt nhiều tháng qua. Lần này, nếu Đức nhất quyết rời Incirlik, chiến dịch của lực lượng không quân nước này tại Trung Đông sẽ chấm dứt bởi trên thực tế những trận chiến quan trọng chống lại IS đang diễn ra ở phía bắc và phía đông của Syria, trong khi Jordan nằm ở phía nam.

Con bài của ông Erdogan

Chắc chắn, việc này có thể sẽ sớm được giải quyết khi Đức đã “nhờ” đến Mỹ giúp đỡ. Nhưng vấn đề đặt ra là, Ankara rõ ràng đang muốn đánh đổi điều này với Đức để có lợi thế trong quá trình đàm phán với Liên minh Châu Âu (EU).

Incirlik là căn cứ không quân quan trọng nhất của Mỹ và NATO ở khu vực Đông Địa Trung Hải. Căn cứ này do các kỹ sư Mỹ thiết kế và xây dựng từ những năm 1950 với một đường băng bê-tông dài 3.000m. Hiện có 5.000 binh sĩ Mỹ đóng quân vĩnh viễn ở đây, căn cứ vốn được trang bị 57 hầm trú ẩn cho máy bay và chứa các tên lửa hạt nhân chiến thuật của Mỹ. Đây là tài sản chiến lược quan trọng của Mỹ và NATO, và dù không quân Mỹ đang chiếm ưu thế ở đây, các lực lượng không quân Anh, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ cũng hoạt động rất nhiều từ căn cứ này.

Vị thế và tầm quan trọng của Incirlik đồng nghĩa với việc Washington chắc chắn sẽ phản ứng mạnh mẽ với bất kỳ mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với việc sử dụng căn cứ này. Tất nhiên, Ankara nhận được tiền khi cho sử dụng căn cứ này và có lợi về nhiều vấn đề khác nữa. Vì vậy, nhiều chuyên gia nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không nhất quyết yêu cầu Berlin hoặc Washington rời khỏi Incirlik mà họ chỉ đang xem căn cứ không quân này như một lá bài mặc cả hữu hiệu mà thôi.

Khả Anh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_166254_du-c-tho-cang-tha-ng-vi-can-cu-incirlik.aspx