Đưa VTVgo lên TV thông minh để phục vụ nhu cầu của người dân

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, các nhà sản xuất TV sẽ hưởng lợi từ việc tối ưu hóa trải nghiệm người dùng khi đưa nền tảng truyền hình số quốc gia VTVgo lên TV thông minh.

86% hộ gia đình tại Việt Nam đã có TV thông minh. Đây là điều kiện rất khả thi để đưa ứng dụng VTVgo lên TV thông minh tại Việt Nam, tạo điều kiện để thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền qua truyền hình đạt hiệu quả.

86% hộ gia đình tại Việt Nam đã có TV thông minh. Đây là điều kiện rất khả thi để đưa ứng dụng VTVgo lên TV thông minh tại Việt Nam, tạo điều kiện để thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền qua truyền hình đạt hiệu quả.

Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết, tháng 5/2023, Cục đã tổ chức các buổi làm việc với 5 hãng TV lớn tại Việt Nam hiện đang chiếm 94% thị phần trong nước. Con số thống kê cho thấy Samsung đang có thị phần TV lớn nhất, tiếp đến là Sony, LG, TCL, Casper.

Hầu hết các TV do 5 hãng cung cấp trên thị trường đều là dòng TV thông minh, được phân phối qua các cửa hàng chính hãng hoặc các siêu thị điện máy trên toàn quốc, rất thuận tiện trong việc cung cấp đến người dùng Việt Nam.

Thống kê cũng cho thấy, người tiêu dùng tại Việt Nam ngày càng có xu hướng lựa chọn những mẫu TV có kích thước màn hình lớn, trong đó phân khúc TV trên 55 inch ngày càng được ưa chuộng. Theo ước tính của statista.com, doanh thu thị trường TV tại Việt Nam khoảng 1,23 tỷ USD năm 2022. Như vậy, với 2,7 triệu TV được tiêu thụ tại Việt Nam, giá trung bình 1 chiếc TV khoảng 10,5 triệu đồng/chiếc. Do thị trường TV Việt Nam có sự cạnh tranh đến từ nhiều thương hiệu khác nhau nên mẫu mã, tính năng kỹ thuật của các dòng sản phẩm liên tục được nâng cao.

Theo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, tại Việt Nam hiện có 86% hộ gia đình sử dụng TV thông minh. Đây là điều kiện rất khả thi để đưa ứng dụng VTVgo lên TV thông minh tại Việt Nam, tạo điều kiện để thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền qua truyền hình đạt hiệu quả.

TV thông minh phải tuân thủ các quy định nào?

Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, để lưu thông trên thị trường Việt Nam, TV thông minh cần đáp ứng các quy định về quản lý chuyên ngành của Bộ TT&TT và của Bộ Công Thương.

Cụ thể, theo quy định quản lý liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ TT&TT, TV phải tích hợp tính năng thu tín hiệu truyền hình số mặt đất công nghệ DVB-T2, theo Thông tư quy định thời điểm tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất đối với máy thu hình sản xuất và nhập khẩu để sử dụng tại Việt Nam.

TV phải đáp ứng các quy định về chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy đối với sản phẩm hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thống theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phát xạ sóng vô tuyến, tương thích điện tử, an toàn điện cho thiết bị đầu cuối công nghệ thông tin…

Ngoài việc tuân thủ các quy định kỹ thuật tại các quy chuẩn kỹ thuật nêu trên, các doanh nghiệp cung cấp TV cần đáp ứng quy định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình và Nghị định xử lý vi phạm hành chính đối với hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Theo đó, các thiết bị TV thông minh có cài đặt sẵn các ứng dụng cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền chưa có giấy phép là vi phạm quy định và hãng cung cấp TV sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính…

Đối với các quy định quản lý của Bộ Công thương thì TV phải đáp ứng các yêu cầu về hiệu suất năng lượng, dán tem theo quy định...

Đưa nền tảng truyền hình số quốc gia lên TV thông minh

Theo số liệu khảo sát của Unicef năm 2020-2021 tại Việt Nam, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng TV thông minh có kết nối Internet chiếm 86%. Tại 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương, có khoảng 60% hộ gia đình trung bình có từ 2 TV trở lên. Các số liệu nêu trên cho thấy, việc sử dụng TV thông minh cơ bản đã được phổ cập đến người dân, việc xem truyền hình trên TV là phương thức chủ đạo.

Vì vậy, việc cài đặt sẵn ứng dụng VTVgo lên TV thông minh được lưu thông tại Việt Nam là rất quan trọng. Đây là nhiệm vụ trọng tâm mang tính chính trị, quyết định sự thành công và mục tiêu to lớn của việc hình thành nền tảng truyền hình số quốc gia.

VTV là cơ quan chủ trì triển khai xây dựng và hình thành nền tảng truyền hình số quốc gia trên cơ sở ứng dụng xem truyền hình trên Internet VTVgo. Việc đưa những kênh truyền hình thiết yếu lên nền tảng truyền hình số quốc gia VTVgo nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí của người dân, làm hạn chế ảnh hưởng của những thông tin xấu, tin giả trên không gian mạng.

Chiều 24/7, Bộ TT&TT đã tổ chức buổi làm việc với 5 doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu TV lớn nhất Việt Nam gồm Sony, Samsung, LG, TCL và Casper. Buổi làm việc nhằm trao đổi, định hướng về việc cài đặt nền tảng truyền hình số quốc gia VTVGo trên các TV thông minh được sản xuất, nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, đại diện cả 5 nhà sản xuất lớn là Sony, Samsung, LG, TCL và Casper đều đồng thuận với chủ trương tích hợp nền tảng truyền hình số quốc gia VTVGo lên các thiết bị TV được sản xuất, nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh: “Đây là cơ hội để chúng ta tích hợp mọi thứ lên một chiếc điều khiển. Các nhà sản xuất TV sẽ hưởng lợi từ việc tối ưu hóa trải nghiệm người dùng. Người dùng cũng có lợi từ việc chỉ dùng một chiếc điều khiển duy nhất để tiếp cận các nhà cung cấp dịch vụ khác nhau. Đây cũng là cơ hội để các nhà sản xuất TV có được sự đồng thuận, đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước và thị trường”.

Thái Khang

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dua-vtvgo-len-tv-thong-minh-de-phuc-vu-nhu-cau-cua-nguoi-dan-2169455.html